Anh Chris Long là một nhân viên IT ở sở cảnh sát hạt Washoe, thành phố Reno bang Nevada, Hoa Kỳ. Ba tháng sau khi ghép tủy, anh khám phá ra rằng DNA trong máu của mình đã thay đổi. Nó đã bị thay bởi DNA của người hiến tủy, một người đàn ông Đức mà anh chỉ mới nhắn tin qua lại vài lần.

Hy hữu: Sau khi ghép tủy, DNA ở một số nơi trên cơ thể bị thay đổi
Anh Chris Long – nhân viên IT ở sở cảnh sát hạt Washoe đã gặp vấn đề DNA hy hữu.

Theo tờ New York Times, 4 năm trước anh Long từng bị bệnh ung thư máu liên quan tới tủy và cơ thể không thể sản xuất ra máu một cách bình thường. Theo quy trình chữa trị, các tế bào tạo máu khỏe mạnh từ người hiến sẽ thay thế cho các tế bào của anh Long. Vì thế, cũng hợp lý khi máu của anh Long có chứa DNA của người hiến.

Nhưng một đồng nghiệp nữ của anh tên là Renee Romero, vốn là giám định pháp y của sở cảnh sát, cho rằng việc ghép tủy có thể ảnh hưởng DNA ở những nơi khác trong cơ thể anh nữa, vì thế đã khuyên anh nên đưa các mẫu DNA của mình cho nhóm xét nghiệm xem thế nào.

Anh Long đã đồng ý, vì thế nhóm xét nghiệm đã thu thập DNA từ nhiêu nơi trên cơ thể anh và theo dõi tình trạng đó trong một vài năm.

Kết quả là, sau 4 tháng từ khi ghép tủy, họ tìm thấy cả DNA của anh và người hiến ở một số nơi, ví dụ như các mẫu DNA tại môi, má, lưỡi. Các mẫu tóc và lông ngực không bị ảnh hưởng gì, chỉ cho thấy DNA của anh Long.

Nhưng bất ngờ nhất là, sau 4 năm, mẫu tinh dịch của anh chỉ mang DNA của người hiến.

“Tôi cho rằng khá khó tin khi tôi có thể biến mất và ai đó lại xuất hiện,” anh Long nói với báo New York Times.

Cơ chế của sự thay đổi này vẫn còn trong bí ẩn. Ba chuyên gia về ghép tủy xương khẳng định với New York Times rằng một quy trình ghép như vậy không thể làm cho cơ thể người nhận sản sinh tinh trùng mang DNA của người hiến. Trường hợp duy nhất của anh Long là rất hy hữu và chưa thể lý giải.

Ông Mehrdad Abedi, bác sĩ chữa trị cho anh Long tại Đại học California cho biết tình trạng của anh có thể do anh đã phẫu thuật cắt ống dẫn tinh để triệt sản sau khi đứa con thứ hai ra đời. Do đó chúng ta cũng không thể biết nếu anh Long có con nữa thì DNA của người hiến có thể di truyền cho con của anh không?

>> Điều bác sĩ ít tiết lộ: Ghép tạng, ghép cả linh hồn?

Ngoài ra, trường hợp này đã nêu lên đủ loại câu hỏi mới về tính pháp lý của xét nghiệm DNA. Xét nghiệm pháp y đã từng đau đầu vì vấn đề DNA của người vô tội thỉnh thoảng xuất hiện ở hiện trường vụ án, gây ra bởi ghép tủy xương. Ví dụ như:

  • Năm 2004 tại Alaska, các nhà điều tra phân tích DNA từ mẫu tinh dịch tại hiện trường, cho ra kết quả phù hợp với một đối tượng tình nghi. Nhưng người đàn ông này đã ở trong tù suốt thời gian vụ án xảy ra. Hóa ra anh ta đã trải qua ghép tủy xương. Người hiến, vốn là anh/em ruột của anh ta, cuối cùng đã bị kết án.
  • Năm 2008 ở Hàn Quốc, nạn nhân một vụ tai nạn giao thông nhìn bề ngoài là nam giới nhưng DNA lấy ở lá lách và phổi cho thấy DNA của cả nam và nữ. Hóa ra, nạn nhân này đã được ghép tủy xương từ con gái của mình.

Như vậy nếu ai đó trong trường hợp của anh Long phạm tội về tình dục và các nhà điều tra đi thu thập mẫu tinh dịch, liệu người hiến tủy có thể bị kết án nếu ở hiện trường không có bất kỳ mẫu DNA nào khác?

Đó là vấn đề mà các nhà khoa học phải đi tìm câu trả lời – và tất cả chỉ vì đồng nghiệp tò mò của anh Long đã thuyết phục anh tham gia thí nghiệm với họ. Về phần mình, anh Long bày tỏ mong muốn được gặp người hiến tủy ở Đức để nói lời cảm ơn đã cứu mạng sống của anh.

Theo Futurism, NYT,
Phong Trần tổng hợp