Cuối tháng 5 vừa qua, chính quyền Ấn Độ vừa cho biết sẽ hủy bỏ dự án nhiệt điện than 14 Gigawatt, một tin vui cho những người ủng hộ năng lượng sạch như điện mặt trời.

Ấn Độ hủy nhiều dự án nhiệt điện than, bởi điện mặt trời đã trở nên quá rẻ (ảnh qua cleantechnica.com)
(ảnh qua cleantechnica.com)

Ấn Độ là nước có dân số lớn thứ 2 thế giới, và một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất. Một số người còn dự báo rằng nước này sẽ trở thành đông dân nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ 3 vào năm 2050. Vì thế, nếu chúng ta muốn chống ô nhiễm, chống biến đổi khí hậu hay phát triển bền vững, thì Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng.

Câu chuyện về điện mặt trời của Ấn Độ

Sự phát triển của Ấn Độ trong một vài thập niên vừa qua có thể so sánh như xe điện siêu tốc. Với đói nghèo tràn lan ở nhiều nơi và thiếu cơ sở hạ tầng trầm trọng ở nông thôn, thật ngạc nhiên và thú vị khi thấy tham vọng của quốc gia này trong vấn đề năng lượng tái tạo. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã trở thành một trong những thị trường hàng đầu của điện mặt trời, với số lượng lắp đặt tấm pin năng lượng tăng nhanh mỗi ngày.

Có hơn 300 triệu người ở Ấn Độ hiện nay không tiếp cận được với điện, hầu hết sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Việc lắp đặt đường dây lưới điện sẽ cực kỳ tốn kém, và đây chính là nơi năng lượng mặt trời phát huy tác dụng: nó không đòi hỏi phải kết nối vào lưới điện quốc gia. Ngoài việc tạo ra năng lượng sạch và rẻ, điện mặt trời còn có thể kết hợp với lưới điện riêng hoặc lưới điện tại địa phương.

Tuy nhiên, mặc dù Ấn Độ đang đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo (đa số là năng lượng mặt trời), họ cũng có kế hoạch dự phòng: vẫn dựa vào năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than – loại năng lượng gây ra nhiều khí thải ô nhiễm.

Năm ngoái, Ấn Độ thông báo sẽ xây dựng thêm hơn 300 GW cơ sở điện than cho đến năm 2030, mặc dù điều đó gần như là không cần thiết, vì hơn 90% công suất đó sẽ dư thừa. Về cơ bản thì chính phủ Ấn Độ quyết định sẽ không “bỏ hết trứng vào một giỏ” và đầu tư theo cả 2 hướng năng lượng như vậy.

>> Ấn Độ: Công nghệ giá rẻ biến khí thải CO2 từ nhà máy nhiệt điện thành bột nở

Những thay đổi nhanh chóng chỉ trong 6 tháng

Ấn Độ hủy nhiều dự án nhiệt điện than, bởi điện mặt trời đã trở nên quá rẻ

Năm 2017, mọi thứ đang thay đổi. Bang Gujarat đã thông báo hủy bỏ dự án 4 GW nhiệt điện than, họ cho biết năng lượng trong vùng đang dư thừa và họ muốn rời xa khỏi việc đốt than. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu.

Giờ đây, các dự án nhiệt điện than với tổng công suất 13,7 GW đã bị hủy chỉ trong tháng 5/2017 – một con số ấn tượng.

Các cấp chính quyền Ấn Độ dường như ra quyết định rất nhanh. Còn nhớ họ đã ra quyết định trao cho sông Hằng và Yamuna các quyền như con người chỉ trong vài ngày, sau khi bộ tộc Maori mất 140 năm để tạo ra tiền lệ này tại New Zealand.

Nhà phân tích Tim Buckley, giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng của viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), cho biết thuế quan đã giảm nhiều ở Ấn Độ tới một điểm bùng phát: giờ năng lượng mặt trời đã rẻ hơn than.

“Các biện pháp tăng hiệu suất năng lượng của chính phủ Ấn Độ cùng những mục tiêu năng lượng tái tạo tham vọng và giá cả điện mặt trời giảm, đã tác động lên những dự án nhiệt điện than đang có và sắp thi công, làm cho chúng trở nên thiếu khả thi về mặt tài chính.

Biểu giá điện mặt trời của Ấn Độ thực sự đã rơi tự do trong những tháng gần đây,” ông nói.

Mới năm ngoái, giá thấp nhất mà các công ty năng lượng đưa ra là khoảng 1533 VNĐ/kWh (4,34 rupee), vậy mà giá đấu thầu trong tháng 5/2017 đã giảm chỉ còn 925 VNĐ (2,62 rupee), tức sụt khoảng 40%.

Đây quả là một viễn cảnh tươi sáng cho Ấn Độ, hy vọng các quốc gia khác cũng có thể tham khảo và tạo ra những thay đổi tích cực về kinh tế, dân sinh và môi trường.

Vì sao lại có sự thay đổi này?

(ảnh: indiatimes.com)
(ảnh: indiatimes.com)

Giá điện mặt trời giảm chủ yếu là do lãi suất vay đầu tư giảm, theo bà Kanika Chawla, lãnh đạo cao cấp của Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước (CEEW) ở New Delhi. Giá giảm đã thu hút thêm những công ty còn đang đắn đo tham gia vào thị trường và đưa giá điện giảm xuống thấp hơn giá điện than trung bình của tập đoàn điện than lớn nhất Ấn Độ, hiện ở mức khoảng 3,2 rupee/kWh (1129 VNĐ).

“Lợi nhuận tăng trong tương lai sẽ không đến từ giá công nghệ giảm, mà đến từ chi phí tài chính giảm,” bà Kanika cho biết.

Nhưng cũng cần nói thêm, kết quả này đến từ nỗ lực rất lớn của chính phủ Ấn Độ: đứng ra bảo lãnh cho các công ty phân phối năng lượng trong nước – vốn đang nợ nần nhiều – để hợp tác với các hãng phát triển năng lượng, đồng thời có chính sách năng lượng “minh bạch, lâu dài và chắc chắn”.

“Điều này là hoàn toàn trọng yếu, bởi khi đầu tư 25-35 năm, bạn cần sự rõ ràng và chắc chắn trong chính sách,” ông Tim Buckley nói.

“Ấn Độ có thủ tướng Modi nói điều này là mục tiêu hàng đầu của ông, bạn có bộ trưởng năng lượng Goyal nói về điều này mỗi ngày. Mọi người không nghi ngờ quyết tâm của Goyal trong chương trình của ông và sự ủng hộ của Modi đối với những gì ông Goyal đang làm,” ông Tim cho biết.

Theo ZmeScience.com, TheGuardian.com,
Phong Trần tổng hợp

Xem thêm: