45.000 vệ tinh của Elon Musk, CEO của tập đoàn SpaceX (Mỹ), có thể khiến các nhà thiên văn học không thể quan sát vũ trụ được nữa.

Tỷ phú Elon Musk có tham vọng trở thành ông trùm viễn thông toàn cầu với hệ thống Starlink của SpaceX. Ông muốn phủ sóng internet trên toàn thế giới bằng cách phóng lên quỹ đạo Trái đất 45.000 vệ tinh để tạo thành một hệ thống mạng lưới dày đặc. Dẫu vậy, đám vệ tinh này có thể làm gián đoạn quá trình quan sát vũ trụ của các nhà thiên văn học.

Hệ thống Starlink của Elon Musk ‘phá ảnh’ của giới thiên văn học
Ảnh minh họa hệ thống các vệ tinh Starlink bao phủ Trái Đất (Ảnh: Mark Handley/University College London)

Được biết các kính viễn vọng dùng để chụp ảnh vũ trụ cần thời gian phơi sáng dài với tốc độ màn trập thấp, nhờ vậy mà các nhà thiên văn có thể chụp rõ được những vì sao ở rất xa Trái Đất. Tuy nhiên, trong quá trình chụp ảnh, nếu có một vài vệ tinh của Elon Musk đi qua bầu trời thì nó sẽ làm nhiễu hoặc hỏng hoàn toàn bức ảnh được chụp rất công phu.

Hiện tại, Elon Musk chỉ mới phóng lên khoảng 122 vệ tinh Starlink, thế nhưng chúng cũng đã gây ra rắc rối không nhỏ và có thể khiến các nhà thiên văn học phải vò đầu bứt tóc vì ấm ức.

Hệ thống Starlink của Elon Musk ‘phá ảnh’ của giới thiên văn học
Bức ảnh bị vệ tinh Starlink can nhiễu ở đài quan sát Lowell (Ảnh: Victoria Girgis/Lowell)

Sau khi SpaceX phóng thành công các vệ tinh Starlink lên quỹ đạo Trái đất, một loạt các nhà thiên văn học và nhiếp ảnh gia vũ trụ đã tỏ thái độ bất bình trước ảnh hưởng của chúng:

Hệ thống Starlink của Elon Musk ‘phá ảnh’ của giới thiên văn học
Bức ảnh thiên văn bị nhiễu loạn do sự có mặt của các vệ tinh thuộc hệ thống Starlink. (Ảnh: Cliff Johnson/twitter)

Nữ khoa học gia Clarae Martínez-Vázquez làm việc tại đài thiên văn Cerro Tololo (Chi-lê) cho biết có đến 19 lượt vệ tinh bay ngay qua phá hỏng những bức ảnh của cô, chúng kéo dài đến 5 phút và làm gián đoạn quá trình chụp ảnh vũ trụ. Những bức ảnh không còn nguyên vẹn vì các vệt sáng mà những vệ tinh này để lại trên bức ảnh.

Với tình hình này, nếu Elon Musk tiếp tục phóng lên vài trăm vệ tinh nữa thì bầu trời sẽ hoàn toàn bị ô nhiễm. Hãy nghĩ xem, nếu dự án Starlink trở thành hiện thực và có tới 45.000 vệ tinh được phóng lên thì sao? Chúng sẽ bay quanh Trái đất, che kín bầu trời và trở thành nỗi ác mộng thật sự đối với các nhà thiên văn học.

>> Đại kim tự tháp: Thông điệp thiên văn học tiết lộ chính xác thời điểm xây dựng

Trước phản ứng từ phía các nhà khoa học, SpaceX cho biết họ sẽ tìm những giải pháp để giảm ảnh hưởng của các vệ tinh đối với quá trình chụp ảnh không gian. Một trong số đó là phủ lên các vệ tinh này một lớp sơn màu đen để hạn chế việc phản xạ ánh sáng, qua đó giúp các kính thiên văn không nhận diện ra sự có mặt của các vệ tinh khi phơi sáng chụp ảnh vũ trụ. Tuy nhiên, các vệ tinh vẫn có thể che lấp nhiều thiên thể nằm cách xa Trái đất với tín hiệu ánh sáng yếu ớt.

Ngày 11/11 vừa qua, Elon Musk cũng đăng tải lên trang twitter cá nhân đoạn clip cho thấy quá trình triển khai 60 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo. Mặc dù dự án Starlink được cho là bước tiến lớn có thể thay đổi tương lai của mạng lưới internet toàn cầu nhưng cũng kèm theo đó rất nhiều tranh cãi.

Theo The Sun, New Atlas,
Phan Anh tổng hợp