Trong rất nhiều làn đường dành cho xe 2 bánh tại Hà Lan, quốc gia vốn nổi tiếng là yêu thích đi xe đạp, có một con đường đặc biệt được làm bằng giấy vệ sinh tái chế. Đó là làn đường xe đạp dài gần 1km nối hai thị trấn tại tỉnh Friesland nằm ở phía Tây Bắc của Hà Lan.

giay ve sinh lam duong ha lan
(Ảnh: dutchwatersector.com)

Giáo sư Ernst Worrel tại Đại học Utrecht (Hà Lan) cho biết giấy vệ sinh giúp giảm tình trạng đường trơn trượt. Giấy vệ sinh tái chế được sử dụng để tăng thêm lượng xen-lu-lô (cellulose) vào bê tông nhựa rỗng (OGFC), loại nhựa rải mặt đường cho phép nước thấm qua. Nguyên liệu này giúp thoát nước tốt hơn. Đây là một đặc tính vô cùng quan trọng đối với đường xá ở xứ sở hoa tulip bởi có nhiều khu vực nằm ở vị trí thấp hơn so với mực nước biển. Thành phần cellulose giúp gia cố hỗn hợp bê tông nhựa đường có tên OGAF.

Công nghệ tái chế được sử dụng để xây dựng làn đường xe đạp này do công ty KNN Cellulose và công ty công nghệ xử lý nước thải CirTec phát triển.

duong tu giay ve sinh
Các chuyên gia tại công ty KNN Cellulose trên con đường sử dụng giấy vệ sinh tái chế.

Trên thực tế, cellulose có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất vật liệu cách điện, nhiên liệu sinh học, hàng dệt, bột giấy, bộ lọc… Tuy nhiên, do những lo ngại về vấn đề vệ sinh nên không thể dùng cellulose từ nước thải đã tiếp xúc với phân để làm ra các sản phẩm có liên quan trực tiếp đến con người. Tuy nhiên, việc sử dụng giấy vệ sinh tái chế để làm đường lại là phương án khả thi.

>> Vì sao ở Hà Lan, số lượng xe đạp nhiều hơn cả số dân?

Cụ thể, giấy vệ sinh tái chế trong trường hợp này được đưa đến các nhà máy xử lý nước thải, nơi nó được lọc chất bẩn và khử trùng, tẩy trắng rồi sấy khô để tái sử dụng. Với nhựa đường, bất kỳ mầm bệnh nào sót lại trong giấy cũng không thể tồn tại ở nhiệt độ cực cao trong quá trình trộn nhựa.

Nhựa đường từ giấy vệ sinh đã xuất hiện khoảng một năm nay tại Friesland. Nó đang hoạt động tốt và khó có thể phân biệt với các loại đường thông thường.

Giấy vệ sinh được làm từ cây, vì thế chúng ta cần tránh lãng phí nó. Với công nghệ này, cellulose từ giấy vệ sinh chỉ chiếm khoảng 5% trong hỗn hợp mặt đường, tuy nhiên, đây vẫn là một cách hiệu quả để tiết kiệm nguồn tài nguyên.

Theo Mentalfloss,
Phan Anh