Những ngày cận tết âm lịch, nhu cầu giao thông tăng đột biến khiến đường phố thủ đô Hà Nội liên tục chịu áp lực lớn và không khí ô nhiễm nặng nề.

không khí Hà Nội ô nhiễm nặng PM2.5
Giao thông Hà Nội vốn đã rất đông đúc (ảnh: Shutterstock)

Chỉ còn chưa đến 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, người dân tại Hà Nội hầu như ai cũng tranh thủ ra đường để hoàn thành các công việc còn dở dang để có thể đón một cái tết âm lịch trọn vẹn. Điều này khiến cho lưu lượng giao thông của hầu hết các tuyến phố của Hà Nội đều tăng đột biến.

Ô nhiễm không khí ở mức cao nhất tại các cửa ngõ thủ đô

Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội, những ngày cuối tuần giáp tết, tại những cửa ngõ của thủ đô hoặc tại những khu vực có các bến xe đầu mối của thành phố, lưu lượng giao thông ở mức cực cao diễn ra cả ngày khiến cho chỉ số ô nhiễm bụi mịn PM2.5 của không khí luôn ở mức “nguy hại”, mức thang đo cao nhất về tác động đối với sức khỏe con người.

Điển hình, tại khu vực đường Phạm Văn Đồng, một trong những con đường cửa ngõ thủ đô để đi lên phía Bắc, mức chỉ số chất lượng không khí AQI (Air Quality Index) do bụi mịn PM2.5 trung bình cả ngày thứ Sáu 25/1/2019 là 401, mức cao nhất trong thang đo chất lượng không khí.

không khí Hà Nội ô nhiễm nặng PM2.5
Chỉ số chất lượng không khí đo được ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, ngày 25/1/2019 lên đến 401 (ảnh: moitruongthudo.vn)

Bảng quy đổi chất lượng không khí ra AQI như sau:

không khí Hà Nội ô nhiễm nặng PM2.5
Mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 qua chỉ số AQI (ảnh: moitruongthudo.vn)

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT) ban hành bởi Bộ tài nguyên và môi trường, giá trị giới hạn bụi mịn PM2.5 trung bình mỗi ngày là 50 μg/m3.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Cổng thông quan trắc môi trường Hà Nội cũng cho thấy chất giá trị bụi mịn trung bình theo ngày tại khu vực Phạm Văn Đồng luôn ở trên 100μg/m3, có những lúc cao điểm lên 201 μg/m3, cao hơn 4 lần mức trung bình cho phép theo quy chuẩn quốc gia.

không khí Hà Nội ô nhiễm nặng PM2.5
Nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình ngày 25/1/2019 tại đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội là 201,1, cao gấp 4 lần mức độ cho phép (ảnh: moitruongthudo.vn)
ha noi o nhiem pm2.5 4
Giá trị PM2.5 trung bình giới hạn theo QCVN 05:2013/BTNMT (ảnh: moitruongthudo.vn)

Tương tự, tại khu vực Mỹ Đình, nơi có bến xe đi các tỉnh phía Bắc và Trung du Bắc bộ, chỉ số AQI cũng là mức 325, mức nguy hiểm. Mức bụi mịn PM2.5 trung bình ở đây cũng luôn ở mức trên 100 μg/m3 trong 24h và có những lúc lên đến trên 172 μg/m3, gấp hơn 3 lần quy định.

ha noi o nhiem pm2.5 5
Chỉ số chất lượng không khí đo được ở khu vực Mỹ Đình, Hà Nội, ngày 25/1/2019 lên đến 325 (ảnh: moitruongthudo.vn)

Ô nhiễm bụi mịn cao không chỉ trong dịp tết

Tháng 12/2018 vừa qua, một số nhà khoa học tại Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã có báo cáo nghiên cứu đăng trên Tạp chí môi trường Chuyên đề IV, phân tích tích dữ liệu bụi mịn PM10 và PM2.5 tại tại 06 trạm quan trắc không khí tự động đặt tại các thành phố Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Việt Trì (Phú Thọ), Huế (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hoà).

Kết quả phân tích dữ liệu bụi (PM10, PM2.5) cho thấy có sự khác biệt khá lớn giữa các đô thị miền Bắc và duyên hải nam Trung bộ. Tại các trạm quan trắc ở các đô thị lớn miền Bắc nồng độ bụi thường vượt quá giới hạn của QCVN. Tại các trạm quan trắc ở các đô thị miền Trung và nam Trung bộ, nồng độ bụi thấp hơn và xấp xỉ QCVN.

ha noi o nhiem pm2.5 7
Giá trị trung bình năm của PM10 của các trạm Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ (ảnh: cem.gov.vn)
ha noi o nhiem pm2.5 7
Giá trị trung bình năm của PM2.5 của các trạm Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ (ảnh: cem.gov.vn)

Biến động nồng độ bụi theo mùa tại miền Bắc rất rõ (từ tháng 10 đến 4 nồng độ bụi cao hơn so với từ tháng 5 đến tháng 9), còn tại miền Trung và nam Trung bộ sự khác biệt giữa các tháng là không rõ rệt. Các trạm quan trắc đều đặt tại khu vực giao thông do đó nồng độ bụi tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm buổi sáng (từ 7-8 giờ) và chiều (18-19 giờ), giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa (13-14 giờ) và ban đêm (23-01giờ).

Báo cáo cũng cho biết, trong giai đoạn từ 2010 đến 2019, tỉ lệ vượt quá giới hạn của bụi mịn PM2.5 trong năm 2013-20198 luôn ở mức cao, từ 20% đến 63%.

>> Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Bạn có thể làm gì?

Ô nhiễm phân tử hay còn được gọi là ô nhiễm dạng hạt (Particle Pollution) gây ra bởi các hạt bụi nhỏ li ti có kích thước micromet trôi nổi trong không khí.

Các hạt bụi thô PM10 có đường kính từ 2,5-10 micromet, thường được tạo ra bởi các máy nghiền, máy xay hoặc là các đám bụi bốc lên bởi các phương tiện giao thông trên đường. Các hạt bụi mịn PM2.5 là các hạt bụi có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, chỉ có thể được nhìn thấy bằng kính hiển vi điện tử.

Các bụi mịn được tạo ra bởi sự cháy như động cơ cơ giới, nhà máy điện, đốt gỗ dân dụng, cháy rừng, đốt ruộng nương trong nông nghiệp và một số quy trình công nghiệp. 1 micromét bằng 1/1000 mm, vậy một hạt bụi PM2.5 sẽ có kích thước nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những hạt bụi có đường kính bé hơn 10 micromet là những hạt có thể bị con người hít vào khi thở, chúng sẽ tích tụ trong phổi, gây nguy hại cho sức khỏe con người. Những hạt có đường kính bé hơn 2,5 micromet là đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng có thể đi sâu vào đường hô hấp và tới phổi.

Theo moitruongthudo.vn, cem.gov.vn, hanoi.gov.vn
Thiện Tâm (tổng hợp)