Sừng sững trên cao nguyên Giza, 3 Đại kim tự tháp đã đứng ở đó từ bao giờ? Không ai có thể khẳng định chắc chắn, nhưng nếu người xưa đủ giỏi để xây lên một công trình mà ngày nay chúng ta còn phải vò đầu bứt tóc để tìm lời giải, thì hẳn nó phải phục vụ một mục đích to lớn và quan trọng. Thông điệp của kim tự tháp được hé lộ chỉ khi chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi và suy nghĩ một cách hợp lý đúng đắn…

1. Câu hỏi của kỳ quan thế giới cổ đại duy nhất còn sót lại

Đối với những ai đến tận mắt đến chiêm ngưỡng Đại kim tự tháp Ai Cập trên cao nguyên Giza, họ hẳn sẽ cảm thấy choáng ngợp và ấn tượng trước sự hùng vĩ và sự bí ẩn của nó.

thông điệp thiên văn học ẩn trong kiến trúc Đại kim tự tháp
(ảnh: Shutterstock)

Nhưng nếu bạn sống xung quanh khu vực đó lâu hơn, vài tháng hay vài năm, nhìn ngắm kim tự tháp mỗi buổi sáng, trưa, chiều… dần dần một loại cảm xúc khác sẽ xuất hiện: Bạn cảm thấy nó không nên ở đó. Nó quá lớn! Nó quá sáng chói, quá hoàn hảo! Nó cũng quá khiêu khích. Nó là một câu hỏi lớn cứ lơ lửng trên đầu, ngay trước mặt bạn. Những câu hỏi như: ai đặt nó ở đó? Khi nào và tại sao? Tại sao lại xây cái công trình này?

Vậy mà, đáng ngạc nhiên thay, những câu hỏi cơ bản về một tượng đài với kích cỡ khổng lồ như vậy lại không được đặt ra đúng mức. Người ta chỉ hài lòng với sự đồng thuận chung rằng, những pha-ra-ông đầy quyền lực nào đó thời cổ đại, muốn gây ấn tượng với người dân, với thế giới. Họ đã huy động cả quốc gia trong hàng chục năm và xây lên lăng mộ này. Các nhà Ai Cập học hay phần lớn các nhà khảo cổ đều cho rằng như vậy.

Có hàng nghìn du khách ghé qua điểm du lịch nổi tiếng này ở Ai Cập mỗi ngày. Nhưng trớ trêu thay, đối với người dân sống xung quanh Đại kim tự tháp, họ dừng không nhìn ngắm nó nữa, bởi nó quá khiêu khích. Bởi câu trả lời không xuất hiện và rốt cuộc người ta đành lơ nó đi.

thông điệp thiên văn học ẩn trong kiến trúc Đại kim tự tháp
Quang cảnh các đại kim tự tháp ở Giza, Ai Cập nhìn từ trên không (ảnh: Wikipedia)

Vấn đề là, nó quá to và quá… đáng, ở nhiều khía cạnh:

Mỗi mặt của Đại kim tự tháp Khufu dài 230m, bốn mặt có độ dài chính xác tới từng inch. Nhiều viên đá được cắt góc vuông 90 độ cực kỳ chính xác.

  • Chiều cao là 146m. Diện tích mỗi mặt là 8,9 ha. Thời xưa từng được bao phủ bởi một lớp phủ bằng đá vôi đánh bóng, được xếp đặt với nhau chính xác tới nỗi các viền mép gần như vô hình khi nhìn bằng mắt thường.
  • Thể tích của nó là hơn 2,5 triệu mét khối, đủ lớn để chứa nhà thờ lớn Westminster Abbey và St Paul của Anh, cũng như các nhà thờ của Rome. Người cổ đại đã dùng nhiều đá hơn tất cả các nhà thờ, nhà nguyện được xây ở Anh từ thời chúa Giê-su.
  • Tổng trọng lượng là 6 triệu tấn đá. Người ta tính toán rằng, nếu chia nhỏ Đại kim tự tháp Khufu ra thành các khối đá lập phương có độ dài 1 bộ (~30cm), nó sẽ kéo dài 2/3 đường xích đạo.

Nhưng không chỉ ở kích thước, sự chính xác trong thi công mới thực sự là đáng sợ.

Năm 1940, một phi công của Anh đã chụp hình được một trong những đặc điểm độc đáo nhất của Đại Kim tự tháp Giza ở Ai Cập. Bức ảnh cho thấy kim tự tháp thực sự có tám mặt chứ không phải bốn.

thông điệp thiên văn học ẩn trong kiến trúc Đại kim tự tháp
(ảnh chụp/Youtube)

Hiện tượng này chỉ có thể phát hiện vào lúc bình minh hay hoàng hôn tại, thời điểm xuân phân hay thu phân, khi mặt trời ngả bóng trên Kim tự tháp làm lộ rõ tám mặt, do cấu trúc bề mặt hơi lõm xuống, và hiện tượng này chỉ có thể được phát hiện từ trên không: bạn sẽ không thể nhận ra tính chất này của Đại kim tự tháp Giza từ dưới mặt đất. Điều thú vị ở đây là người kiến tạo ra các đặc điểm này phải có kiến thức hoàn hảo về chu kỳ mặt trời, vốn là một kiến thức cao cấp trong toán học.

>> Kim tự tháp Giza từng tỏa sáng như một ngôi sao hàng nghìn năm trước

Cạnh của kim tự tháp này được canh hướng chính Bắc với độ chính xác cao hơn bất kì tượng đài nào trên Trái Đất, mức sai lệch chỉ là 3/60 của một độ.

Việc xây một kim tự tháp khổng lồ đã là một vấn đề lớn. Xây một kim tự tháp công-nghệ-cao tăng độ khó lên gấp hàng trăm lần.

Vậy mà các nhà khảo cổ đang cho rằng người Ai Cập cổ đại xây nên công trình này chỉ dùng sức người, gậy gộc và thậm chí còn chưa có bánh xe, cũng không có xe đẩy hay công cụ kim loại. Có nửa triệu khối đá trong công trình đồ sộ này, mỗi khối trung bình nặng 2 tấn. Chưa kể tới đá trong Phòng của Vua có khối lượng 60-70 tấn/khối, đưa đến từ vùng Aswan cách đó hơn 800km và đưa lên độ cao 50m để xếp đặt chính xác trong kim tự tháp. Điều này quá khó tin. Các nhà Ai Cập học vẫn đang tranh luận. Các kỹ sư, kiến trúc sư vẫn không hiểu làm sao người cổ đại có thể thực hiện điều đó.

Nói xa hơn một chút, các ngôi đền trong thung lũng Đền (Temple Valley) có các khối đá từ 50-200 tấn. Ngay cả đối với công nghệ ngày nay, di chuyển các khối đá 200 tấn là một vấn đề rất khó khăn. Vả lại, bạn không nhất thiết phải dùng tới khối đá 200 tấn để xây đền. Bạn hoàn toàn có thể dùng các viên gạch nhỏ như chúng ta vẫn xây nhà thông thường. Vậy vì sao người Ai Cập cổ lại dùng các khối đá lớn? Họ không nhất thiết phải làm vậy. Lại một câu hỏi đầy khiêu khích. Sự thái quá này cũng tương tự như khi trời mưa, chúng ta mang dù ra che. Nhưng thay vì dùng dù, bạn lại mang cả tủ quần áo ra. Điều này có nghĩa gì không? Đó là những câu hỏi rất rõ ràng, và rất khiêu khích. Chúng đòi hỏi câu trả lời.

2. Đi tìm câu trả lời

Trước hết chúng ta hãy nhìn vào cấu trúc bên trong của kim tự tháp như sơ đồ dưới đây.

thông điệp thiên văn học ẩn trong kiến trúc Đại kim tự tháp
(ảnh qua Pinterest)

Cần lưu ý rằng, các nhà Ai Cập học gọi các căn phòng là “phòng của Vua” (King’s chamber) hay “phòng của Hoàng Hậu” (Queen’s chamber) bởi họ cho rằng các kim tự tháp chỉ phục vụ dùng làm lăng mộ mà thôi, nhưng trong 3 Đại kim tự tháp thì chưa từng có xác ướp nào được tìm thấy. Người ta không thực sự chắc chắn chúng dùng để làm gì. Sau này mọi người cũng gọi theo như vậy mà không nghĩ gì thêm.

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng các đường hầm “thông gió” trong kim tự tháp, thực chất là nhắm tới các vì sao. Chúng thẳng hàng với một số tinh tú trên bầu trời. Điều này được khám phá vào năm 1964 bởi nhà thiên văn học nổi tiếng Virginia Trimble.

Khi ghé thăm Ai Cập, với chuyên môn về thiên văn của mình, bà đã nghi ngờ rằng liệu các đường hầm của kim tự tháp có hướng đến cái gì đó hay không. Cũng dễ hiểu, bởi bản thân kim tự tháp đã nằm thẳng trục Đông Tây, Nam Bắc; vậy nên hiện nay đường hầm phía Bắc sẽ chỉ thẳng tới sao Bắc Cực (Polaris). Nhưng không phải luôn như vậy, do tuế sai (sinh ra bởi trục của Trái Đất hơi lắc lư theo chu kỳ 26.000 năm) cực Bắc Trái Đất cũng lắc lư theo, làm cho ngôi sao ở Cực Bắc có thể thay đổi.

thông điệp thiên văn học ẩn trong kiến trúc Đại kim tự tháp

Dưới đây là hình minh họa các ngôi sao Cực Bắc thay đổi như thế nào. Chúng ta hiện đang ở khu vực năm +2000.

tue sai precession image
(ảnh: Wiki)

Tuế sai là một kiến thức quan trọng mà chúng ta sẽ dùng để giải mã thêm các bí ẩn của kim tự tháp sau này.

Virginia Trimble cũng tính toán ra rằng, đường hầm phía Nam ở Phòng của Vua là nhắm thẳng tới đai lưng của Orion (Orion’s belt). Vào thời đó khi phát hiện này được công bố, các nhà Ai Cập học cũng ít nhiều chấp nhận nó, nhưng vì một lý do nào đó, người ta lại không kiểm tra nốt xem đường hầm phía Nam Phòng của Hoàng Hậu chỉ tới đâu. Họ cho rằng căn phòng đó không dùng tới, không quan trọng.

Mãi tới thập niên 80, người ta mới xác nhận rằng đường hầm này chỉ tới sao Sirius.

thông điệp thiên văn học ẩn trong kiến trúc Đại kim tự tháp

Đai lưng Orion và Sirius là những vì tinh tú rất quan trọng trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại

Theo thần thoại Ai Cập, các vị thần đã giáng trần từ đai lưng của Orion và Sirius – ngôi sao sáng nhất trên bầu trời.

Nền văn minh Ai Cập cổ đại tin chắc rằng, các sinh mệnh từ Sirius và Orion đã đến Trái Đất trong hình dạng con người. Osiris, Isis và những sinh mệnh này là bộ phận khai sáng loài người.

osiris isis image
(ảnh: Internet)

Người Ai Cập cổ đại khẳng định Orion có liên quan đến sự khai sinh của Thế Giới, điều này được thể hiện trong các tác phẩm và văn tự được lưu lại. Vào thời Ai Cập cổ đại, đai lưng Orion và thần Osiris được sử dụng thay thế lẫn nhau, còn ngôi sao Sirius là đại diện của thần Isis. Người Ai Cập cho rằng một ngày nào đó, thần Osiris sẽ từ Orion quay trở lại.

Khi quan sát các quan tài hay trần nhà bên trong các lăng mộ hoàng gia, người ta luôn tìm thấy các biểu tượng của Orion và Sirius tại đó.

thông điệp thiên văn học ẩn trong kiến trúc Đại kim tự tháp
Các văn tự trong lăng mộ Senmut. 3 ngôi sao trong Đai lưng Orion được vẽ khá nổi bật. (ảnh: Internet)

Các vị vua Pharaoh nhất mực tin rằng họ đều là tái sinh của Horus – vị thần là con của Osiris và Isis. Suốt 400 thế hệ Pharaoh đều tín ngưỡng như vậy. Tuy chúng ta có một danh sách nhiều thế hệ vua tới vậy, nhưng giới khảo cổ mới chỉ tìm thấy lăng mộ của một vài vị trong số đó, ví dụ như Tutankhamun. Vậy số còn lại đang nằm ở đâu? Không ai biết.

Ngoài ra, một thông tin ít người biết là 3 Đại kim tự tháp trên cao nguyên Giza hoàn toàn không có chữ viết nào, cả bên trong và bên ngoài. Nói đúng ra thì trong trong kim tự tháp Khufu, ở căn phòng đệm phía trên Phòng của Vua có 1 vài chữ tượng hình nguệch ngoạc ghi “Khnum Khufu” – tên vị Pharaoh của Vương triều thứ 4, hay còn gọi là Cheops. Chính từ chữ viết đó mà các nhà khảo cổ cho rằng tác giả của công trình vĩ đại này chính là Pharaoh Khufu, và cũng là lý do công trình này được gọi là kim tự tháp Khufu hay Cheops.

khufu chu viet ban image
Hình vẽ này là nguyên nhân kim tự tháp lớn nhất Giza có tên “Khufu” (ảnh: Internet)

Điều này có thể xảy ra, nhưng không chắc chắn. Lấy ví dụ, nếu bạn leo lên đỉnh tòa nhà nổi tiếng Empire State Building ở Mỹ, hoặc các công trình nổi tiếng, hẳn bạn sẽ thấy những dòng chữ kiểu như “Peter đã ở đây”… Vậy có thể nào cho rằng Peter đã xây công trình đó? Logic tương tự. Dựa vào một chữ viết mờ để cho rằng ai đó đã xây cả công trình to lớn, điều này có thể tạo ra sự lệch lạc cho cả một thời đại.

Ba kim tự tháp Giza, theo các nhà Ai Cập học, được xây vào Vương triều thứ 4, bởi 3 vị vua: Cheops, Khafre và Menkaure. Tuy nhiên, tới Vương triều thứ 5 thì các vị vua lại chỉ xây những kim tự tháp nhỏ hơn rất nhiều, khoảng 10 km phía Nam của Đại kim tự tháp. Trái với các bậc tiền bối “vô văn tự”, những kim tự tháp nhỏ này chứa đầy văn tự. Có 5 kim tự tháp như vậy, và chúng tạo thành kho tàng Văn tự Kim tự tháp quý giá. Chúng thực sự là một trong những văn tự cổ nhất mà con người từng tìm thấy.

unas image
Các bức tường đầy văn tự trong kim tự tháp Unas (ảnh: Internet)

Khi giải mã các văn tự được chạm khắc cực kỳ tinh tế và tỉ mỉ này, các nhà nghiên cứu đều tìm thấy cùng một loại thông tin: chúng nói về vùng trời phía Nam với chòm sao Orion, và mong muốn là vị vua sau khi qua đời sẽ trở thành vì tinh tú trên bầu trời, ông sẽ quay về với Orion (tức thần Osiris) cùng Ngài cai quản thế giới vĩnh hằng.

Tất cả những thông tin nói trên đều chỉ tới một điều: kim tự tháp và các vì sao là có mối liên hệ.

Tuy các Đại kim tự tháp không chứa văn tự, chúng vẫn có thể tiết lộ cho chúng ta nhiều điều, không phải qua ngôn ngữ viết hay nói, mà chính là ngôn ngữ của thiên văn – hay nói đúng hơn là vật lý học thiên thể.

Có thể xem đó là một câu đố, mà chúng ta có thể dùng kiến thức thiên văn để giải ra.

(xem tiếp Phần 2)

Sơn Vũ tổng hợp