Người dân Trung Quốc không chỉ bị kiểm duyệt trên internet, mà ngay cả khi đi trên đường họ cũng sẽ bị theo dõi.

nhan dien khuon mat trung quoc 1
(qua đường ở Trung Quốc, ảnh minh họa)

Từ tháng 4, tại Thẩm Quyến, Quảng Đông, chính quyền đã phát triển hệ thống các thiết bị nhận diện khuôn mặt trên khắp thành phố để răn đe những người đi bộ sai quy định. Ai đi bộ vượt đèn đỏ thì tên, mặt và một phần số chứng minh nhân dân sẽ hiện lên trên màn hình LED phía trên ngã tư.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo trang motherboard, một công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc đang kết hợp với các mạng di động để gửi tin nhắn tiền phạt tới người vi phạm ngay sau khi họ bị phát hiện.

nhan dien khuon mat trung quoc
Ảnh người vi phạm sẽ xuất hiện trên màn hình tại ngã tư (ảnh: Weibo)

Đây chỉ là một trong nhiều dự án áp dụng công nghệ nhận dạng vào lĩnh vực an ninh quốc gia của Trung Quốc. Tháng 2 vừa qua, cảnh sát ở thành phố Trịnh Châu đã được trang bị loại kính râm có máy nhận diện khuôn mặt, kết nối với một cơ sở dữ liệu gồm khuôn mặt của 10.000 kẻ bị tình nghi. Hệ thống này đã hoạt động khá tốt, giúp cảnh sát phát hiện được 7 người liên quan đến các vụ án quan trọng và 25 người sử dụng chứng minh nhân dân của người khác.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đang phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo để dự đoán ai có thể sẽ phạm tội, dựa trên các hành vi biểu hiện của người đó.

Tất cả các thông tin về địa điểm hay hoạt động của các công dân sẽ được đưa vào hệ thống điểm tín nhiệm xã hội quốc gia.

Hệ thống uy tín xã hội quốc gia sẽ được triển khai vào năm 2020, đánh giá các các nhân theo hệ thống chấm điểm quốc gia, từ đó cho điểm xem cá nhân có đáng tin không. Người không đáng tin có thể bị từ chối nhận vào một số ngành nghề, phải trả nhiều tiền hơn trong một số dịch vụ, và thậm chí theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, họ có thể bị cấm đi xa.

>> Điểm số tín nhiệm xã hội: Trung Quốc sẽ xếp hạng công dân để hướng tới ‘xã hội thành thật’

Cụ thể, họ có thể bị cấm đi tàu và máy bay trong một năm. Theo Reuter, những vi phạm có thể dẫn đến hình phạt này là hút thuốc trên tàu, dùng vé đã hết hạn, lan truyền thông tin giả về khủng bố, hay thậm chí là kết bạn trên mạng xã hội với người bị xem là “kẻ có điểm tín nhiệm thấp.”

Vấn đề quyền riêng tư

Mặc dù các công nghệ mới này có tác dụng giữ trật tự công cộng nhưng người ta cũng đặt ra lo ngại vấn đề quyền riêng tư, nhân quyền, quyền tự do ngôn luận.

Khi CEO của Baidu nói: “Nếu người Trung Quốc có thể đổi quyền riêng tư lấy an toàn, đổi sự tiện lợi lấy hiệu quả, thì họ sẽ tự nguyện làm như vậy trong nhiều trường hợp, khi đó chúng ta có thể tận dụng dữ liệu đó tốt hơn nữa,” thì một làn sóng phản đối trên mạng đã nổi lên dữ dội.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát biểu: “Tương lai gần cho nhân quyền dường như sẽ rất ảm đạm” ở Trung Quốc, vì đất nước này đã có lịch sử ngăn chặn tự do ngôn luận và áp chế những ai có phát ngôn đi ngược lại với chính quyền. Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội nêu trên có thể sẽ làm cho những tiền lệ như vậy trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Tóm lại, hệ thống công nghệ này có thể hữu ích trong việc đảm bảo an ninh, nhưng lại xâm phạm quyền riêng tư của công dân một cách rất mạnh mẽ. Với lịch sử quyền lực của chính quyền Trung Quốc, người ta không khỏi lo ngại việc công nghệ này sẽ bị lạm dụng.

Nguyên Khánh tổng hợp