Cựu chủ tịch Facebook Sean Parker, người đã trở thành tỷ phú nhờ việc đầu tư trong những tháng đầu tiên mạng xã hội này ra đời, vào năm 2017 đã thừa nhận ông đã giúp tạo ra một con quỷ, và nói rằng: “Chỉ có Chúa mới biết nó đang làm gì với trí óc con trẻ.”

sean parker
Sean Parker (Ảnh: Flickr)

Một trong những tên tuổi lớn nhất tại thung lũng Silicon đã lên tiếng chỉ trích mạng xã hội lớn nhất thế giới tại sự kiện của Axios được tổ chức tại Philadelphia vào đầu tháng 11 vừa qua. Sean Parker, trong vai trò mới là người sáng lập và chủ tịch của Viện Ung thư miễn dịch Parker đã dành thời gian bày tỏ một số suy nghĩ về cách Facebook ảnh hưởng tới trí não con người.

Ông nói rằng Facebook được thiết kế để khai thác những điểm yếu trong tâm lý người dùng bằng cách khiến mọi người liên tục đăng bài để có thể nhận được nhiều lượt “Thích” và “Nhận xét” từ người khác, từ đó tạo ra cảm giác họ được quan tâm và có tiếng nói. Ông cũng so sánh việc sử dụng Facebook giống như đồ ăn vặt: cả hai đều mang lại cảm giác thoả mãn nhanh chóng nhưng lại có rất ít chất.

Sean Parker thẳng thắn cho biết là ông và những người sáng lập Facebook biết rõ họ muốn tạo ra thứ gì. Đó là cách khiến người dùng “tiêu tốn càng nhiều thời gian và sự tập trung của họ càng tốt.” Chính vì suy nghĩ đó, họ đã tạo ra nhiều tính năng, trong đó có nút “Thích” được mô tả như một “liều thuốc kích thích nho nhỏ” để khuyến khích người dùng đăng thêm nhiều nội dung.

>> Nghiên cứu: Điều gì làm người ta nhấn ‘like’ các trang Facebook?

“Đó thực sự là một con quái vật và tôi đã giúp tạo ra nó. Facebook làm thay đổi mối quan hệ giữa con người với xã hội và với những người khác. Nó can thiệp vào năng suất làm việc theo những cách khác lạ. Chỉ có Chúa mới biết nó đang làm gì với trí óc con trẻ chúng ta.”

“Tất cả chúng ta đều bị cuốn vào hệ thống này. Tất cả suy nghĩ của chúng ta đều có thể bị xâm nhập. Sự lựa chọn của chúng ta không hoàn toàn là do chính ta lựa chọn như ta vẫn thường nghĩ.”

Parker cũng bày tỏ sự hối hận trong việc đã tham dự vào Facebook. Tuy nhiên, ban đầu ông đã rất thích thú với ý tưởng này và nhận thấy tiềm năng của nó, nên đã đầu tư một khoản lớn khi mạng xã hội này mới manh nha hình thành trong năm 2004, để rồi sau đó trở thành chủ tịch đầu tiên của Facebook.

Parker không phải là người duy nhất bày tỏ lo ngại về tính gây nghiện của Facebook. Trước đó, kỹ sư tạo ra nút “Thích” – Justin Rosenstein – cũng đã lên tiếng thừa nhận sai lầm khi tạo ra nút này.

Hiện mạng xã hội Facebook đã có hơn 2 tỷ người dùng với tầm ảnh hưởng cực lớn trên thế giới. Facebook đã bị nhiều chỉ trích trong việc gây ra những tác động tiêu cực đến người dùng như tiêu tốn nhiều thời gian, phá vỡ các mối quan hệ, kích động bạo lực, tiếp tay cho lừa đảo v.v. Ngoài ra, mạng xã hội này còn tạo ra những “hội chứng” đáng lo ngại như không vào Facebook thì bứt rứt không yên, không có việc gì làm cũng vào Facebook, không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn ảnh hưởng đến công việc, học tập.

Để “cai nghiện” Facebook, chúng ta hãy tự hạn chế việc sử dụng bằng cách đặt ra mức thời gian tối đa cho việc vào Facebook mỗi ngày, đồng thời giảm bớt việc tham gia vào các hội nhóm, giảm bớt nhấn “Thích” hay bình luận. Bạn hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, vui chơi với con trẻ, gặp gỡ bạn bè, tập trung vào những gì thực tại diễn ra xung quanh bạn hơn là đắm chìm trong thế giới ảo.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: