Người dân Việt Nam có lẽ không còn lạ gì với những lời kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã, động vật quý hiếm đang xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian trở lại đây. Nhưng những loài côn trùng tuy nhỏ bé mà lại vô cùng quan trọng cho hệ sinh thái, cũng đang chết dần chết mòn với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

bo suu tap con trung
(ảnh: Shutterstock)

Đó là ong, là chuồn chuồn, là bướm, là bọ cánh cứng… những loài côn trùng là nhánh động vật chiếm số lượng loài lớn nhất, tới 2/3 tổng số loài động vật trên hành tinh xanh.

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã đưa ra một nhận định đáng buồn.

Theo dõi 73 báo cáo về về sự suy giảm côn trùng trên quy mô thế giới, các nhà khoa học đã tính ra được tổng số lượng côn trùng trên hành tinh đang giảm đi với tỷ lệ 2,5% một năm.

Con số tưởng chừng như không nhiều, nhưng Francisco Sanchez-Bayo – đồng tác giả nghiên cứu đã nói “Trong 10 năm bạn sẽ mất đi 1/4, sau 50 năm còn lại một nửa và sau 100 năm chúng ta sẽ chẳng còn gì cả.” Thế có nghĩa là nếu xu hướng này không thể đảo ngược, Trái đất sẽ không còn con bọ nào trong năm 2119.

Điều này sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng với hệ sinh thái của Trái đất, vì côn trùng là một mắt xích vừa lớn vừa quan trọng. Chúng không những là nguồn thức ăn chính cho vô số chim chóc, cá và các loài động vật có vú, mà những loài có chức năng thụ phấn như ong và bướm cũng là sinh vật không thể thiếu trong nông nghiệp.

Tốc độ tuyệt chủng của côn trùng là cực nhanh

Nghiên cứu của Sanchez-Bayo cùng các cộng sự tập trung vào các loài côn trùng tại châu Âu và Bắc Mỹ. Theo ước tính của họ, 41% số loài côn trùng đang trên đà suy giảm số lượng, 31% số loài đang bị đe dọa (theo tiêu chuẩn của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên) và 10% đang bị tuyệt chủng cục bộ.

Lấy ví dụ, tại Anh, Đan Mạch và Bắc Mỹ, các loài ong chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng – các loài ong nghệ, ong mật và ong hoang dã đều đang bị suy giảm số lượng. Ở Mỹ, số lượng các đàn ong mật giảm từ 6 triệu (năm 1947) xuống còn 2,5 triệu trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Ngài và bướm cũng chịu chung số phận. Từ năm 2000 đến 2009, nước Anh mất đi 58% số các loài bướm thường xuất hiện trên đất canh tác nông nghiệp. Chuồn chuồn, các loài trong bộ phù du và bọ cánh cứng cũng đang chết dần chết mòn.

Tốc độ tuyệt chủng của côn trùng đang nhanh hơn tốc độ tương ứng của động vật có vú, chim chóc và bò sát tới 8 lần.

>> 93% hạt giống hoa màu và trái cây đã tuyệt chủng trong 80 năm qua

Nhìn rộng ra tất cả các loài sinh vật trên toàn Trái đất, một nghiên cứu năm 2017 đã phân tích các số liệu và ước tính “50% số lượng cá thể sinh vật từng tồn tại với con người nay đã bị biến mất.” Và dường như Trái đất đang trải qua một giai đoạn “tiêu hủy sinh học.”

Sự biến mất trên diện rộng và với tốc độ nhanh chóng các loài sinh vật này được các nhà khoa học gọi là “lần tuyệt chủng thứ 6”, vì trước đây họ giả thuyết rằng đã có 5 lần tương tự như vậy xảy ra trong lịch sử Trái đất. 5 lần trước là do các nhân tố tự nhiên như băng giá hay thiên thạch. Còn lần thứ 6 này là do các hoạt động phá hoại tự nhiên của con người – như phá rừng, khai khoáng và khí thải cácbon khiến trái đất bị ấm lên.

Hậu quả thảm khốc cho nhân loại

co be va buom buom 2
(ảnh: Shutterstock)

Sự tồn tại của bất kỳ loài sinh vật nào trên Trái đất, dường như đều có liên hệ tới sự tồn tại của nhân loại. Côn trùng tuy nhỏ, nhưng tác động của chúng với con người thì không hề nhỏ bé chút nào.

“Nếu sự tuyệt chủng của côn trùng không thể ngừng lại, thì sẽ có những hậu quả thảm khốc cho cả hệ sinh thái của hành tinh lẫn sự tồn tại của con người,” Sanchez-Bayo cho biết.

Côn trùng chết đi có thể tác động đến nguồn thức ăn, nguồn gỗ và nguồn vải sợi, những thứ mà con người cần để duy trì sự sống. Giáo sư Timothy Schowalter thuộc khoa sâu bộ trường Đại học Công Louisiana cho biết:

“Sự suy giảm các loài thụ phấn tác động tới 35% nguồn cung thực phẩm của con người, đó là lý do tại sao các nước châu Âu đang đưa ra những quy định bắt buộc về bảo vệ và phục hồi môi trường sống cho các loài thụ phấn.”

Bên cạnh đó, côn trùng còn là nguồn thức ăn chính của chim, cá và các loài có xương sống khác. Nếu côn trùng chết đi, chúng cũng sẽ biến mất theo.

“Côn trùng thường bị coi thường, hoặc ít nhất thì những đóng góp quan trọng của chúng cho sự vận hành và các hoạt động của hệ sinh thái đang bị đánh giá thấp… Nói ngắn gọn, nếu côn trùng và các loài chân đốt suy giảm, sự tồn tại của nhân loại sẽ bị đe dọa,” Schowalter nhấn mạnh.

Điều gì là nguyên nhân chính cho cơ sự này?

Các hoạt động nông nghiệp của con người chính là nhân tố gây ra sự tuyệt diệt này. Trong nhiều thập kỷ qua, con người đã lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và canh tác quá độ. Các tác giả trong nghiên cứu đã viết:

“Về tổng thể, việc sử dụng một cách có hệ thống, đại trà và thừa thãi không cần thiết thuốc trừ sâu hại trong nông nghiệp và đất canh tác trong hơn 60 năm qua đã gây ra tác động tiêu cực tới hầu hết các sinh vật, từ côn trung tới chim và dơi… Kết luận đã rõ: trừ khi chúng ta thay đổi canh thức sản xuất lương thực, toàn bộ côn trùng sẽ đi trên con đường tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới.”

phun thuoc tru sau
Thuốc trừ sâu, nguyên nhân gây ra sự tuyệt diệt của côn trùng (ảnh: Shutterstock)

Đối với Sanchez-Bayo, ông cho rằng các loại thuốc diệt côn trùng như neonicotinoids và fipronil là đặc biệt nguy hại, vì chúng giết chết tất cả ấu trùng trong đất.

Sự biến đổi khí hậu cũng đóng một vai trò trong sự suy giảm côn trùng, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính và không thể so sánh với những tác động từ con người.

Schowalter nói: “Cho đến nay, sự suy giảm có liên hệ nhiều hơn tới những thay đổi trong cách sử dụng đất, đặc biệt là việc canh tác nông nghiệp quá độ, phá rừng và phát triển đô thị, hơn là những thay đổi về nhiệt độ (của Địa cầu).”

Để chống lại sự tuyệt chủng hàng loại này, Sanchez-Bayo và các cộng sự đã đề xuất những biện pháp giúp phục hồi lại môi trường sống của các loài côn trùng và giảm thiểu lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp. Các nhà khoa học cho biết:

“Điều quan trọng là việc sử dụng các thuốc diệt sâu hại hiện nay, chủ yếu là diệt côn trùng và diệt nấm, phải bị giảm xuống mức tối thiểu.”

Bàn về chủ đề này, có lẽ câu chuyện trồng táo không dùng thuốc của lão nông Nhật Bản Kimura sẽ để lại nhiều gợi mở cho chúng ta.

Theo Business Insider (Singapore)
Quốc Hùng tổng hợp.