Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình sẽ được nghe thấy tiếng nói của những người thân yêu đã ra đi? Thí nghiệm sau đây sẽ mang lại cho bạn hy vọng đó.

Chứng minh của khoa học về thế giới bên kia – Phần 1, Phần 2, Phần 3 

Năm 1959, Friedrich Jürgenson, họa sĩ, nhà sản xuất phim người Thụy Điển, thu tiếng chim hót cho bộ phim. Sau khi phát đoạn băng ghi âm, ông chợt nghe thấy giọng nói mà ông cho là của người cha đã mất của mình, sau đó là tiếng của người vợ quá cố gọi tên mình. Tiếp tục công việc thu âm tiếng chim hót, ông phát hiện trong một bản ghi âm có tin nhắn từ người mẹ quá cố của ông.

Gary Schwartz thực hiện thí nghiệm thu tiếng nói, âm thanh của linh hồn
Friedrich Jürgenson (Ảnh qua unexplainedpodcast.com)

Điều Friedrich gặp được gọi là hiện tượng tiếng nói điện tử – EVP (Electronic Voice Phenomenon) – tiếng nói được cho là của những người đã mất nhờ được ghi lại bởi thiết bị ghi âm bằng cách nào đó. Đến nay, trên thế giới có hàng ngàn các tổ chức cá nhân đã và đang cố gắng sử dụng EVP để ghi lại tiếng nói của những người đã mất.

Tuy vậy, EVP có một số đặc điểm: âm thanh thu được có chất lượng rất kém, thường bị nhiễu, ồn, khó nghe được rõ ràng; các đoạn âm thanh thu được thường rất ngắn, chỉ vài giây; đặc biệt là những người làm việc với EVP thường không sử dụng phương pháp khoa học để thực hiện các thí nghiệm của mình; bên cạnh đó họ cũng không sử dụng các thiết bị phù hợp nhất của khoa học cho lĩnh vực này.  Chính vì vậy, EVP vẫn thường bị cho là trò lừa đảo hoặc ngụy khoa học.

Giáo sư Gary E. Schwartz cho biết: các nghiên cứu với các nhà ngoại cảm có khả năng liên lạc với các linh hồn cũng như các cá nhân đã từng trải nghiệm việc liên lạc với người đã chết, cho thấy trong một số thí nghiệm cụ thể, những âm thanh phát ra từ người đã chết được phát hiện thấy bởi các thiết bị thí nghiệm, ngoài ra những âm thanh đó còn có tính định hướng.

Ông đã nhiều lần báo cáo tại các hội thảo như:

  • “Sau Cái chết và Sự tồn tại của Linh hồn” tổ chức tại Scottsdale, Arizona, Hoa Kỳ vào ngày 2/12/2016
  • “Phát hiện các phát âm dưới ngưỡng nghe thấy từ các đối tượng được giả thiết là linh hồn: ba thí nghiệm chứng minh khái niệm (Detecting Subaudible Vocalizations from Hypothesized collaborating discarnates: three Proof-of-concept Experiments)”, được trình bày tại Hội thảo khám phá khoa học lần thứ 36, tổ chức tại Đại học Yale, Hoa Kỳ tháng 6/2017
  • Hội thảo Khoa học của tinh thần, tổ chức từ 2-7/4/2018 tại Đại học Arizona, Hoa Kỳ
Gary Schwartz thực hiện thí nghiệm thu tiếng nói, âm thanh của linh hồn
Gary E. Schwartz và cuốn sách “Những thí nghiệm sau sự sống” (nguồn: Internet)

Micro độ nhạy cao và phần mềm phân tích âm thanh chuyên biệt

Trong thí nghiệm này, ở một phòng kín được cách âm, một chiếc micro có độ nhạy âm rất cao được đặt tại tiêu điểm của một ăng-ten parabol bằng nhựa trong suốt, nhờ vậy mà khả năng thu âm của nó được tăng cường lên nhiều lần. Giáp với phòng kín cách âm là phòng điều khiển, ở đó có hệ thống thu âm và một màn hình máy tính được sử dụng để hiển thị 1 câu nói gồm 9 từ tiếng Anh: “we are here to help you heal the world – chúng tôi ở đây để giúp các bạn hàn gắn thế giới” theo một nhịp điệu cố định (máy tính không phát ra âm thanh). Người ngồi trước micro và ăng-ten trong phòng kín có thể nhìn màn hình máy tính của phòng bên cạnh qua một cửa sổ bằng kính.

Phần đầu thí nghiệm, bà Rhonda (một nhà ngoại cảm cũng là vợ của Giáo sư Gary E. Schwartz), được đưa vào phòng cách âm. Rhonda phát âm câu nói bên trên vào phía trước của micro, nói thầm ở mức dưới ngưỡng nghe thấy với hầu hết mọi người.

thi nghiem tieng noi dien tu Rhonda in Chamber
Bà Rhonda ngồi trong phòng cách âm, trước micro và ăng-ten trong suốt, có thể nhìn xuyên sang màn hình của phòng điều khiển (nguồn: Gary E. Schwartz)

Máy phân tích phổ thông thường cho thấy âm thanh thu được của bà Rhonda hầu như toàn là nhiễu. Tuy nhiên, tín hiệu sau đó được được số hóa bởi một máy hiện sóng tạp âm thấp độ nhạy cao và được xử lý bằng một phần mềm được thiết kế và lập trình bởi LabView có tên là REAPP (Real-Time Event Averaging Parallel Process – Xử lý song song trung bình sự kiện thời gian thực). Kết quả phân tích bằng phần mềm REAPP cho phép loại bỏ hoàn toàn nhiễu và hiển thị rõ ràng tín hiệu âm thanh 9 từ của câu nói trên miền thời gian.

REAPP
Giao diện phần mềm xử lý âm thanh REAPP (nguồn: Gary E. Schwartz)
REAPP effect
Tín hiệu trước khi được xử lý (trái) và sau khi được loại bỏ nhiễu bởi REAPP (phải)

Kết quả của phần mềm REAPP cho thấy các từ trong câu nói của bà Rhonda có nhịp điệu (nhắc bởi màn máy tính) cách nhau 0,7 giây mỗi từ, tương ứng với nhịp điệu 1,4Hz mỗi từ.

Cau 9 tu
Phân tích phổ bằng phần mềm REAPP cho thấy nhịp điệu mỗi từ trong câu nói 9 từ trung bình là 1,4Hz (hai từ cách nhau 0,7 giây) (nguồn: Gary E. Schwartz)

 

Gary Schwartz thực hiện thí nghiệm thu tiếng nói, âm thanh của linh hồn
Trái: âm thanh 1 từ trong 9 từ Rhonda đọc thầm vào micro được phân tích phổ bằng phần mềm REAPP cho thấy đỉnh phổ của từ (mũi tên vàng) và nhịp điệu mỗi từ là 1,4Hz (hai từ cách nhau 0,7 giây); phải: khi không có người nói, sẽ không xuất hiện phổ tín hiệu (nguồn: Gary E. Schwartz)

Âm thanh phát ra bởi linh hồn Peter được phát hiện và có nhịp điệu

Sau đó, linh hồn của một người đã mất có tên Peter được đề nghị vào phòng cách âm, đứng trước micro, vừa đọc 9 từ theo nhịp điệu hướng dẫn của màn hình máy tính phòng điều khiển, vừa vỗ tay theo nhịp điệu của các từ.

Âm thanh của Peter thu được từ micro qua phân tích bằng phần mềm REAPP, cho thấy thực sự xuất hiện một chuỗi âm thanh gồm 9 nhóm với tần số nhịp điệu là 1,4Hz, giống như kết quả phân tích từ âm thanh của Rhonda. Điều này cho thấy linh hồn thực sự tồn tại và có thể phát ra âm thanh dưới ngưỡng nghe thấy của người bình thường, nhưng chỉ có thể phát hiện được bằng các cảm biến âm thanh có độ nhạy cao với một phương pháp thích hợp.

Peter speaking Exp I
Trái: âm thanh một từ trong câu chín từ kèm theo tiếng vỗ tay của linh hồn Peter trước micro được phát hiện và phân tích phổ bằng phần mềm REAPP cho thấy đỉnh phổ của từ (mũi tên vàng) và nhịp điệu của mỗi từ trong câu và tiếng vỗ tay là 1,4Hz (hai từ/tiếng vỗ tay cách nhau 0,7 giây); phải: phổ nền nhiễu khi linh hồn Peter không nói và không vỗ tay (nguồn: Gary E. Schwartz)

Phân tích biên độ tín hiệu cho thấy khi khi Peter nói và đồng thời vỗ tay thì biên độ của tín hiệu thu được cao hơn hẳn so với trường hợp không có ai nói vào micro hoặc khi Rhonda tưởng tượng rằng có ai đó đang nói vào micro (control trial).

Peter amplitude Exp I
Biên độ phổ cho thấy sự hiện diện rõ ràng của tiếng nói và tiếng vỗ tay của linh hồn Peter so với trường hợp không có ai nói hoặc khi Rhonda tưởng tượng có ai đó đang nói vào micro (nguồn: Gary E. Schwartz/video)

Linh hồn cũng có cảm xúc như con người?

Để đảm bảo thí nghiệm là chính xác, Gary đề nghị linh hồn Peter lặp lại thí nghiệm 200 lần. Tức là, Peter được yêu cầu phải nói và vỗ vay trước micro 200 lần. Rõ ràng, với một người bình thường, phải đọc lại 1 câu nói và vỗ tay theo nhịp điệu 200 lần liên tục quả là việc nhàm chán. Gary chia 200 lần lặp lại thí nghiệm của Peter thành 5 nhóm, mỗi nhóm gồm 50 thí nghiệm, sau đó phân tích biên độ phổ trung bình của mỗi nhóm thí nghiệm này.

Kết quả đúng như dự đoán, biên độ âm thanh thu được từ Peter qua 5 nhóm thí nghiệm giảm dần (theo sự hứng thú của linh hồn?), nhưng biên độ âm thanh nhóm cuối cùng vẫn cao hơn so với trường hợp Rhonda tưởng tượng có ai đó nói vào micro. Phát hiện thú vị này cho thấy linh hồn của Peter cũng có thể mang những cung bậc cảm xúc như con người bình thường.

Gary Schwartz thực hiện thí nghiệm thu tiếng nói, âm thanh của linh hồn
Biên độ âm thanh trung bình mỗi nhóm 40 thí nghiệm từ Peter giảm dần do hứng thú của linh hồn với thí nghiệm giảm dần so với biên độ tín hiệu khi Rhonda tưởng tưởng có ai đó đang nói vào micro (nguồn: Gary E. Schwartz)

Yếu tố chuyên môn trong việc giữ nhịp đọc

Để đánh giá khả năng giữ nhịp của câu nói, Gary đề nghị Peter thực hiện thí nghiệm 2, nói 100 lần 9 từ mà không cần vỗ tay trước micro. Rhonda cũng được yêu cầu thì thầm câu nói đó 100 lần trước micro. Sau đó Gary lấy trung bình đỉnh của tín hiệu của cả 9 từ để có được trung bình của cả câu nói và so sánh với nhịp điệu chuẩn mà máy tính đọc ra. Kết quả là, thời điểm phát âm trung bình các từ của Rhonda chậm hơn một chút so với máy tính, còn thời điểm phát âm của linh hồn Peter lại nhanh hơn so với máy tính.

Điều này được lý giải rằng Rhonda vốn là một người được đào tạo chuyên môn về nghệ thuật thị giác, không có chuyên môn về âm luật nên giọng thì thầm của Rhonda thường chạy theo nhịp điệu máy tính, còn linh hồn Peter, khi còn sống vốn là một nhạc sĩ, có chuyên môn về âm luật nên có thể dự đoán được tiết tấu và nhịp điệu của câu nói hoặc âm nhạc, vì vậy tiếng nói của linh hồn Peter thường đi trước một chút so với nhịp điệu của máy tính.

Đỉnh âm thanh của Peter nhanh hơn so với PC và Rhonda Exp II 2
Nhịp điệu đọc của Rhonda luôn chậm hơn so với máy tính, còn của linh hồn Peter thì luôn nhanh hơn máy tính do chuyên môn được đào tạo của mỗi người (nguồn: Gary E. Schwartz

Âm thanh phát ra từ linh hồn có tính định hướng

Trong thí nghiệm thứ 3 được lặp lại 80 lần, Giáo sư Gary đặt 2 micro A và B có đặc tính giống nhau ở trong phòng cách âm có cửa đóng chặt. Sau đó yêu cầu máy tính từ phòng điều khiển phát ra âm thanh của câu nói có 9 từ, tiếp theo yêu cầu bà Rhonda từ phòng điều khiển cũng đọc thầm câu nói đó, cuối cùng yêu cầu linh hồn Peter vào phòng cách âm và nói vào micro A.

Kết quả phân tích âm thanh bằng phần mềm REAPP cho thấy mặc dù tiếng thì thầm của Rhonda là rất nhỏ và nằm ngoài phòng cách âm, nhưng âm thanh đó vẫn được micro thu lại và được phát hiện bằng phần mềm. Do vị trí bố trí nên micro A có mức tín hiệu thu tốt hơn micro B. Cũng tương tự, âm thanh phát ra từ máy tính ở phòng điều khiển cũng được phát hiện, và micro A có mức tín hiệu tốt hơn so với micro B.

Tín hiệu thu được khi linh hồn Peter nói trong phòng cách âm cũng được phân tích, nó cho thấy micro A có mức tín hiệu tốt hơn so với micro B. Điều này thể hiện rằng âm thanh do linh hồn Peter phát ra có tính định hướng, nó gợi ý cho chúng ta một điều rằng nếu thiết lập cơ chế liên lạc giữa linh hồn và con người bằng âm thanh thì 2 chiếc micro A và B có thể trở thành một kênh truyền tin kiểu mã nhị phân, khi Peter nói vào micro A thì là tín hiệu thu được tương đương với mức 1, còn khi nói vào micro B thì tín hiệu thu được tương đương với mức 0.

MicA MicB Exp III
Mức tín hiệu âm thanh thu được đối với trường hợp các thực thể có phát âm hoặc im lặng (cột trái) và mức tín hiệu thu được ở micro A và micro B (cột phải) (nguồn: Gary E. Schwartz)

 

Localized Peter sound MicA MicB Exp III
Biên độ tín hiệu âm thanh thu được từ 2 micro đối với trường hợp Peter phát âm vào micro A và khi không có ai nói vào bất cứ micro nào (cột phải) (nguồn: Gary E. Schwartz)

Khi được hỏi rằng: “Ông đang cố chứng minh rằng linh hồn tồn tại và họ có thể học cách để sử dụng các thiết bị thí nghiệm phức tạp này?” Giáo sư Gary trả lời: “Tất nhiên là không. Điều tôi đang cố gắng làm là mang đến cho các linh hồn – nếu họ thực sự tồn tại, họ có thể học cách sử dụng các thiết bị – cơ hội để chứng minh về bản thân họ.” 

Rõ ràng, loạt thí nghiệm với các cảm biến âm thanh này đã mang đến cho giới khoa học những dẫn chứng khoa học mới về sự tồn tại của linh hồn.

Tuy những thí nghiệm này chưa giúp chúng ta có thể nghe được tiếng nói từ linh hồn của những người đã mất, nhưng từ việc có thể loại bỏ nhiễu và phân tích trực quan phổ tần số của tín hiệu âm thanh đến việc sử dụng những tần số đó để phát ra âm thanh mà tai người có thể nghe thấy sẽ không còn xa nữa. Nghĩa là, việc con người có thể nghe thấy âm thanh của những người đã mất một cách rõ ràng đã đến rất gần.

(còn tiếp)

Thiện Tâm

Tài liệu tham chiếu:

[1] Gary E. Schwartz: The Sacred Promise: How Science Is Discovering Spirit’s Collaboration with Us in Our Daily Lives Hardcover – January 2011

[2] Gary E. Schwartz: keynote address on “The Soul Phone Technology” – “After Death and the Survival of Consciousness”,  Scottsdale Arizona, on December 2, 2016