Nữ binh nhì Shamika Burrage may mắn sống sót sau một vu tai nạn xe môtô hai năm trước ở Texas, nhưng cô đã mất toàn bộ phần tai trái của mình. Giờ đây một phương pháp mới lạ và tiên tiến đã cho cô một cơ hội để phục hồi cái tai đã mất của mình.

cay ghep tai copy
Một nữ quân nhân bị mất tai trái trong một tai nạn đã có một cái tai mới như ý. (ảnh: quân đội Hoa Kỳ)

Các nhà phẫu thuật tạo hình cùng quân đội Hoa Kỳ đã phát triển thành công một phương pháp phục hồi và cấy ghép tai mới. Chiếc tai được tạo ra từ phần sụn khung xương sườn, sau đó được cấy vào dưới da cẳng tay phải của cô Burrage. Họ để nó phát triển ở đó vài tháng cho đến khi hoàn toàn sẵn sàng để ghép vào đầu cô ấy.

“Mục tiêu là sau khi cô ấy phẫu thuật xong, cái tai trông ổn, có cảm giác, và sau 5 năm nếu những ai chưa từng biết cô ấy thì họ sẽ không nhận ra sự khác biệt,” Trung tá Owen Johnson III, trưởng bộ phận phẫu thuật tạo hình và tái tạo tại Bệnh viên Quân y William Beaumont, nơi tiến hành ca ghép tai, cho biết. “Là một quân nhân chuyên nghiệp, họ xứng đáng nhận được những ca phẫu thuật tái tạo tốt nhất có thể.”

Một kỹ thuật không quá mới

Chất lượng vượt trội của toàn bộ quá trình thay tai cũng tương xứng với độ phức tạp của nó. Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ áp dụng thành công phương pháp tái tạo tai loại này. Mặc dù vậy, kỹ thuật trên thực ra đã được phát triển vào thời gian đầu của thập kỷ này bởi bác sĩ Patrick Byrne, giám đốc Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Tái tạo Mặt tại Trường Đại học Y Johns Hopkins. Ông cũng chính là thầy dạy của trung tá Johnson.

Bước đầu tiên của quá trình là tạo hình một cái tai mới từ sụn, điều này không có gì mới mẻ. Trên thực tế từ những năm 1920, các nhà phẫu thuật đã sử dụng kỹ thuật ghép mô sụn xương sườn để chữa chứng ‘microtia’ – một dạng khuyết tật bẩm sinh của tai ngoài khiến nó không thể phát triển hoàn chỉnh. Nhưng sự phát triển của các thủ thuật và dụng cụ phẫu thuật mới đã liên tục cải tiến vượt bậc kỹ thuật này.

>> Vatican bị chỉ trích dung túng cho nạn cấy ghép tạng trái phép tại Trung Quốc

“Bạn lấy sụn xương sườn, bạn cấy nó dưới phần da đằng sau tai, để nó phát triển ở đó, sau đó bạn nâng cái tai lên từng bước và dần dần để nó được che phủ toàn bộ bằng lớp da mới,” bác sĩ Lawrence Lustig, chủ tịch khoa tai họng tại Trung tâm Y học Đại học Columbia cho biết.

Tuy nhiên, sự khác biệt của ca phẫu thuật tái tạo tai này so với các công trình trước nằm ở kỹ thuật chuyển mô tự do vi mạch (microvascular free tissue transfer) bắt đầu phổ biến vào cuối những năm 90. Khi mô một bộ phận của cơ thể được sử dụng để thay thế cho một bộ phận khác, nó cần phải trải qua quá trình hình thành vi mạch. Vậy nên các bác sĩ sẽ khâu mô mới với các mạch máu để thiết lập một vòng tuần hoàn máu hoàn chỉnh.

“Nó giống như việc tự cấy ghép lên chính cơ thể của người đó vậy,” bác sĩ Byrne nói. “99% là bạn sẽ có một mô mới khoẻ mạnh với đầy đủ chức năng ở một khu vực mới.”

Nuôi tai ở cẳng tay?

Trong ca phẫu thuật của binh nhì Burrage, quá trình hình thành vi mạch được thực hiện ở cẳng tay. BS. Lustig cho biết các nhà phẫu thuật sẽ phải sử dụng một vùng cơ thể khác khi không thể tái tạo tai mới tại vị trí vốn có của nó.

Nhưng tại sao lại là cẳng tay? Quá trình hình thành vi mạch diễn ra không đơn giản chút nào – bạn sẽ cần một động mạch và một tĩnh mạch để nuôi dưỡng cái tai mới và giúp nó phát triển. Bạn cũng sẽ muốn đặt cái tai mới ở vị trí an toàn dễ bảo vệ. Vậy nên cẳng tay là nơi thích hợp nhất.

Nên nhớ rằng việc tái tạo tai cần phải đáp ứng được hai mục đích: phục hồi hình dạng thẩm mỹ của tai, và phục hồi được chức năng nghe. Hai điều này không mâu thuẫn với nhau, nhưng việc hồi phục lại chức năng nghe không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được nếu vết thương của bệnh nhân quá nặng.

Thật may là Burrage có thể hồi phục được thính giác của mình. BS. Lustig nói, nếu ống tai mở và màng nhĩ không bị hư hại, bạn đơn giản chỉ cần định vị cái tai mới vào đúng vị trí. “Nhưng trong những trường hợp chấn thương rất nặng, rất có khả năng là ống tai đã bị tổn thương và đóng lại. Trong trường hợp ấy bạn phải tái tạo lại ống tai mới,” hoặc sử dụng một thiết bị nghe qua xương được cấy vào xương sọ để truyền tải âm thanh.

>> Điều bác sĩ ít tiết lộ: Ghép tạng, ghép cả linh hồn?

Kỹ thuật tiên tiến của BS. Byrne vẫn còn rất mới mẻ, chủ yếu vì những chấn thương phá hoại cấu trúc tai và phần mô mềm xung quanh rất hiếm khi xảy ra. Các bác sĩ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo rằng những cái tai hình thành theo phương pháp này sẽ sử dụng được lâu dài và chống lại được sự vặn xoắn, co rút và hấp thụ mô. BS. Byrne ước tính có khoảng vài nghìn bệnh nhân sẽ được hưởng lợi từ thủ thuật này.

“Tôi thấy vui vì chuyện này đang thu hút được sự chú ý của mọi người,” BS. Byrne nói. “Tôi thực sự nghĩ rằng nó có tiềm năng phát triển thêm nữa,” nhờ vào những tiến bộ trong kỹ thuật thiết kế mô, việc tạo hình một cái tai sẽ được tiến hành dễ dàng và đẹp mắt hơn. “Một khi chiếc rào chắn này hạ thấp xuống, tôi nghĩ quá trình sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Tôi nghĩ nó thực sự có thể phát triển rộng hơn.”

Tuy nhiên, BS. Lustig lại bình tĩnh đưa ra những đánh giá về phương pháp này. “Đây là một tiến bộ tuyệt vời và tôi thực sự thích những gì họ đã làm được, nhưng nó chưa thể hiện được sự đột phá nào trong hiểu biết của chúng ta về quá trình tái tạo.”

Chúng ta có thể sử dụng phương pháp này để tái tạo các mô và nội tạng phức tạp hơn không? BS. Byrne không chắc về điều này, nhưng ông nghĩ rằng “chúng ta có lẽ mới chỉ hình dung được một chút ít về tương lai hứa hẹn ấy.”

Nuôi cấy các bộ phận của cơ thể trong mô mềm nghe có vẻ giống trong truyện khoa học viễn tưởng, những thực tế là trước đây người ta đã thực hiện một số thủ thuật đơn giản với kỹ thuật này, ví như việc gửi một phần xương sọ tại vùng bụng để bảo vệ nó trước khi phẫu thuật tái tạo xương sọ.

Cô Burrage vẫn còn hai ca phẫu thuật nữa trước khi hoàn thành toàn bộ quá trình thay tai, nhưng cô hết sức lạc quan: “Chặng đường đã qua thật dài, nhưng tôi đang trở lại.”

Theo Popular Science
Quốc Hùng