Nếu bạn có thể ngửi mùi một hành tinh, đó sẽ là mùi gì? Theo một nhóm các nhà khoa học quốc tế làm việc với kính thiên văn hồng ngoại Gemini phương Bắc dài 8m tại Đài thiên văn Mauna Kea ở Hawaii, nếu bạn có thể ngửi mùi của sao Thiên Vương, bạn sẽ thấy nó có mùi như trứng thối.

sao thien vuong
sao Thiên Vương (ảnh: NASA)

Mùi này đến từ sự có mặt của khí độc Hydro Sulfua (công thức hóa học: H2S). Phát hiện này cũng giúp cung cấp thêm thông tin về sự hình thành của các hành tinh ở rìa Hệ Mặt Trời.

Khi bạn xem xét cấu tạo của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời, chúng chẳng hề đồng nhất chút nào. Các hành tinh ở phía trong có cấu tạo từ đá, như Trái Đất, trong khi các hành tinh bên ngoài là những quả cầu khí khổng lồ. Nhưng không đơn giản như vậy. Trong hàng thập kỷ, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng những hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc, sao Thổ cũng rất khác với sao Thiên Vương và Hải Vương.

Mấu chốt nằm ở cấu tạo của tầng khí quyển ngoài. Theo tiến sĩ Leigh Fletcher, thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Leicester, tầng khí quyển ngoài của sao Mộc, sao Thổ chứa đầy khí Amoniac (NH3) trong khi ở sao Thiên Vương và Hải Vương, từ lâu người ta đã nghi ngờ là khí Hydro Sulfua.

“Trong quá trình hình thành Hệ Mặt Trời, sự cân bằng giữa Nitro và Sulfur được quyết định bởi nhiệt độ và vị trí hình thành hành tinh,” ông Fletcher cho biết.

sao thien vuong 3
Ảnh chụp mặt ban ngày của sao Thiên Vương của tàu Voyager 2 (ảnh: NASA)
sao thien vuong 1
Ảnh chụp sao Thiên Vương của tàu Voyager 2 (ảnh: NASA)

Trong nhiều thập kỷ quan sát từ mặt đất và thậm chí khi tàu thăm dò không người lái Voyager 2 bay qua sao Thiên Vương, các nhà khoa học vẫn không tìm thấy bằng chứng về Hydro Sulfua. Nhưng gần đây, nhóm khoa học gia quốc tế nói trên đã tìm được phân tử của loại khí này trong quang phổ hấp thu của khí quyển hành tinh mà kính thiên văn Gemini phương Bắc thu được.

Vì Thiên Vương và Hải Vương rất tương đồng trong nhiều khía cạnh khác, các nhà khoa học kết luận rằng khí Hydro Sulfua cũng hiện diện tại các đám mây trên cao ở sao Hải Vương.

sao thien vuong 2
Phát hiện khí Hydro Sulfua trên sao Thiên Vương (ảnh: ĐH Leicester)

“Tuy những đường kẻ tìm được chỉ rất mờ, chúng tôi vẫn phát hiện được chúng chắc chắn nhờ vào độ nhạy khi đo quang phổ của kính thiên văn Gemini, đặt trong điều kiện thời tiết tuyệt vời của Mauna Kea. Dù biết rằng những đường kẻ đó nằm ở phần rìa ngoài cùng khi đo đạc, chúng tôi vẫn cố gắng tìm chúng trong các dữ liệu thu được từ Gemini,” nhà nghiên cứu Patrick Irwin cho biết.

>> Nhiều ngôi sao mới hình thành ở nơi khó tin nhất: Hố đen trung tâm Dải Ngân Hà

Nếu bạn đang tự hỏi làm sao để chịu được cái mùi kinh khủng của sao Thiên Vương, một thông tin nữa là có thể chúng ta sẽ không sống sót đủ lâu ở đó để mà bịt mũi.

“Nhiệt độ là -200 độ C cùng việc bị chết ngạt trong bầu khí quyển bao gồm chủ yếu là Hydro, Heli, Mêtan sẽ ảnh hưởng lên bạn trước khi cái mùi khó chịu đó làm bạn đau khổ,” ông Irwin chia sẻ.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature Astronomy.

Theo NewAtlas,
Sơn Vũ