Các nhà khoa học đã tình cờ tạo ra 1 loại enzym đột biến có thể phân hủy các chai nhựa, mang đến khả năng tái chế hoàn toàn các sản phẩm nhựa khó phân hủy này.

Các nhà khoa học tạo ra enzym có thể ăn chai nhựa
(ảnh: China Photos/Getty Images)

Khởi nguồn từ khám phá ra các vi khuẩn ăn nhựa ở một bãi rác của Nhật Bản, phát hiện mới này, đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa plastic trên thế giới.

Năm 2016, lần đầu tiên người ta tìm thấy loại vi khuẩn có thể ăn plastic ở một bãi rác tại Nhật Bản. Hiện tại các nhà khoa học đã tìm được cấu trúc enzym chi tiết mà vi khuẩn này sản sinh ra.

Nhóm nghiên cứu quốc tế sau đó thử chỉnh sửa enzym này để xem nó đã biến đổi như thế nào, nhưng các thử nghiệm cho thấy họ đã vô tình làm cho phân tử enzym có khả năng phân hủy nhựa PET (vốn thường dùng làm chai nhựa đựng thức uống) còn mạnh hơn nữa.

Enzym này chỉ mất vài ngày để phân hủy nhựa – nhanh hơn rất nhiều so với quá trình hàng thế kỷ trong đại dương. Nhưng các nhà nghiên cứu lạc quan rằng họ còn có thể đẩy nhanh hơn nữa và biến điều này thành một quy trình quy mô lớn.

“Chúng tôi hy vọng có thể sử dụng enzym này biến đổi nhựa plastic về các thành phần nguyên thủy, tức là chúng tôi thực sự tái chế nó về dạng plastic,” GS. McGeehan của đại học Portsmouth, Anh Quốc cho biết. “Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ không cần phải khai thác thêm dầu; cốt yếu là, nó sẽ giảm thiểu lượng nhựa plastic ngoài thiên nhiên.”

>> Trung Quốc dừng nhập rác thải nhựa, Anh Quốc hoang mang

chai nhua bo bien
(ảnh: Joe Raedle/Getty Images)

Mỗi phút trôi qua trên thế giới có khoảng một triệu chai nhựa được bán ra, và chỉ có 14% được tái chế. Đa số còn lại sẽ kết thúc trong đại dương, gây ra ô nhiễm ngay cả ở những khu vực xa xôi nhất, làm tổn thương các loài thủy sinh và vi hạt nhựa còn đe dọa cả đến những người ăn hải sản hay thậm chí trôi nổi trong nước uống của chúng ta. Hoặc nếu đem chia đều, mỗi người trên thế giới sẽ nhận 1 tấn rác thải nhựa.

Tuy nhiên, hiện tại ngay cả đối với những chai nhựa đã được tái chế, chúng ta chỉ có thể biến chúng thành các sợi đục dùng để làm quần áo hoặc thảm. Loại enzym mới này có thể tái chế chai nhựa trong suốt trở về dạng nhựa trong suốt, như vậy chúng ta sẽ không cần phải sản xuất nhựa mới nữa.

Tùy các nhà khoa học mới chỉ cải thiện được 20% tính năng của loại enzym này, nhưng điều đó cho thấy họ có thể áp dụng các công nghệ phát triển enzym hiện có để cải thiện thêm nữa. Ví dụ như các loại enzym công nghiệp được dùng trong bột giặt và các sản phẩm nhiên liệu sinh học, chỉ trong một vài năm đã trở nên mạnh hơn đến 1.000 lần.

Còn một cách khác, đó là cây ghép loại enzym đã được biến đổi lên một loại “vi khuẩn chịu cực hạn” có thể hoạt động ở nhiệt độ trên 70 độ C – khi đó nhựa PET chuyển sang dạng dẻo và có thể phân hủy nhanh hơn 10-100 lần.

Theo TheGuardian,
Phong Trần