Chúng ta đang chứng kiến một cuộc tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trong lịch sử Trái Đất, các loài động thực vật đang bị suy giảm với số lượng lớn trên phạm vi toàn cầu. Tóm tắt báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc đã cho chúng ta các con số rõ ràng và đáng sợ.

Báo cáo LHQ 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng
Gấu bắc cực – loài đang bị đe dọa bởi sự thay đổi môi trường sống (Ảnh: Shutterstock)

Cụm từ “tuyệt chủng hàng loạt” thường làm người ta liên tưởng tới hình ảnh thiên thạch va vào Trái Đất dẫn tới ngày tàn của nhiều loài bò sát khổng lồ, nhưng ngày nay chúng ta cũng đang ở giữa một cuộc tuyệt chủng thảm khốc, chỉ là khó nhận ra hơn. Xu hướng này đang tác động lên các loài theo nhiều góc độ: mất môi trường sống, ô nhiễm nước, không khí và rác thải… đã làm cho số lượng động vật suy giảm với tốc độ chưa từng thấy.

Đầu tháng 5/2019, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra tóm tắt báo cáo của Diễn đàn Khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) – đánh giá toàn diện về tình hình của hệ sinh thái trên Trái Đất.

Những kết luận đưa ra là rất đáng buồn.

Khoảng 500 nghìn đến 1 triệu loài động thực vật đang đối mặt với tuyệt chủng, nhiều loài sẽ ra đi chỉ trong một vài thập kỷ tới.

Ước tính khoảng 40% các loài lưỡng cư, 1/3 các loài động vật có vú sống dưới nước, các loài san hô và ít nhất 10% côn trùng đang bị đe dọa. Báo cáo cũng cho biết, đã có hơn 500 nghìn loài trên cạn không có đủ môi trường tự nhiên để đảm bảo sự sinh tồn trong dài hạn.

Theo báo cáo, có một yếu tố đã gây ra xu hướng đau lòng này: con người.

Hành động của con người hiện nay đe dọa làm tuyệt chủng nhiều loài hơn bao giờ hết,” báo cáo cho biết.

Báo cáo LHQ 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng
Hơn 500 nghìn loài trên cạn không có đủ môi trường tự nhiên để đảm bảo sự sinh tồn trong dài hạn. (Ảnh: Shutterstock)

Báo cáo dài 1500 trang này là bản phân tích thuộc loại toàn diện nhất trong các đánh giá về môi trường, với dữ liệu được tập hợp từ hơn 15.000 báo cáo khoa học và ấn bản của hơn 50 quốc gia. Nó đánh giá số loài có nguy cơ tuyệt chủng và nguyên nhân, cùng số loài đã tuyệt chủng.

Hơn 130 quốc gia, trong đó có Mỹ, đã thông qua tóm lược báo cáo này. Toàn văn báo cáo sẽ được công bố trong năm nay.

Đây có thể xem là báo cáo rất muộn có được chữ ký của mọi quốc gia trên thế giới,” ông Hugh Possingham, trưởng khoa học gia của Ủy ban Bảo vệ Thiên nhiên (Mỹ) cho biết. “Theo dõi sự suy giảm các loài cũng ít nhiều giống như đọc cáo phó vậy.”

Con người đã thay đổi toàn diện thế giới…

Bản báo cáo khẳng định rằng chính hoạt động của con người là lý do có nhiều loài đến vậy đang trên bờ tuyệt chủng.

Theo đó, 75% toàn bộ đất đai trên thế giới và 2/3 đại dương đã bị biến đổi đáng kể bởi con người. Hơn 85% đầm lầy từ năm 1700 đã biến mất, hơn 32 triệu ha rừng nguyên sinh hay rừng phục hồi đã bị mất chỉ trong giai đoạn 2010-2015. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc phá hoại và làm suy giảm môi trường sống tự nhiên của động vật đang đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng, theo báo cáo.

Báo cáo LHQ 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng
Phá rừng để trồng cây ở Malaysia (Ảnh: Shutterstock)

Báo cáo cũng ghi nhận rằng năm 2015, 1/3 trữ lượng cá toàn cầu đã bị đánh bắt với mức độ không bền vững. Ngoài ra, đất đai xuống cấp đã làm giảm năng suất của 23% đất sản xuất. Ô nhiễm rác thải nhựa đã tăng 10 lần kể từ năm 1980 và khoảng 400 triệu tấn kim loại nặng, hóa chất độc hại và chất thải công nghiệp đang bị đổ vào biển và sông ngòi mỗi năm.

Thêm vào đó, hoạt động của con người cũng đưa nhiều loài xâm lăng đến các vùng đất mới. Các hàng hóa xuất khẩu cũng đóng góp vào xu hướng này.

>> Chúng ta đã rẽ lối sai ở đâu, để giờ đây “Trái Đất đang ở giới hạn chịu đựng cuối cùng”?

Nhiều loài tuyệt chủng, hậu quả gì cho con người?

Hệ sinh thái trên Trái Đất là một hệ thống khép kín, và rất nhiều loài là phụ thuộc vào nhau để sinh tồn. “Tôi nghĩ con người đã quên mất họ nhận được bao nhiêu thứ từ thiên nhiên,” ông Hugh Possingham nói, bổ sung thêm rằng tốc độ tuyệt chủng sẽ “ảnh hưởng sâu nặng tới kinh tế toàn cầu và sức khỏe của mỗi cá nhân.”

Tác động này còn đặc biệt to lớn trong vấn đề an ninh lương thực và nguồn nước. Các loài côn trùng như ong, các loài thụ phấn có vai trò không thể thiếu trong việc trồng trọt. Ngoài ra, côn trùng cũng là nguồn thức ăn cho chim, cá và các loài có vú – vốn cũng là một số nguồn thực phẩm cho con người.

Nhưng theo báo cáo, khoảng 10% các loài côn trùng đang bị đe dọa tuyệt chủng. Ước tính rằng sự suy giảm ong trong tự nhiên và các loài thụ phấn sẽ làm suy giảm 577 tỷ giá trị sản lượng nông nghiệp hàng năm.

Báo cáo LHQ 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng
Ong và các loài thụ phấn đóng vai trò then chốt trong nông nghiệp (Ảnh: Shutterstock)

Tương tự, một báo cáo đầu năm 2019 cho biết tổng khối lượng côn trùng toàn cầu đang suy giảm 2,5% mỗi năm. Nếu xu hướng này tiếp diễn thì Trái Đất sẽ chẳng còn con bọ nào vào năm 2119.

Không chỉ côn trùng, các loài động thực vật thuần hóa cũng đang biến mất. Tới năm 2016, 10% các giống thuần hóa trong nông nghiệp và sản xuất thực phẩm đã tuyệt chủng, hiện nay ít nhất 1000 loài khác đang nằm trong danh sách bị đe dọa.

>> 93% hạt giống hoa màu và trái cây đã tuyệt chủng trong 80 năm qua

Tất cả những điều này đang đặt an ninh lương thực vào tình thế ngặt nghèo.

Trong khi đó, nhu cầu thực phẩm của thế giới lại đang gia tăng. Dân số toàn cầu đã nhân đôi trong 50 năm qua. Và để phục vụ cho số người đó, ngày càng cần thêm đất đai và đẩy nhanh tốc độ suy giảm môi trường sống tự nhiên.

Hiện tại, dân số thế giới là khoảng 7,7 tỷ người, nhưng Liên Hiệp Quốc dự tính con số đó sẽ tăng lên thành 9,8 tỷ trong 30 năm nữa. Lo đủ số lương thực cho chừng đó người trong một thế giới thiếu vắng những loài thụ phấn là một khó khăn chưa có lời giải.

“Chúng ta cần tận dụng đất đai khôn ngoan hơn”

Các tác giả của báo cáo cũng không hoàn toàn bi quan. Họ đề xuất rằng xu hướng tuyệt chủng có thể được đảo ngược hay ngăn chặn nếu có sự hợp tác và hành động trên toàn cầu.

Họ đề xuất rằng, các chính phủ nên thắt chặt các luật chống khai thác gỗ và đánh bắt trái phép, giảm ô nhiễm và giúp nông dân gieo trồng nhiều hơn trên diện tích ít hơn.

Chúng ta có khoảng 10-15 năm để đảo ngược vấn đề này,” ông Possingham nói. “Chúng ta không thể ngăn con người ăn uống, dùng điện hay sinh con – chúng ta chỉ có thể dùng đất đai một cách khôn ngoan hơn.”

Chấm dứt phá hoại môi trường sống là giải pháp duy nhất cho vấn đề tuyệt chủng. Và con người có thể làm được nếu họ phân chia đất rõ ràng cho các mục đích khác nhau, như nông nghiệp, đô thị và sản xuất năng lượng.

Nguồn lực giới hạn nhất trên hành tinh này chính là diện tích đất bề mặt,” ông Possingham nói. “Chúng ta sống trên một khối cầu chỉ có bấy nhiêu mét vuông thôi, và chúng ta không thể tạo ra thêm không gian.”

Theo BusinessInsider,
Phong Trần