Có hình dáng như một bông hoa héo nhưng robot mềm có tên Origami này lại nâng được đồ vật có trọng lượng gấp nó tới 100 lần. Đây được xem là sản phẩm rất có ích cho ngành logistic trong tương lai.

Bàn tay robot Origami
Robot Origami đang nhặt lấy trái táo từ bàn tay của nhà nghiên cứu. (Ảnh: MIT CSAIL)

Nếu ai đó yêu cầu bạn tưởng tượng ra một con robot, bạn có thể sẽ nghĩ về một con robot hình người hoặc một cánh tay robot công nghiệp. Nhưng đối với tôi, tôi muốn thấy một sự thay đổi,” bà Daniela Rus, giáo sư tại Phòng thí nghiệm khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo (CSAIL) thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ cho biết trên trang The Verge.

Công trình mới nhất từ nhóm của bà tại MIT là một ví dụ điển hình. Nó giống như một tay cầm robot được thiết kế để nhặt các vật thể, tuy nhiên, ngoại hình của nó trông thật độc đáo. Nhìn bề ngoài, nó có nhiều điểm chung với một bông hoa tulip cao su hoặc một quả bóng đã xì hơi hơn là một bàn tay robot tân tiến.

Không chỉ có vẻ ngoài độc đáo, cánh tay robot này còn là một dụng cụ kẹp rất hữu ích. Bên dưới lớp da cao su của nó là một bộ khung xếp có hình dáng như loài sao biển, lấy cảm hứng từ nghệ thuật gấp giấy origami của Nhật Bản. Khí gas được bơm vào và hút ra làm toàn bộ thiết bị mở ra và đóng lại như một bông hoa. Robot này có thể nhặt các vật thể mỏng manh mà không làm hỏng chúng, trong khi vẫn duy trì độ bám đủ mạnh để nâng vật gấp 100 lần trọng lượng của chính nó.

Video giới thiệu về Robot Origami

Chúng ta có sự kết hợp tuyệt vời giữa bộ khung xếp có thể gập lại với lớp vỏ mềm,” bà Rus chia sẻ trên The Verge. “Tôi cảm thấy hào hứng khi sử dụng một bàn tay robot như vậy để cầm nắm các loại hàng hóa.”

Những bàn tay robot kẹp mềm như thế này không phải là điều gì mới lạ. Trong thập kỷ qua, lĩnh vực này đã có rất nhiều sự bùng nổ với việc các kỹ sư nghĩ ra những robot mềm có đủ hình dạng và kích thước. Một trong những chức năng chủ yếu của chúng là dùng trong lĩnh vực logistic – di chuyển các sản phẩm trong kho và nhà máy.

Mặc dù phần lớn công việc này đã được tự động hóa bởi robot, con người vẫn cần phải tự tay phân loại và đóng gói các mặt hàng riêng lẻ, đặc thù để cho vào hộp nhằm tránh việc bị hư hỏng. Sở dĩ có điều này là do các robot truyền thống làm bằng kim loại và nhựa cứng không thể thao tác với các hàng hóa mỏng manh, dễ vỡ hoặc có hình dạng không đều.

Bàn tay robot Origami
Bàn tay robot được dùng thử nghiệm trên nhiều vật phẩm khác nhau như trái cây, rau, chai và lon. (Ảnh: MIT CSAIL)

Do đó, cánh tay robot mềm được xem là giải pháp tốt nhất cho vấn đề trên và sự bùng nổ của công nghệ này đã diễn ra trong vài năm qua. Các phòng thí nghiệm như CSAIL cũng như các công ty thương mại như RightHand Robotics (Hoa Kỳ) đều đã bắt tay vào việc phát triển các sản phẩm, từ cánh tay robot bơm hơi cho đến dụng cụ kẹp giống như túi đậu (beanbag) hay loại có hình như xúc tu bạch tuộc.

Bà Rus đánh giá thiết kế mới của nhóm (được phát triển vào năm 2017) tốt hơn các robot mềm trước đây. Hình dạng hoa tulip giúp cho nó có thể tiếp cận các vật thể từ nhiều góc độ khác nhau, không giống như thiết kế tay cầm, thường phải đến tiếp xúc với vật thể từ phía cạnh. Ngoài ra, thiết kế khung xếp giúp cho sản phẩm có độ bám mạnh và trở nên linh hoạt hơn.

Về lý do tại sao các thiết bị như vậy chưa được áp dụng rộng rãi hơn, Rus cho rằng nguyên nhân là bởi các giải pháp thương mại vẫn chưa bắt kịp được với “những phát minh trong phòng thí nghiệm.” Một lý do khác có thể là sự trì trệ. Một khi các công ty đã đầu tư vào các thiết bị đắt tiền, việc thay thế chúng không phải là quyết định dễ dàng; thêm vào đó, toàn bộ quy trình công việc có thể sẽ thay đổi nếu tiến hành cập nhật thiết bị phần cứng.

Theo The Verge,
Phan Anh