Trong hai ngày, thứ 6 và thứ 7 (10, 11 tháng 2), đã có 416 con cá voi mắc cạn tại bờ biển của New Zealand, đánh dấu một trong những vụ cá voi gặp nạn lớn nhất trong lịch sử của nước này.

Vụ mắc cạn xảy ra ở dải cát Farewell Spit ở vịnh Golden, gần thành phố Nelson. Các tình nguyện viên đã đến để giúp giải cứu được khoảng 100 con cá voi hoa tiêu (pilot whale), trong khi 250-300 con đã chết, theo thông tin của Bộ bảo tồn thiên nhiên.

(ảnh: The Jonah Project)
(ảnh: The Jonah Project)

“Khi thấy nhiều cá voi chết như vậy, cảnh tượng có thể trở nên rất u ám,” Bà Kath Inwood, một nhân viên của Bộ bảo tồn nói với AP. “Mọi người cần mạnh mẽ hơn, đối mặt với điều đó và tiếp tục nỗ lực xem cần phải làm điều gì.”

(ảnh qua inhabitat.com)
(ảnh qua inhabitat.com)

Có 300 tình nguyện viên đã đến để hỗ trợ cùng với nhân viên của Bộ bảo tồn và tổ chức Project Jonah chuyên giải cứu cá voi mắc cạn; nhiều người thậm chí còn đến từ các vùng xa xôi của New Zealand. Họ đã đưa cá voi ra biển khi thủy triều lên và tạo thành một hàng rào để ngăn chúng không trôi dạt trở lại.

Trong khi chờ thủy triều, họ giữ ẩm và làm mát cho cá voi bằng cách đặt chăn ướt và thường xuyên đổ các xô nước lên người chúng.

Đây cũng là nơi vụ mắc cạn lớn lần trước xảy ra, địa hình của khu vực này dường như làm cho lũ cá voi bị nhầm phương hướng.

Theo trang Newshub, một nửa trong số 100 con cá voi được đưa ra biển đã mắc cạn trở lại.

Vì sao cá voi mắc cạn?

Có nhiều giả thuyết về lý do tại sao cá voi lại mắc cạn. Trong đó bao gồm:

Già hoặc bệnh: Các con cá voi quá yếu do tuổi cao, bệnh, thiếu ăn, bệnh do ăn phải rác hay chất ô nhiễm, sinh nở… đều dễ bị sóng lớn hay các dòng nước ở gần bờ cuốn đi

Bị chấn thương: do va phải tàu, vướng lưới hay thử vũ khí dưới biển… làm cho chúng bị tổn thương cơ bắp, vây bơi, hoặc khả năng nghe và định hướng… và bị mắc cạn.

Định hướng sai: khi săn mồi hoặc chạy trốn khỏi kẻ thù (ví dụ cá voi sát thủ), cá voi có thể bơi vào quá gần bờ. Ngoài ra, một số bờ biển cát uốn lượn có thể không phản hồi sóng âm trở lại cá voi, làm cho chúng tưởng rằng đó là vùng nước sâu và bơi vào đó, mắc kẹt khi thủy triều xuống nhanh.

Kết nối xã hội: Cá loài cá voi nước sâu như cá voi hoa tiêu vây dài có kết cấu xã hội rất phát triển. Một hoặc hai con cá voi mắc cạn có thể gửi tín hiệu tới cả đàn, và thủy triều rút nhanh có thể làm cả đàn bị mắc cạn.

Theo Marshable, projectjonah.org.nz,
Sơn Vũ tổng hợp

Xem thêm: