Một tin đồn về mối liên hệ giữa chủng virus corona mới và công nghệ băng thông rộng 5G đang lan truyền khắp nước Anh. Thông tin này đã gây ra những thiệt hại vật chất thực sự cho “xứ sở xương mù” trong tuần đầu tiên của tháng 4/2020.

Anh: Ăng-ten 5G bị đốt, có tin đồn chúng mang tới dịch bệnh
Tin đồn về 5G trực tiếp gây ra dịch bệnh là sai. Nhưng mối quan hệ hợp tác với Huawei của Trung Quốc có thể gây hại, là có thật. (Ảnh: Shutterstock)

Vào ngày 03/04, một tháp phát tín hiệu điện thoại di động cao khoảng 21m tại Birmingham (Anh) đã bốc cháy và nguyên nhân được thông báo là do có người tin vào tin đồn trên phóng hỏa, theo tờ The Guardian.

Nhà điều hành mạng di động EE cho biết họ vẫn đang điều tra về vụ cháy nhưng có vẻ như “hiện tại, khả năng cao” là do có người cố ý phóng hóa.

“Việc cố tình ngắt kết nối di động vào thời điểm mà mọi người cần liên lạc với nhau hơn bao giờ hết, là một hành vi liều lĩnh, gây hại và nguy hiểm,” phía công ty cho biết trên tờ The Guardian.

Một đám cháy khác diễn ra tại một tháp phát sóng 5G ở gần thành phố Liverpool (Anh), vào tối ngày 03/04, theo tờ Liverpool Echo đưa tin.

Nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được xác định, nhưng vài giờ trước đó, Thị trưởng của thành phố Liverpool – Joe Anderson đã lên án các thuyết âm mưu “kỳ quái” cho rằng 5G giúp lan truyền virus corona, theo tờ Liverpool Echo.

Ông Anderson cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi có những người ngoài kia nói ra những điều như thế này – rằng COVID-19 có mối liên hệ với 5G theo cách nào đó. Thật kỳ lạ.”

>> Mỹ cảnh báo Anh sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G là ‘điên rồ’

Ở những nơi khác tại Anh, các kỹ sư viễn thông đã báo cáo việc bị nhục mạ và bị đe dọa hành hung bởi những người tin vào thuyết trên.

Theo trang web MailOnline, một người phụ nữ giấu tên đã tiếp cận hai nhân viên đang đặt dây cáp trên đường phố London và cho rằng điều này sẽ gây ra nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

“Tất cả chúng ta sẽ ở trong bệnh viện và phải dùng đến máy thở. Đó là vì loại dây này đây,” người phụ nữ nói, theo MailOnline.

“Ông cảm thấy thế nào? Ông có con không? Ông có bố mẹ không? Ông cảm thấy thế nào? Khi họ bật công tắc đó, ông có thể nói ‘tạm biệt mẹ’. Ông có bằng lòng khi làm công việc đó không? Người ta có trả ông đủ tiền để gây nguy hại đến tính mạng người khác?”

Các kỹ sư trên được công ty Community Fiber tuyển dụng và không sử dụng công nghệ 5G.

Full Fact, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động độc lập chuyên kiểm chứng thông tin của Anh, đã làm rõ tin đồn về mối liên hệ giữa mạng 5G ở Vũ Hán (nơi bùng phát virus corona) và dịch bệnh viêm phổi cấp này.

“Thông tin mạng 5G có thể tác động đến hệ thống miễn dịch là hoàn toàn không có cơ sở. Không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa chủng virus corona mới và 5G,” phía Full Fact cho biết.

Tuy nhiên, những tin đồn này đã lan truyền nhanh chóng trên phương tiện truyền thông xã hội. Theo tờ The Guardian, Facebook đã xóa thông tin của một nhóm trong đó người dùng được khuyến khích gửi video ghi lại cảnh phá hủy thiết bị phát sóng điện thoại di động.

>> Mối hiểm họa của 5G lên sức khỏe con người

Một đơn kiến nghị trực tuyến đã cho rằng thật nguy hiểm khi sống gần trạm phát sóng 5G bởi nó sẽ làm gia tăng khả năng nhiễm COVID-19. Đơn này đã được chia sẻ bởi Amanda Holden, giám khảo của chương trình Britain’s Got Talent, theo tờ The Guardian. Bài đăng này sau đó đã bị gỡ xuống.

Theo Business Insider,
Phan Anh