Thủ đô New Delhi của Ấn Độ là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Vì vậy gần đây chính quyền thành phố đã thử nghiệm một phương án khác lạ để đối phó với vấn nạn này: dùng súng thần công phun sương.

Embed from Getty Images

Súng phun sương giúp làm sạch bầu không khí ô nhiễm tại New Delhi

Thử nghiệm đã được tiến hành ở Anand Vihar, một trong những vùng ô nhiễm nhất ở New Delhi. Ống phóng được nối với một bình nước đặt trên xe tải và phun nước lên tới độ cao 70m. Mục đích là để cho các hạt nước li ti sẽ bám vào bụi khiến chúng trở nên nặng hơn và rơi xuống đất, hiệu ứng tương tự như trong cơn mưa.

Từ năm 2015, loại súng phun sương này được dùng rộng rãi ở Trung Quốc và có thể nó sẽ sớm được phổ biến ở New Dehli.  Ủy ban môi trường và Ủy ban kiểm soát ô nhiễm New Dehli đã tiến hành một cuộc thử nghiệm vào ngày 27/12 vừa qua.

Ông Imran Hussain, Bộ trưởng môi trường của Delhi nói với CNN: “Sau một loạt các cuộc họp, chúng tôi đến với ý tưởng này. Chúng tôi thậm chí còn nghĩ đến chuyện dùng máy bay trực thăng phun nước xuống.” Ông cũng cho biết, nếu thử nghiệm thành công, chiếc máy sẽ được sử dụng rộng rãi.

Chưa có thông tin cụ thể về giá của chiếc máy ở Ấn Độ là bao nhiêu, nhưng theo Business Insider, ở Trung Quốc giá là khá đắt, khoảng 106.000 USD (~ 2,4 tỷ VNĐ). Tại Ấn Độ chiếc máy có tên là Fog Cannon (súng thần công phun sương), sản phẩm của công ty Cloud Tech, một công ty Ấn Độ đặt ở bang Haryana, giáp với New Delhi.

Tuy vậy cũng có người không đồng ý với phương án xử lý này. Bà Anumita Roychowdhury, nhân viên Trung tâm Khoa học và Môi trường tại Delhi nói với CNN: “Cách này chỉ có tác dụng ở các khu vực cục bộ như công trường xây dựng, nếu bạn muốn hạn chế bụi thực sự, thì cách này chỉ có tác dụng tức thời trong thời gian ngắn. Nếu muốn kiểm soát ô nhiễm không khí thời gian dài thì cách này không được. Chúng ta cần có cách làm dài hạn. Chính phủ cần thay đổi một cách hệ thống, thay đổi về cơ sở hạ tầng để có thể kiểm soát ô nhiễm trong thành phố.”

Mức độ ô nhiễm không khí kỷ lục ở New Dehli

Ủy ban kiểm soát ô nhiễm của Dehli theo dõi mức độ khói bụi trên khắp thành phố. Mức độ khói bụi được đo bằng nồng độ của các hạt siêu nhỏ có đường kính ít hơn 2,5 micro mét trong không khí, tiêu chuẩn đo lường này được đặt tên là PM2.5. Những hạt bụi mịn này bị coi là nguy hiểm vì nó đủ nhỏ để len lỏi vào phổi rồi sang các bộ phận khác, gây ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

>> Ô nhiễm bụi mịn PM2.5: Sát thủ vô hình

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, nếu nồng độ PM2.5 trên 25 microgram/m3 duy trì trong 24h thì môi trường bị coi là không an toàn. Ở New Dehli, mức độ báo động là hơn 300 micrograms/m3 – tức mức “nguy hiểm”, mọi người cần tránh đi ra ngoài. Hồi tháng 11 mức độ ô nhiễm ở thành phố đạt mức cao nhất là hơn 1000.

Ấn Độ: Dùng súng phun sương để làm sạch bầu không khí quá ô nhiễm

Địa hình của thành phố cũng là một bất lợi lớn dẫn đến ô nhiễm. New Dehli nằm tại một lòng chảo trong đất liền bao quanh bởi các khu công nghiệp và nông nghiệp. Đồng thời ở đây không có gió biển thổi mạnh như ở Chennai hay Mumbai, nên các chất gây ô nhiễm dễ có xu hướng tích lại. Ngoài ra, vào mùa đông, nông dân ở các bang lân cận thường đốt các sản phẩm nông nghiệp dư thừa để dọn sạch trang trại, chuẩn bị cho vụ sau. Mặc dù cách làm này đã bị cấm ở Delhi, Haryana, Uttar Pradesh và Rajasthan nhưng trên thực tế, quy định chưa có hiệu lực.

Để ứng phó với ô nhiễm không khí, thành phố New Delhi còn có các chính sách khác. Hồi tháng 10, Delhi đã đưa ra Kế hoạch Hành động theo Mức độ, trong đó nêu rõ các phương án sẽ áp dụng tùy theo các mức độ ô nhiễm cụ thể. Ví dụ khi mật độ PM2.5 lên đến hơn 300 trong 48 giờ, chính quyền sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp, xe tải sẽ bị cấm vào Delhi, đồng thời đóng cửa các công trường xây dựng, trường học.

Theo bà Roychowdhury, “Thành phố không chỉ có ‘Kế hoạch Hành động theo Mức độ ô nhiễm’ cho trường hợp khẩn cấp, mà còn có ‘Kế hoạch Hành động Tổng hợp’ cho dài hạn. Vì vậy việc quan trọng bây giờ là phải làm sao để nhanh chóng thực hiện được những quy định này một cách nghiêm túc”.

Thành Đô tổng hợp

Xem thêm: