Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (khi ấy còn là một phần của Liên Bang Xô Viết) đã phát nổ hơn ba thập kỷ trước, chính xác là vào năm 1986. Chúng ta có thể theo dõi lại thảm họa nguyên tử này trong loạt chương trình truyền hình có tên “Chernobyl” do đài HBO (Mỹ) thực hiện.

Hầu hết mọi người đều biết rằng thảm họa Chernobyl là do lỗi của con người, khi mà lò phản ứng hạt nhân đã phát nổ và giải phóng ra một lượng lớn chất phóng xạ trên toàn châu Âu. Tuy nhiên, có một số tình tiết ở bên trong sự việc này lại không được nhiều người biết đến. Dưới đây là 5 điều kỳ lạ mà bạn có thể chưa từng được nghe về Chernobyl.

1. Tương đồng với vụ nổ bom hạt nhân ở Hiroshima (Nhật Bản)

Khoảng 30.000 người đã ở gần lò phản ứng của Chernobyl khi nó phát nổ vào ngày 26 tháng 4 năm 1986. Những người tiếp xúc với bức xạ được cho là đã phải hứng chịu khoảng 45 rem (rem là đơn vị đo liều bức xạ), tương đương với liều trung bình mà những người sống sót phải đón nhận sau khi quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hiroshima vào năm 1945, theo cuốn sách “Physics for Future Presidents: The Science Behind the Headlines” (Tạm dịch: “Vật lý cho các Tổng thống tương lai: Khoa học đằng sau các Tiêu đề), được viết bởi Richard Muller, giáo sư vật lý tại Trường Đại học California, Berkeley (Mỹ).

Mặc dù 45 rem là không đủ để gây ra bệnh nhiễm xạ (thường gây bệnh ở mức khoảng 200 rem), nhưng nó vẫn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lên 1,8%, ông Muller cho hay. “Nguy cơ đó sẽ dẫn đến việc có khoảng 500 trường hợp tử vong do ung thư cùng với 6.000 ca mắc bệnh ung thư thông thường do các nguyên nhân tự nhiên.”

Tuy nhiên, trong năm 2006, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cùng với Liên Hợp Quốc, đã ước tính tỷ lệ tử vong do ung thư đạt mức cao hơn rất nhiều. Sau khi quan sát, IAEA nhận thấy tổng mức phân bố bức xạ đã lan rộng khắp châu Âu và thậm chí đến tận Mỹ, ngoài ra còn ước tính rằng liều bức xạ tích lũy từ Chernobyl là khoảng 10 triệu rem. Điều này đã dẫn đến thêm 4.000 ca tử vong nữa do ung thư, ông Muller cho biết.

>> Mỹ ném bom nguyên tử Nhật Bản: Một nửa sự thật

2. Thiệt hại nặng nề nhất chấm dứt chỉ trong vòng vài tuần

vu no hat nhan chernobyl 2 image
Kho phế liệu cơ giới ở Chernobyl (Ảnh: Shutterstock)

Vụ nổ ban đầu là rất lớn, tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất đến từ bức xạ chỉ diễn ra trong vài tuần đầu tiên. Bạn có thể hình dung về bức xạ giống như những mảnh vỡ bay ra ngoài khi hạt nhân phát nổ, như những mảnh bom từ một quả bom, ông Muller ví von.

Tương tự như xốp hơi bong bóng, mỗi hạt nhân chỉ có thể phát nổ và giải phóng bức xạ được một lần. Trên thực tế, chỉ 15 phút sau vụ nổ Chernobyl, “độ phóng xạ đã giảm 1/4 so với mức ban đầu; sau 1 ngày, xuống còn 1/15; sau 3 tháng, xuống dưới 1%”, ông Muller cho hay.

“Tuy nhiên, một số ít vẫn còn sót lại cho đến tận hôm nay. Phần lớn các phóng xạ thực ra đã không còn tồn tại nữa và chỉ có phóng xạ gần mặt đất mới ảnh hưởng đến người dân.”

3. Hàng chục lính cứu hỏa đã hy sinh

Vụ nổ Chernobyl không chỉ giải phóng rất nhiều chất phóng xạ mà còn gây ra một đám cháy tại nhà máy điện. Các nhân viên cứu hỏa đã xông vào để ngăn chặn ngọn lửa với mức độ phóng xạ cao và hàng chục người đã thiệt mạng vì nhiễm độc phóng xạ, Muller cho biết.

Mỗi người lính cứu hỏa này đã phải tiếp xúc với hơn 1 triệu tỷ tia phóng xạ gamma. Điều đó có nghĩa gì?

Tia gamma, một loại bức xạ xuyên thấu được giải phóng từ vũ khí hạt nhân, bom bẩn và nổ lò phản ứng, tương tự như tia X cực kỳ mạnh mẽ. Có khoảng 10 nghìn tỷ tia gamma trong 1 rem phóng xạ, Muller cho hay.

Nếu tiếp xúc với một liều 100 rem thì chúng ta có thể sẽ không thấy có phản ứng gì, bởi vì, cơ thể người có thể phục hồi thương tổn mà không dẫn đến việc bị mắc bệnh. Tuy nhiên, với mức 200 rem, chúng ta có thể bị nhiễm độc phóng xạ. Bệnh nhân được hóa trị liệu đôi khi gặp triệu chứng này, dẫn đến các tác dụng phụ như rụng tóc và cảm thấy buồn nôn hay bơ phờ. (Sự buồn nôn này được gây ra, một phần là do cơ thể đang phải nhanh chóng làm việc để phục hồi thương tổn do phóng xạ gây ra, vậy nên, nó phải cắt giảm các hoạt động khác, như tiêu hóa, Muller giải thích.)

Những người bị nhiễm 300 rem có khả năng tử vong trừ khi họ được điều trị ngay lập tức, ví dụ như được truyền máu.

vu no hat nhan chernobyl 3 image
Thành phố bỏ hoang Pripyat ở gần Chernobyl, Ukraina (Ảnh: Shutterstock)

4. Không có hệ thống nhà lò bảo vệ

Chernobyl đã không có được một biện pháp an toàn và phù hợp để ngăn chặn thảm họa xảy ra, nói cách khác, nó không được lắp đặt một hệ thống nhà lò bảo vệ (containment).

Nhà lò là một hệ thống lớp vỏ kín (không lọt khí) bao quanh bảo vệ lò phản ứng hạt nhân. Lớp vỏ này, thường có hình vòm và được làm bằng bê tông cốt thép, được tạo ra với mục đích giữ lại các sản phẩm phân hạch có thể bị thải ra bầu khí quyển khi vụ tai nạn xảy ra, theo thông tin từ Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Hoa Kỳ (NRC).

>> Cuộc tranh cãi về ‘lò phản ứng hạt nhân 1,7 tỷ năm’ ở Gabon, châu Phi

Nếu có hệ thống nhà lò bảo vệ được lắp đặt tại Chernobyl, ông Muller nhận định, “Rất có thể, sẽ không có bất cứ trường hợp tử vong nào trong vụ tai nạn.”

5. Động vật hoang dã đang sống ở Chernobyl

vu no hat nhan chernobyl 4 image
Động vật hoang dã ở Chernobyl (Ảnh: Shutterstock)

Người dân tại khu vực Chernobyl đã được sơ tán sau vụ nổ. Sau khi con người rời đi, động vật hoang dã đã chuyển đến.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 cho thấy số lượng lớn các động vật hoang dã như nai sừng tấm, hươu đỏ và lợn rừng sống trong khu vực cấm (exclusion zone) tương tự như số lượng sinh sống trong khu bảo tồn thiên nhiên gần đó. Các nhà nghiên cứu đã thống kê rằng số lượng chó sói tại khu vực cấm là đông gấp 7 lần số lượng chó sói sống tại các khu bảo tồn lân cận.

“Điều này không đồng nghĩa rằng chất phóng xạ có lợi đối với động vật hoang dã, mà chính lối sống của con người, bao gồm việc săn bắn, trồng trọt và lâm nghiệp, đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng”, Jim Smith, điều phối viên nhóm quan sát của nghiên cứu nói trên và là giáo sư khoa học môi trường tại Trường Đại học Portsmouth (Vương quốc Anh), cho biết.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khác đã chỉ ra rằng, số lượng động vật hoang dã tại Chernobyl đang ở mức thưa thớt hơn so với các khu vực được bảo tồn khác ở châu Âu, điều đó nói lên rằng phóng xạ vẫn đang ảnh hưởng ít nhiều đến khu vực này.

Theo LiveScience,
Phan Anh