Nữ tiến sĩ Beatriz Villarroel hiện đang nghiên cứu tại Viện Vật lý lý thuyết Bắc Âu ở Stockholm (Thụy Điển). Cô từng có một ý tưởng thú vị khi còn là sinh viên: Đã có ai đã kiểm chứng xem toàn bộ các ngôi sao trên bầu trời vẫn ở đó hay có cái nào đã biến mất không?

tinh van ngoi sao pencil nebula ngc 2736 image
Ảnh minh họa: Tinh vân “bút chì” NGC 2736 (Public Domain)

Lịch sử dường như khiến chúng ta tin rằng bầu trời đêm là vĩnh hằng và bất biến. Trên thực tế, những người đi biển đã xác định phương hướng dựa trên các ngôi sao cố định trong nhiều thế kỷ, và chúng ta vẫn ngắm nhìn các chòm sao với hình tượng anh hùng và quái vật qua hàng thiên niên kỷ. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta quan sát kỹ hơn chút nữa? Sẽ ra sao nếu bầu trời đêm thực sự đang thay đổi?

Sau khi lấy bằng tiến sĩ, cô Beatriz đã bắt đầu đi tìm đáp án cho câu hỏi trên, lập ra dự án xác định “Các nguồn sáng biến mất và hiện ra trong một thế kỷ quan sát” (viết tắt là VASCO).

Cô đã phối hợp với một nhóm khoảng 20 nhà thiên văn học và vật lý thiên văn, dùng phần mềm để so sánh một loạt các hình ảnh vũ trụ của Đài thiên văn Hải quân Hoa Kỳ (USNO) bắt đầu từ năm 1949 và hình ảnh của Kính thiên văn Pan-STARRS giai đoạn 2010-2014.

Kết quả

Nhóm nghiên cứu đã dùng phần mềm để phân tích tổng cộng khoảng 600 triệu nguồn sáng trong cả 2 bộ dữ liệu và ban đầu xác định khoảng 150.000 đối tượng có thể đã biến mất. Họ lại so sánh chéo với các bộ dữ liệu khác và chọn ra các đối tượng đặc biệt có khả năng cao, thu gọn lại còn 24.000 trường hợp. Cuối cùng, họ xem xét chi tiết từng trường hợp trên xem chúng là nguồn sáng thực sự trong vũ trụ hay chỉ là sai sót khi chụp ảnh.

Sau nhiều năm làm việc nghiêm túc, nhóm đã công bố những kết quả đầu tiên trên tạp chí Astronomical Journal:

Có ít nhất 100 chấm sáng xuất hiện trên bầu trời vào giữa thế kỷ 20 có thể đã vụt tắt.

Các nguồn ánh sáng biến mất đại diện cho những chớp sáng ngắn ngủi trong đêm, cũng có thể là sự biến mất của một thiên thể lâu đời, chúng ta vẫn chưa xác nhận được.

Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng: tuy những phát hiện ban đầu này chỉ ra các hiện tượng tự nhiên một cách rõ ràng, họ hy vọng kết quả thu được trong tương lai sẽ giúp ích cho ngành thiên văn học và việc tìm kiếm trí thông minh ngoài trái đất (SETI).

Cô Beatriz Villarroel, đồng tác giả của nghiên cứu trên cho biết: “VASCO là sự kết hợp của dự án SETI và dự án vật lý thiên văn thông thường. Ngay cả khi tiến hành dự án SETI, chúng tôi cũng quan tâm đến việc công bố các kết quả khác mà mình phát hiện trong quá trình thực hiện.”

>> Phát hiện sửng sốt từ dãy Himalaya (P3): Người Lemuria và Atlan

Giả thuyết cho những ngôi sao đã biến mất

Khi các ngôi sao khối lượng lớn tử vong, chúng phát ra vụ nổ Siêu tân tinh (supernova) chói lòa mang theo năng lượng cực lớn – một sự kiện thiên văn học tức thời rất dễ quan sát. Sự kiện này tạo ra một ngôi sao “mới”, trước khi dần phai mờ trong vài tuần đến vài tháng.

Các nhà thiên văn học Trung Quốc đã ghi nhận lần đầu tiên hiện tượng supernova cách đây hơn 1.800 năm. Nhưng chúng ta cần lời giải thích rõ ràng hơn về hiện tượng một ngôi sao hoặc thiên hà đang lặng lẽ tan vào trong màn đêm, cô Villarroel lập luận.

Các hình ảnh về supernova:

Trong 100 ngôi sao đã biến mất, có thể là do chúng đã tử vong theo cách khác lạ, hoặc nếu trí tưởng tượng của chúng ta bay xa, cũng có thể một nền văn minh tiên tiến đã phủ kín ngôi sao bằng các tấm thu năng lượng. Cô Villroelel cho rằng nếu đi tìm người ngoài hành tinh thì có lẽ chúng ta nên tập trung vào những hiện tượng ngôi sao biến mất kỳ lạ như vậy.

>> Vũ trụ đang trải qua những thay đổi kinh thiên động địa

Những người đam mê SETI từ lâu đã suy đoán về các nền văn minh ngoài hành tinh với sức mạnh kỹ thuật cực cao, có thể xây dựng các siêu công trình để thu được tất cả ánh sáng phát ra từ một ngôi sao, che chắn nó khỏi tầm nhìn của chúng ta.

Tuy nhiên, ở đây cũng tồn tại những lời giải thích tự nhiên, chẳng hạn như cái gọi là “sao khổng lồ đỏ” khi tử vong sẽ không phát nổ siêu tân tinh mà sụp đổ trực tiếp vào một lỗ đen. Nhưng những cái chết “không do nổ” này được cho là khá hiếm, vì vậy nếu chúng xảy ra nhiều lần thì lời giải thích trên dường như không thuyết phục. Ngoài ra, cô Villarroel một lần nữa khẳng định rằng còn quá sớm để bắt đầu mơ mộng về người ngoài hành tinh.

Ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hàng trăm nguồn sáng mất tích, các nhà thiên văn học tại VASCO còn có kế hoạch thực hiện một dự án khoa học công dân (citizen science project), nơi bất kỳ ai quan tâm có thể giúp họ tìm kiếm các nguồn sáng bị mất còn lại. Cô Villarroel ước tính rằng có hàng trăm nguồn sáng biến mất vẫn chưa được phát hiện.

Kính thiên văn khảo sát tổng quát lớn (LSST) trong tương lai sẽ quét bầu trời cứ vài đêm một lần vào cuối năm 2022, trong đó đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm các vật thể “chớp nhoáng”, nhưng đối với các nhà nghiên cứu tại VASCO thì điều này dường quá xa xôi. “Chúng tôi không đủ kiên nhẫn để chờ đợi,” cô Villarroel cho biết.

>> Gene trong hệ vi sinh ở người nhiều hơn số ngôi sao trong vũ trụ khả kiến

Theo Popsci.com,
Phan Anh tổng hợp