Các nhà khoa học ở trường Đại học Cambridge đã phát minh ra cách thức chế tạo nguồn nhiên liệu hydrogen sạch giá rẻ thông qua sử dụng ánh sáng mặt trời và sinh khối từ lá cây.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Hầu hết các nhà sản xuất xe đều nhận thấy rằng hydrogen là một nguồn nhiên liệu sạch tiềm năng, bởi vì sản phẩm phụ cuối cùng thải ra của nó chỉ là nước, thay vì là cacbon như một số nhiên liệu khác. Hiện nay, hydrogen thường được làm bằng khí tự nhiên, loại nhiên liệu này ít gây ô nhiễm ít hơn dầu nhưng không hoàn toàn sạch.

Phát hiện mới của các nhà khoa học từ Đại học Cambridge có thể khắc phục điều này. Ban đầu, các nhà nghiên cứu đã tạo ra hydrogen sạch từ sinh khối. Họ đã treo sinh khối trong nước kiềm và thêm các hạt nano xúc tác. Trong phòng thí nghiệm, các thành phần này được đặt trong ánh sáng (mô phỏng theo ánh sáng mặt trời), và các hạt nano đã hoạt động. Chúng sử dụng ánh sáng để bắt đầu các phản ứng hóa học cần thiết sản xuất ra hydrogen từ lignocellulose, một phần của sinh khối thực vật. Quá trình này vừa bền vững và tương đối rẻ.

Trước đây, để biến lignocellulose thành hydrogen, các nhà khoa học phải sử dụng nhiệt độ cao trong quá trình khí hoá, nhưng các nhà khoa học Cambridge nói rằng, phương pháp của họ chỉ đơn giản sử dụng ánh sáng mặt trời.

Ông David Wakerley, trưởng nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng các kho sinh khối chứa rất nhiều năng lượng hóa học, nhưng vì nó không tinh chế, nên không thể đốt cháy sinh khối trong động cơ xe hơi. Ông nói: “Hệ thống của chúng tôi có thể tái cấu trúc để chuyển đổi sinh khối thành khí hydrogen, điều này hữu ích hơn nhiều”.

Hydrogen-University-of-Cambridge
Một mảnh giấy có thể chuyển hóa thành hydrogen nhờ áp dụng quy trình này (Ảnh: Khoa hóa học trường Đại học Cambridge)

Trong nghiên cứu này, một loạt các sinh khối chưa qua chế biến đã được sử dụng để tạo nên hydrogen, bao gồm giấy, lá cây và gỗ.

Đồng tác giả Erwin Reisner cũng nhận định: “Công nghệ ánh sáng mặt trời của chúng tôi rất thú vị vì nó cho phép sản xuất hydrogen sạch từ sinh khối chưa bị biến đổi trong điều kiện môi trường xung quanh. Chúng tôi xem đây như là một biện pháp khả thi thay thế phương pháp khí hóa nhiệt độ cao hay là các phương thức tái tạo sản xuất hydrogen khác.”

Tạp chí Nature Energy đã công bố nghiên cứu này đầu tuần vừa qua. Hiện nghiên cứu cũng đã được cấp bằng sáng chế của Vương quốc Anh. Các nhà khoa học dự định sẽ sớm giới thiệu rộng rãi quy trình này và thảo luận với một đối tác thương mại để đưa vào ứng dụng.

Theo Inhabitat
Minh Ngọc

Xem thêm: