Làn sóng tẩy chay không ngừng trên phạm vi toàn cầu đã khiến cổ phiếu của Google lao dốc liên tiếp trong 5 phiên giao dịch gần đây và ông lớn quảng cáo này đang phải đối mặt với tình huống đen tối nhất chưa từng có trong lịch sử kinh doanh của hãng.

Bị tẩy chay liên tiếp ở hàng loạt quốc gia

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Trong tuần qua, hàng loạt các tập đoàn lớn ở 2 thị trường lớn là Mỹ và Anh như JP Morgan Chase, Toyota, Ford, Volkswagen, Audi, HSBC, Royal Bank, Lloyds, McDonald’s, AvivaJohnson & Johnson, GlaxoSmithKline, Enterprise PepsiCo, Walmart, Starbucks,  2 đại gia viễn thông AT&T và Verizon, cho đến các hãng truyền thông như BBC, Channel 4 ITV, Guardian… đã chấm dứt hợp đồng quảng cáo với Google sau khi tạp chí Times phát hiện ra rằng các chương trình tự động của Google đã đặt thương hiệu của họ vào các video không lành mạnh, thậm chí đặt bên cạnh nội dung độc hại như phân biệt chủng tộc, tuyên truyền khủng bố hoặc chủ nghĩa bài Do Thái.

Các nội dung độc hại không chỉ ảnh hưởng tới thương hiệu của các doanh nghiệp tham gia quảng cáo mà có thể trở thành nguồn cung cấp tài chính cho lực lượng khủng bố và có thể làm gia tăng bất ổn trên thế giới.

Theo Google, cứ mỗi phút lại có khoảng 400 giờ video được đăng tải lên Youtube, chủ yếu là do người dùng tải lên. Thông thường, 98% nội dung bị phản hồi xấu được xử lý trong vòng 24 giờ.

Tuy nhiên mới đây, theo một báo cáo trên tạp chí Times, có tới hơn 200 video mang nội dung phân biệt người Hồi giáo và Arab xuất hiện trên các sản phẩm của Google và có 6 video đã không được gỡ bỏ trong vòng 24 giờ theo như quy định Liên minh châu Âu (EU).

Chỉ riêng tại Anh, hơn 250 tổ chức đã ngừng quảng cáo trên YouTube cũng như khoảng 2 triệu website nằm trong hệ thống của Google. Anh là thị trường lớn nhất của Google cạnh Mỹ, đem về cho Google 7,8 tỷ USD chủ yếu từ quảng cáo trong năm 2016 (tương đương 9% doanh thu toàn cầu của Google).

Chưa dừng lại ở đó, theo tìm kiếm của Bloomberg trên YouTube tại mỗi quốc gia, quảng cáo của hãng bảo hiểm AXA SA, công ty dầu hỏa Total SA, hãng xe Range Rover, nhãn hàng giầy dép Skopunkten và website Tradera xuất hiện bên cạnh clip chống Do Thái tại các nước Đức, Pháp, Nam Phi, Thụy Điển.

Tệ hơn, bài thuyết pháp của Ahmad Musa Jibril, người theo các công tố viên Mỹ là thủ phạm đánh bom khủng bố tại Ả-Rập Xê-út, có thể xem cùng quảng cáo Nissan tại Thụy Điển và nhà mạng MTN Group tại Nam Phi. Cũng tại Thụy Điển, quảng cáo của Ikea đã xuất hiện bên cạnh 1 video chống Hồi giáo.

Range Rover phát biểu với Bloomberg rằng hãng đang tạm ngừng chiến dịch quảng cáo trên YouTube ở Nam Phi để điều tra. Nissan cũng đang “khẩn cấp phối hợp với Google để rà soát” lại thông tin.

Tại Việt Nam, Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo như Vinamilk, Vietnam Airlines, Unilever, Honda, Ford…tạm dừng quảng cáo cho đến khi Google tìm ra giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng video không lành mạnh trên YouTube.

Cổ phiếu lao dốc liên tục

(Ảnh: Google)
Cổ phiếu Google giảm liên tiếp trong 5 phiên giao dịch gần đây. (Ảnh: Google)

Google hiện là doanh nghiệp có nền tảng quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới với doanh thu hàng chục tỷ USD chỉ riêng ở 2 thị trường Mỹ và Anh. Trong vài năm gần đây, giới đầu tư đặt kỳ vọng rất cao vào Google. Tuy nhiên, trước bối cảnh hàng trăm các thương hiệu hàng đầu thế giới tẩy chay Google như hiện nay, các hãng đánh giá đã hạ triển vọng của Google và không còn khuyến nghị giới  đầu tư mua cổ phiếu của hãng này nữa.

Cổ phiếu công ty mẹ của Google là Alphabet từng lập kỷ lục trong phiên 17/3. Tuy nhiên, nó đã liên tục giảm trong 5 phiên giao dịch liên tiếp gần đây, xuống đến sát ngưỡng 800 USD/cp. Có những thời điểm trong phiên cuối tuần, cổ phiếu này đã giảm tới 9%. Tổng cộng cả tuần, mức giảm lên 4%. Giá trị vốn hóa của Alphabet cũng đã giảm 24 tỷ USD trong tuần này.

Trước đó, năm 2013, Google đã có thời điểm trở thành cổ phiếu hiếm hoi có giá vượt ngưỡng 1.000 USD/cp.

Số liệu chưa được kiểm toán của Alphabet cho thấy, thu nhập từ quảng cáo chiếm tới 86% trong tổng doanh thu 26,1 tỷ USD của hãng trong quý IV năm 2016. Và việc để mất quảng cáo có thể gây tổn hại nặng nề tới hoạt động của Google. Theo Justin Post, chuyên gia phân tích tại Bank of America Merrill Lynch, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Google cũng như tương lai của quảng cáo tự động có thể cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lời hứa của Google trong bối cảnh hỗn loạn

Để giải quyết những vấn đề này, Chủ tịch EMEA của Google Matt Brittin mới đây đã phải chính thức nói lời xin lỗi các đối tác. Google cũng cam kết sẽ đưa ra một kế hoạch chi tiết nhằm giải quyết tình trạng các đoạn quảng cáo xuất hiện kèm các video có nội dung cực đoan trên YouTube.

(Ảnh: Shutterstock)
Tham vọng chiếm thị phần quảng cáo truyền hình của Youtube liệu còn khả thi? (Ảnh: Shutterstock)

Giám đốc Kinh doanh Google, Philipp Schindler cho hay: “Chúng tôi không bình luận về các video đơn lẻ, nhưng chúng tôi đã bắt đầu rà soát lại tất cả các chính sách quảng cáo và cam kết sẽ thay đổi để các thương hiệu có thể kiểm soát nhiều hơn về nơi mà các quảng cáo xuất hiện.”

Google sẽ thắt chặt các chính sách của mình về những nội dung có thể tồn tại trên nền tảng của họ. Các tùy chọn mặc định cho nhà quảng cáo sẽ được thắt chặt, để những nội dung “có khả năng gây khó chịu” bị loại bỏ. Nhà quảng cáo sẽ được cung cấp các công cụ giúp họ có thể loại trừ các trang web và kênh cụ thể khỏi chiến dịch quảng cáo của họ. Họ cũng có thể điều chỉnh tốt hơn vị trí quảng cáo mà họ muốn nó xuất hiện trên YouTube cũng như trên các dịch vụ khác của Google.

Ngoài ra, Schindler hứa hẹn sẽ thuê thêm nhiều nhân viên, các công cụ trí thông minh nhân tạo (AI) mới để tăng khả năng kiểm soát các nội dung “có vấn đề”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, các biện pháp của Google chưa đủ để trấn an các doanh nghiệp và bê bối này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng toàn cầu trong lĩnh vực quảng cáo. Thêm vào đó, cũng chưa biết đến khi nào những thay đổi của Google mới bắt đầu có hiệu lực.

Trong nhiều tháng gần đây, Google và Facebook liên tục bị chỉ trích vì cho phép chạy các quảng cáo có nội dung cực đoan và đăng thông tin giả. Hai hãng này vẫn đang dẫn đầu ngành công nghiệp quảng cáo số, chiếm hơn 60% doanh thu quảng cáo toàn cầu năm 2015.

Sự việc gần này có thể khiến Google thiệt hại hàng trăm triệu USD cũng như tham vọng sẽ “giành giật” thị phần quảng cáo từ truyền hình của Youtube tan thành mây khói.

Minh Ngọc (T/H)

Xem thêm: