Người ta khuyên rằng không nên tin vào mọi thứ mà bạn nhìn thấy trên internet, nhưng với sự ra đời của các công nghệ nhập vai như thực tế ảo (VR – Virtual Reality) và tương tác ảo (AR – Augmented Reality), lời khuyên này trở nên đúng hơn gấp bội.

(ảnh; Shutterstock)
(ảnh; Shutterstock)

Năng lực của các công nghệ nhập vai vẫn chưa được khám phá hết, nhưng chúng ta vẫn có thể hình dung chúng có thể điều khiển chúng ta như thế nào.

Có thể bạn không nghĩ rằng mình dễ bị lừa, nhưng nếu các kỹ thuật được sử dụng tinh tế đến mức bạn không nhận thức được thì sao? Sự thực là khi bạn đang ở trong thế giới thực tế ảo, bạn có thể bị thao túng mà không biết.

Không giống như các cuộc hội nghị truyền hình, nơi dữ liệu video được hiển thị chính xác như khi ghi hình, các công nghệ nhập vai chỉ gửi các thông tin được chọn lọc và không nhất thiết là các nội dung đồ họa thực tế.

Điều này vẫn thường xảy ra trong các trò chơi trực tuyến, ở đó các máy chủ game chỉ đơn giản gửi các thông tin về vị trí và các thông tin khác cho máy tính của game thủ. Sau đó, máy tính của game thủ sẽ xử lý và hiển thị toàn bộ hình ảnh game tùy thuộc vào đặc điểm của máy tính (cấu hình máy, khả năng xử lý đồ họa…)

Công nghệ thực tế ảo tương tác cũng tương tự như vây, có rất ít dữ liệu được chia sẻ giữa máy chủ và máy tính của bạn, và các cảnh ảo được tạo dựng bởi máy tính nơi bạn ngồi.

Điều này có nghĩa là những gì bạn nhìn thấy không nhất thiết giống hệt với những gì người khác đang xem. Nếu bạn tham gia vào một cuộc trò chuyện thực tế ảo (VR chat), các đặc điểm khuôn mặt, biểu thị cảm xúc, các cử động, biểu hiện của cơ thể và rất nhiều đặc điểm khác có thể được sửa đổi bởi phần mềm mà bạn hoàn toàn không biết.

Các nghiên cứu viên ở Đại học Stanford đã thực hiện các thí nghiệm tâm lý với công nghệ VR.

Những khuôn mặt tương đồng

Ở mặt tích cực, VR có thể hữu ích trong rất nhiều lĩnh vực. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy rằng giao tiếp bằng ánh mắt làm tăng sự chú ý của học sinh vào bài giảng, nhưng một giáo viên đang giảng ở một hội trường lớn không thể giao tiếp bằng mắt với mọi học sinh.

Nhưng với công nghệ VR, phần mềm có thể được lập trình sao cho giáo viên (ảo) có thể giao tiếp bằng mắt với tất cả các học sinh cùng lúc. Như vậy, một điều bất khả thi trong thực tế trở đã thành khả thi trong thế giới ảo.

Nhưng sẽ luôn có người lạm dụng các công cụ cho các mục đích bất chính. Ví dụ, thay vì giáo viên, người ta sử dụng công nghệ này cho các chính trị gia hoặc các nhà vận động hành lang, đề cập đến các vấn đề quan trọng và gây nhiều tranh cãi. Điều gì sẽ xảy ra nếu các giao tiếp bằng mắt đã khiến bạn trở nên bị thuyết phục nhiều hơn? Và ví dụ này mới chỉ là khởi đầu mà thôi.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng biểu hiện của chúng ta và của người khác ở thế giới ảo có thể ảnh hưởng đến chúng ta ở thế giới thực.

Công nghệ này cũng có thể được kết hợp với các kỹ thuật khác giúp tăng sự ảnh hưởng. Bắt chước là một ví dụ. Nếu một người bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người khác trong cuộc trò chuyện, người bị bắt chước sẽ dễ bị ảnh hưởng hơn.

Với công nghệ VR, việc theo dõi chuyển động của mỗi cá nhân là rất dễ dàng, do đó một diễn giả có thể bắt chước bất kỳ ai trong các khán giả nhằm gây ảnh hưởng mà người xem không nhận ra.

Tinh vi hơn, tất cả đặc điểm khuôn mặt một người có thể dễ dàng bị ghi lại bởi phần mềm và thể hiện lại dưới dạng hiện thân ảo (avatar). Một số nghiên cứu từ Đại học Stanford đã chỉ ra rằng nếu khuôn mặt của một nhân vật chính trị có thể thay đổi dù là một chút để cho giống với mỗi cử tri đến bỏ phiếu, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả bỏ phiếu.

Thí nghiệm đã chụp ảnh người tham gia nghiên cứu và ứng cử viên tranh cử thực sự trong một chiến dịch tranh cử giả lập. Các bức ảnh của mỗi ứng cử viên đã được điều chỉnh cho giống với mỗi cử tri đến lượt bỏ phiếu.

Nghiên cứu viên đến từ Stanford – Jeremy Bailenson giải thích cách người ta có thể thao túng chính trị dễ dàng qua các thí nghiệm về công nghệ VR.

Họ phát hiện ra rằng nếu 40% các đặc điểm khuôn mặt của cử tri tham gia bỏ phiếu được tích hợp vào khuôn mặt của các ứng cử viên tranh cử, cử tri hoàn toàn không biết rằng bức ảnh đã được chế tác. Tuy nhiên, bức ảnh được chỉnh sửa chỉ ảnh hưởng đáng kể đến các cử tri nghiêng về về ứng cử viên đã được chỉnh sửa ảnh.

Những điều xảy ra trong thế giới ảo thực sự ảnh hưởng đến thế giới thực. Vì vậy, chúng ta phải thực sự cần lưu tâm khi bước vào lĩnh vực mới này, rằng những gì chúng ta thấy không phải lúc nào cũng là chân thực.

David Evans Bailey, Tiến sĩ nghiên cứu thực tế ảo, Đại học Công nghệ Auckland. Bài viết này đã được công bố trên The Conversation.
Thiện Tâm biên dịch