Việt Nam đang – và sẽ bỏ lỡ thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” – cơ hội “có một không hai” trong lịch sử để tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội.

Kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 chỉ ra rằng Việt Nam đã bước vào thời kỳ mà các nhà nhân khẩu học và kinh tế gọi là thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”.

Trong thời kỳ này, ít nhất hai người hoạt động kinh tế sẽ hỗ trợ cho một người không hoạt động kinh tế. Đây được cho là cơ hội duy nhất, “có một không hai” trong quá trình quá độ nhân khẩu học của một quốc gia và ở Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 30 năm.

thap dan so
Tháp dân số Việt Nam các năm 1979, 1989, 1999 và 2009. (Nguồn: portal.thongke.gov.vn)

Tuy nhiên, các con số của Tổng cục Dân số và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước khác, chỉ vào khoảng 17 năm (tới khoảng năm 2025) do Việt Nam có thời kỳ “dân số vàng” và già hoá dân số diễn ra cùng một lúc. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cao tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên. Khi tỷ lệ người cao tuổi chiếm 7% tổng dân số thì dân số được coi là “bắt đầu già” và khi tỷ lệ này đạt 14% thì dân số được coi là “già”. Theo định nghĩa này, từ năm 2011, dân số Việt Nam đã bắt đầu già khi tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 7% tổng dân số. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và năm 2050 là 23%.

Điều đáng nói là hiện nay chỉ có khoảng 10% số người cao tuổi có tiền tích luỹ và 70% không có lương hưu.

Theo World Bank:“Tốc độ già hoá tại Việt Nam hiện nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới, nhưng nó lại diễn ra trong bối cảnh mức thu nhập thấp hơn nhiều các nước cũng già hoá khác.”

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh từ thập niên 90, nhưng thu nhập bình quân của người Việt năm 2017 ở mức gần 2.400 USD/năm (mức thu nhập trung bình thấp). Điều này dẫn tới gánh nặng “chưa giàu đã già”, trong khi nợ công tiếp tục tăng và đầy nguy hiểm, Việt Nam còn chịu mối lo gánh nhiều nợ nần.

Tất cả những điều này đặt ra hàng loạt thách thức cho Việt Nam trong việc tận dụng khai thác nguồn lực dân số, lao động cho phát triển kinh tế – xã hội.

Phần lớn các quốc gia đều tận dụng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” để phát triển đất nước nhằm ứng phó với tình trạng dân số già sau đó.

Tận dụng “cơ cấu dân số vàng” là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên chiến lược của chính phủ các quốc gia trong việc tăng trưởng và phát triển kinh tế gắn với dân số, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” sẽ không tất yếu mang lại các tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển con người. Theo kinh nghiệm thế giới, cơ hội dân số chỉ tạo ra điều kiện, còn môi trường chính sách mới là yếu tố quyết định, cho phép tận dụng được cơ hội “dân số vàng” mang lại.

Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” được tận dụng khai thác như thế nào đòi hỏi sự vận hành của thể chế, sự điều hành của nền kinh tế vĩ mô, các chính sách đầu tư, đặc biệt là chính sách về giáo dục – đào tạo; chính sách lao động, việc làm; chính sách y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách về an sinh xã hội để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp sau.

Tuy nhiên, tính từ nhiều năm trước năm 2009 cho đến hiện tại, các điều kiện và môi trường chính sách tại Việt Nam không cho thấy việc tận dụng cơ hội “có một không hai” này trong lịch sử nhân khẩu học của đất nước với rất nhiều những hạn chế về thể chế, điều hành nền kinh tế – tài chính quốc gia; tình trạng tham nhũng; thất bại trong cải cách giáo dục, giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao…; các vấn đề về y tế và môi trường…

Nhìn về tương lai, vào tháng 3/2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF) công bố báo cáo về Mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai (Readiness for the Future of Production Report 2018).

Theo báo cáo của WEF, 100 quốc gia được đánh giá và phân loại theo 4 nhóm:

  • Nhóm Leading (lãnh đạo): có nền tảng sản xuất mạnh và có sự chuẩn bị tốt cho sản xuất trong tương lai;
  • Nhóm Legacy (kế thừa): có nền tảng sản xuất mạnh nhưng có một số hạn chế cho sản xuất trong tương lai;
  • Nhóm High Potential (tiềm năng cao): có nền tảng sản xuất hiện tại bị giới hạn nhưng có những tiềm năng để gia tăng sản xuất trong tương lai, phụ thuộc vào các ưu tiên trong nền kinh tế quốc gia;
  • Nhóm Nascent (mới chớm): có nền tảng sản xuất hiện tại nhỏ và mức độ sẵn sàng cho sản xuất trong tương lai thấp do những yếu kém và hạn chế ở các chỉ số về năng lực chủ động cho sản xuất.

Mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của mỗi quốc gia được WEF đánh giá theo 2 nhóm chỉ số:

  • Cấu trúc sản xuất (gồm chỉ số về mức độ phức tạp của nền kinh tế và quy mô sản xuất);
  • Năng lực chủ động trong sản xuất (bao gồm các chỉ số về công nghệ – sáng tạo, nhân lực, thương mại – đầu tư toàn cầu, thể chế, các tài nguyên bền vững và môi trường tiêu dùng).

Việt Nam nằm trong nhóm 4 (nhóm mới chớm) tức mức độ sẵn sàng cho sản xuất trong tương lai là thấp nhất (chưa sẵn sàng), cùng nhóm với Campuchia, Indonesia, Pakistan, Mông Cổ, Sri Lanka, Bangladesh, Ethiopia… Điểm trung bình của Việt Nam cho chỉ số cấu trúc sản xuất là 4,96 điểm (xếp thứ 48/100)năng lực chủ động trong sản xuất được 4,93 điểm (xếp thứ 53/100).

Trong khi đó, xếp hạng của một số quốc gia khác cùng trong khu vực Đông Nam Á/ Châu Á là:

  • Nhóm 1 (lãnh đạo): Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia;
  • Nhóm 2 (kế thừa): Thái Lan, Philippines, Ấn Độ;
  • Nhóm 3 (tiềm năng cao): Hồng Kông;
  • Các quốc gia khác như: Lào, Myanmar, Bruni, Đông Timor không có trong bảng đánh giá.

Theo đánh giá của WEF, Việt Nam có thứ hạng rất thấp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ – sáng tạo, đào tạo – chất lượng nguồn nhân lực, môi trường, thuế.

Cụ thể, về công nghệ – sáng tạo, Việt Nam chỉ được 3,1 điểm (xếp thứ 90/100), với các chỉ số:

  • Phủ sóng mạng LTE: xếp thứ 96/100;
  • Bảo mật an ninh mạng: xếp thứ 90;
  • Số người dùng Internet trên dân số: xếp thứ 76;
  • Hấp thụ công nghệ: xếp thứ 78;
  • Chuyển giao công nghệ và FDI: 73;
  • Tác động của CNTT, viễn thông đến sản phẩm, dịch vụ mới: 70;
  • Chi phí cho R&D (%GDP): xếp thứ 84;
  • Ấn phẩm Khoa học Công nghệ: 74;
  • Hợp tác đa phương: 72;
  • Có 128 điện thoại di động trên 100 dân: xếp thứ 39.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam chỉ được 4,5 điểm (xếp thứ 70), với một số chỉ số:

  • Lao động có chuyên môn cao: xếp thứ 81;
  • Chất lượng đào tạo nghề: xếp thứ 80;
  • Chất lượng các trường đại học: 75;
  • Chất lượng kỹ sư và nhà khoa học: 70.

Mặc dù chỉ số chung về Thương mại và đầu tư toàn cầu của Việt Nam được 7,0 điểm (xếp thứ 13/100) nhưng hàng rào phi thuế quan của Việt Nam quá phức tạp nên được 3,9 điểm (xếp thứ 87);

  • Thuế thương mại: xếp thứ 76;
  • Logistics: 57;
  • Thu hút FDI: 27;
  • Cơ sở hạ tầng: 51.

Tình trạng tham nhũng: 78/100.

Về các tài nguyên bền vững, Việt Nam chỉ được thứ hạng 87, trong đó có những chỉ số về môi trường rất thấp:

  • Nồng độ khí CO2: xếp thứ 90/100;
  • Xử lý nước thải: xếp thứ 89;
  • Nồng độ khí CH4: 82;
  • Nồng độ khí N2O: 79;
  • Xử lý nước thải: 89.

Các đánh giá này của WEF phần nào vừa phản ánh các kết quả mà Việt Nam đã thực thi trong suốt thời gian qua về môi trường chính sách trong kinh tế, kinh doanh, công nghệ – sáng tạo, giáo dục – đào tạo, nguồn nhân lực, môi trường… vừa cho thấy bước chuẩn bị cho sản xuất trong tương lai. Các hạn chế này, trong một thời gian ngắn (những năm còn lại của thời kỳ “dân số vàng”), là khó có thể cùng được cải thiện rõ ràng.

Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hoá nhanh, năng suất lao động thấp, nợ công tăng gấp 3 lần mức độ tăng trưởng (62,4% GDP năm 2016) dẫn đến tình trạng “chưa giàu đã già, lại nợ nần nhiều”.

Tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt, các nguồn nhân lực bị cạn kiệt bởi dân số già hoá.

Việt Nam đang – và sẽ bỏ lỡ thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” hiếm có. Điều này sẽ để lại vô số tiếc nuối và thách thức rất lớn trong lịch sử phát triển kinh tế – xã hội của dân tộc.