Bộ Công thương vừa được yêu cầu không đưa thêm nhiệt điện than vào tỉnh Bình Thuận vì lý do môi trường.

nhiet dien than, nhà máy nhiệt điện than
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 – EVN. (Ảnh: FB Tiến Phạm)

Thông tin trên do Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư” diễn ra tại Bình Thuận vào ngày 18/4. 

Tôi đề nghị anh Trần Tuấn Anh không đưa nhiệt điện than vào Bình Thuận nữa, vì ở đây có điều kiện phát triển năng lượng tái tạo“, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công thương khi nói về Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.

Điểm lại hiện trạng phát triển công nghiệp nhiệt điện than tại tỉnh ven biển này cho thấy có nhiều vấn đề đáng chú ý về môi trường, dù có tới 4 trong tổng 5 nhà máy chưa chính thức đi vào hoạt động.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 5 nhà máy nhiệt điện than (đã đi vào khai thác và đang xây dựng) thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đóng tại địa chỉ xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong), tổng công suất gần 5.700 MW. Đây là trung tâm điện than lớn nhất cả nước, cung cấp điện cho khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trong đó:

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1: Khởi công xây dựng vào tháng 7/2015, có tổng vốn đầu tư 1,75 tỷ USD, công suất 1.200 MW với 2 tổ máy được đầu tư theo hình thức BOT: Tổ máy 1 sẽ vận hành vào cuối năm 2018, tổ máy 2 vận hành giữa năm 2019.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2: do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) thi công, được khởi công xây dựng tháng 8/2010, công suất 1.244 MW, gồm 2 tổ máy: Tổ máy số 1 chính thức vận hành thương mại từ ngày 31/1/2015, tổ máy số 2 bắt đầu vận hành từ ngày 21/3/2015.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3: được Chính phủ đồng ý giao cho Công ty Cổ phần năng lương Vĩnh Tân 3 (VTEC) phát triển dự án theo hình thức BOT theo công văn số 289/VPCP-KTN ngày 14/1/2010, gồm 3 tổ máy với công suất: 1.980 MW; sản lượng điện trung bình hàng năm 12 tỷ kWh. Dự kiến, năm 2018 tổ máy đầu tiên sẽ hòa lưới điện quốc gia.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4: do Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào tháng 3/2014, tổng vốn đầu tư trên 36.000 tỷ đồng, công suất 1.200 MW, sản lượng điện khoảng 7,2 tỷ kWh/năm; gồm 2 tổ máy, tổ máy 1 vận hành vào tháng 12/2017, tổ máy 2 vận hành vào đầu năm 2018, được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 1208 QĐ-TTg ngày 21/7/2011.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng: do tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) làm đơn vị quản lý dự án; công suất 600 MW, cung cấp 3,6 tỷ kWh điện mỗi năm. Nhà máy sẽ được đưa vào vận hành từ cuối năm 2019.

Như vậy, chỉ có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong 5 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đã được đi vào khai thác (từ năm 2015). Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, nhà máy này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân xung quanh khu vực nhà máy.

Cụ thể, năm 2015, Tổng cục Môi trường đã xử phạt nhà máy này 1,4 tỷ đồng vì gây ô nhiễm môi trường; lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận cũng đã 3 lần kiểm tra và xử phạt nhà máy này. Theo thống kê của Bộ Công thương, mỗi ngày, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải ra khoảng 4.000 tấn tro bay và xỉ than. Bộ này cũng cho hay tính đến năm 2018, người dân có thể phải chịu 7 triệu tấn tro bay và xỉ than mỗi năm từ 4 nhà máy có tổng công suất lên đến 5.600MW.

Tro bay và xỉ than được cho là rất độc hại đối với sức khỏe con người vì chất thải này chứa nhiều hóa chất và kim loại nặng như chì, thạch tín, thủy ngân, và cả chất phóng xạ uranium; ngoài việc gây tốn hàng nghìn ha đất để chứa và chôn lấp thì tro bay và xỉ than còn là nguồn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt nghiêm trọng cho đất, nước và không khí.

Nguyên nhân gây ô nhiễm tại nhà máy này được cho là nhà máy chưa áp dụng các biện pháp chống ô nhiễm môi trường và do tình hình thời tiết khắc nghiệt.

Thực tế, ngày 14 và 15/4/2015, do quá bức xúc vì tình trạng ô nhiễm bụi xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, người dân huyện Tuy Phong đã tập trung chặn các phương tiện đang lưu thông trên Quốc lộ 1 gây nên tình trạng ùn tắc giao thông nhằm yêu cầu nhà máy phải dừng việc gây ô nhiễm đã kéo dài trong nhiều tháng.

Sau đó, nhà máy đưa ra những biện pháp khắc phục như tưới nước giữ ẩm, tiến hành thu gom xỉ tại bãi, phủ đất chân bạt, may giáp mí diện tích xỉ đã đổ, lắp đặt đường ống tưới nước từ nhà máy về bãi xỉ dài 3,8 km, đấu nối đường ống nước Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 ra xung quanh bãi xỉ… Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra.

Tới tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã đưa cụm Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng vào danh sách 30 dự án được xếp vào diện cần “giám sát đặc biệt” về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, lượng tro, xỉ than, thạch cao được xử lý và tiêu thụ của cả nước mới chỉ đạt 5 triệu tấn (chiếm khoảng 30% tổng khối lượng tro xỉ, thạch cao thải ra của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất hàng năm). Riêng lượng tro xỉ tích lũy từ các nhà máy nhiệt điện than trong năm 2016 khoảng 23 triệu tấn, dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên khoảng 109 triệu tấn. Điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo một báo cáo của nhóm nghiên cứu tại trường ĐH Harvard và tổ chức GreenPeace, tại khu vực Đông Nam Á, số lượng người tử vong mỗi năm tính đến 2030 do nhiệt điện than sẽ vào khoảng 55.000 người, trong đó, Indonexia là quốc gia có số lượng người tử vong sớm do ô nhiễm từ khí thải nhiệt điện than nhiều nhất, tiếp đến là Việt Nam, (nếu tính cả 10% dân số tăng lên thì tới năm 2030, riêng Indonesia và Việt Nam sẽ có 43.000 người tử vong mỗi năm do hoạt động từ các nhà máy nhiệt điện than).

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), năm 2010, trên toàn thế giới có 3,2 triệu người chết liên quan đến nhiệt điện than, trong đó, Việt Nam có 31.000 người, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 8.000 người.

Trần Tâm (T/h)

Xem thêm: