Kể từ nửa cuối năm 2016 đến nay, việc tỉnh nhận xe ô tô hạng sang do doanh nghiệp tặng lần lượt được đưa ra trên mặt báo. Điều này tạo nên một luồng dư luận góp phần làm thay đổi vấn đề. Nhưng câu chuyện về “tảng băng” quà biếu thì có lẽ vẫn còn dài.

doanh nghiệp tặng xe
Những chiếc xe có giá vài tỷ đồng trở thành quà biếu của doanh nghiệp với chính quyền. (Ảnh minh họa/doisongphapluat.com)

Ngày 4/3/2017, Thành ủy Đà Nẵng chuyển trả chiếc Toyota Avalon Limited BKS 43A-299.99 trị giá 2,5 tỷ đồng do doanh nghiệp tặng. Chiếc xe được cho là vi phạm tiêu chuẩn Bí thư thành phố trực thuộc Trung ương – chức danh chỉ được sử dụng xe dưới 1,1 tỷ đồng.

Ngày 3/3/2017, Cà Mau trả lại 2 xe Lexus GX460, trị giá hơn 3,1 tỷ đồng mỗi chiếc do Công ty Công Lý tặng Tỉnh ủy Cà Mau và UBND tỉnh Cà Mau. Dù lý do đưa ra là tặng xe để phục vụ công tác kiểm tra hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn… nhưng sau đó, Cà Mau thừa nhận đã ứng 25 tỷ đồng từ tiền ngân sách vượt quy định cho doanh nghiệp tặng tỉnh xe sang.

Nghệ An đã làm báo cáo, chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và cơ quan chức năng về việc trả hay không trả xe sang cho doanh nghiệp. Hai chiếc xe Toyota Land Cruiser 4.7 VX mới 100% trị giá 2,7 tỷ đồng mỗi chiếc do Cienco 4 tặng UBND tỉnh ngày 18/3/2015 và do Công ty Tuấn Lộc tặng Tỉnh ủy ngày 26/3/2014. Cả hai doanh nghiệp đều là chủ đầu tư những dự án lớn trên địa bàn tỉnh, trong khi quy chế nêu rõ việc nghiêm cấm các cơ quan, cán bộ, công chức, nhận quà tặng trong những trường hợp có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết, quản lý.

Lùi về năm 2016 thì đã có tiền lệ “không đòi quà” khi tỉnh Ninh Bình từ chối nhận 3 xe ôtô có tổng trị giá 6,6 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hoa Lư (huyện Nho Quan, Ninh Bình) mua mới 100% và tặng theo hợp đồng biếu tặng trong tháng 3/2016. Tại thời điểm có hợp đồng biếu tặng, công ty mới đi vào hoạt động được hơn một tháng.

“Tảng băng trôi” quà biếu đang được làm cho tan dần, dù bảy phần chìm vẫn khuất đâu đó sau những tiêu chí về minh bạch tài sản công. Bao nhiêu tỉnh đã nhận xe của doanh nghiệp? Bao nhiêu tỉnh sẽ tự giác trả hay không nhận dù không có chỉ đạo của Thủ tướng “từ nay, các địa phương không được nhận ô tô doanh nghiệp tặng“? Trừ trường hợp của tỉnh Ninh Bình, những chiếc xe sang khi được phát hiện đều đã được đưa vào sử dụng một vài năm.

Trong hầu hết các báo cáo, các tỉnh đều cho hay xe tặng được dùng vào “mục đích chung”: Cà Mau là đi kiểm tra hạn hán, biến đổi khí hậu; Nghệ An để đi công tác miền núi và nước Lào; 8 xe ô tô đắt tiền doanh nghiệp tặng Đà Nẵng hơn 10 năm trước cũng “vì mục đích chung”… Dẫu vậy thì giá trị của những chiếc xe vẫn đặt dấu hỏi lớn về “thành ý” của doanh nghiệp. Nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: “Doanh nghiệp người ta bỏ ra vài tỷ đến vài chục tỷ để mua xe tặng tỉnh, thành phố thì người ta thu lại được cái gì, ít ra thì cũng được mối quan hệ…”.

Những chiếc xe, dù tiền tỷ, vẫn được xác nhận sở hữu Nhà nước (cấp biển xanh) và đưa vào sử dụng. Chỉ những chiếc xe được đưa lên mặt báo, sau cuộc tranh biện với nhiều ý kiến mà chê nhiều hơn khen, mới được hoàn trả. Tự giác về tài sản, khó lắm thay, nhất là khi tư tưởng cho – nợ “của biếu là của lo, của cho là của nợ” nay đã bị thay thế bằng quan hệ nhận – cho: “bánh ít trao đi, bánh chì trao lại“.

Quan chức vẫn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xe có khi phải trả, cũng có khi chẳng phải trả. Nhưng chẳng lẽ chỉ cần đưa ra các hóa đơn trong đó ghi “xe cho, biếu, tặng không thu tiền”, thì hành vi tặng quà đã được coi như minh bạch? Mà dù có làm sai thì cùng lắm dừng việc sai đang làm lại là xong, như Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa Nguyễn Xuân Phi trong vụ đi xe biển xanh như xe nhà, thậm chí để quá hạn đăng kiểm tới 4 tháng?

Quy định về việc cấm quan chức, cơ quan nhà nước nhận quà biếu như một trong những nỗ lực cụ thể hóa hành vi tham nhũng, hối lộ để ngăn chặn. Những cuộc trả xe, từ chối xe tại Đà Nẵng, Cà Mau, Ninh Bình làm nên hy vọng pháp luật được thực thi. Nhưng luật pháp cần có sức mạnh cảnh báo, rằng bất kể việc tặng quà đó được biện luận là vì gì đi nữa, thì chỉ cần giá trị vượt quy định thì đều bị xử lý như nhau. Cũng không chỉ dừng lại ở việc công bố trả xe, mà còn cần có những kết quả kiểm toán chứng minh có “ưu ái” hay là không.

Nếu sức mạnh của luật pháp được đảm bảo từ khâu xác nhận quyền sở hữu (đối với các cơ quan trung ương là quyết định của Thủ trưởng cấp Bộ, đối với địa phương là quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh), không có chiếc xe biếu, tặng tiền tỷ nào có thể trở thành “quà” của doanh nghiệp với cơ quan công quyền, rồi lại được mang biển xanh hay thậm chí biển 80 (biển trung ương) để biểu thị quyền uy.

Nếu xin-cho vẫn tồn tại như một cơ chế, câu chuyện “làm được 1 đồng lợi nhuận, mất ít nhất 0,72 đồng bôi trơn” vẫn tồn tại, thì những món quà biếu hàng trăm triệu hay nhiều tỷ đồng vẫn đều đặn đến gõ cửa các cơ quan. Việc tự giác hoàn trả là việc tốt, nhưng trả là vì tự giác, hay do bị phát hiện và muốn dọn đường dư luận? Rồi khi tình hình tạm qua đi, những món quà biếu “vì mục đích chung” có còn làm dầy thêm phần chìm của tảng băng nữa hay không?

Lê Trai

Xem thêm: