Tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên xảy ra ở rất nhiều tỉnh thành và ở tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông đã diễn ra từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thấy ngành giáo dục có những biến chuyển đáng kể.

thieu giao vien
(Ảnh minh họa: qua baodatviet.vn)

Tại Hội nghị Sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 của khối Sở GD-ĐT diễn ra tại Hà Nội vào ngày 14/1 vừa qua, việc thừa – thiếu giáo viên trong các cấp học tiếp tục là một trong những vấn đề nóng được đưa ra thảo luận.

Nhiều tỉnh thành vừa thừa vừa thiếu hàng ngàn giáo viên

Theo thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục (Bộ GD-ĐT), tổng số giáo viên mầm non, phổ thông trên toàn quốc có khoảng 1,2 triệu người, trong đó hệ công lập có 769.070 giáo viên. Tuy nhiên, một nghịch lý được đặt ra khi cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên các trường công lập nhưng đồng thời cũng lại thiếu tới hơn 45.000 giáo viên.

Cụ thể, tổng số giáo viên công lập dôi dư là 26.750 người; trong đó, cấp tiểu học dư 3.194 giáo viên, THCS: 21.005 và THPT dư 2.551 giáo viên. Trong tổng số 45.058 giáo viên còn thiếu ở các cấp học, bậc mầm non thiếu 32.641 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 7.824, cấp THCS thiếu 2.799 và cấp THPT thiếu 1.794 giáo viên.

Ở cấp THCS, một số tỉnh thừa nhiều giáo viên như: Thái Bình thừa 1.224 giáo viên, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: thừa 1.096 giáo viên.

Ở cấp tiểu học, một số tỉnh thiếu nhiều giáo viên là: TP. Hà Nội thiếu 2.696 giáo viên, Sơn La: 1.133 giáo viên, Gia Lai thiếu 1.196 giáo viên,…

Ở bậc mầm non, các tỉnh thiếu nhiều giáo viên là: Sơn La: thiếu 1.040 giáo viên, Bắc Giang: 1.921 giáo viên, Thái Bình: 1.500 giáo viên, Thanh Hóa: 1.405 giáo viên, Nghệ An: 3.328 giáo viên, TP.HCM thiếu 1.195 giáo viên.

Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nguyên nhân của việc dôi dư nhiều giáo viên là do thiếu dự báo, thiếu quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên trong cả nước và từng địa phương; một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; ngoài ra, một số địa phương quy hoạch lại mạng lưới trường lớp (sáp nhập các trường, lớp) dẫn đến dôi dư giáo viên, người quản lý, nhân viên,…

Điều chuyển giáo viên thừa từ bậc THCS và THPT xuống mầm non là giải pháp tình thế

Trước tình trạng thừa – thiếu giáo viên, một số địa phương đã điều chuyển giáo viên THCS, THPT xuống dạy cấp tiểu học và mầm non trong khi chưa đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học khiến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng.

Tại Hội nghị, trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết việc điều chuyển giáo viên thừa – thiếu giữa các bậc học, đặc biệt là từ bậc THCS và THPT xuống mầm non là giải pháp tình thế . Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng việc điều chuyển này vẫn phải tôn trọng chất lượng giáo dục. Theo Bộ trưởng, việc tiến hành vội vã có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sau, như việc có thể có thêm nhiều trường hợp giáo viên bạo hành trẻ.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát số lượng giáo viên THCS, THPT dư dôi của địa phương đang được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học nhưng chưa được đào tạo đạt chuẩn để đào tạo lại số giáo viên này.

Hiện cả nước có 108 cơ sở đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, gồm 9 trường đại học sư phạm, một trường đại học giáo dục, 31 khoa – ngành sư phạm trong các trường đại học đa ngành, 35 trường cao đẳng sư phạm, 19 khoa – ngành sư phạm trong các trường cao đẳng đa ngành, 3 trường trung cấp sư phạm và 10 trường trung cấp chuyên nghiệp.

Theo Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành giáo dục sẽ đào tạo bổ sung 130.000 giáo viên thay thế số giáo viên nghỉ hưu và đào tạo bổ sung 60.000 giáo viên tăng thêm.

Khởi Nguyên

Xem thêm: