Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, khiển trách đối với 6 cán bộ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng Cục thủy sản) – liên quan đến vụ 18 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định bị hư hỏng, rỉ sét sau một thời gian ngắn ra khơi.

tau vo thep binh dinh hu hong
Tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ nhiều tháng trời tại cảng Đề Gi (huyện Phù Cát). (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)

Bộ NN&PTNT đã có báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến vụ 18 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng, gặp sự cố.

Theo báo cáo, 6 cán bộ từ Giám đốc đến các đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT) bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, khiển trách. Cụ thể:

  • Cảnh cáo ông Đào Hồng Đức – Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá;
  • Khiển trách ông Vũ Thái Hệ – Phó Giám đốc Trung tâm Đăng Kiểm tàu cá;
  • Cảnh cáo ông Nguyễn Vũ Hà – Trưởng phòng Đăng kiểm tàu cá, Đăng Kiểm viên hạng I;
  • Cảnh cáo ông Vũ Đình Thắng – Chánh Văn phòng Trung tâm, Tổ trưởng Tổ Đăng kiểm tàu cá số 2 tại nhà máy đóng tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, Đăng Kiểm viên hạng II;
  • Cảnh cáo ông Nguyễn Quang Hòa – Phó trưởng Phòng Kiểm định, Tổ trưởng Tổ Đăng kiểm tàu cá số 3 tại nhà máy đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Đăng Kiểm viên hạng II;
  • Khiển trách ông Trần Thế Anh – Viên chức Văn phòng Trung tâm Đăng kiểm tàu cá.

Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ sau hơn 3 năm thực hiện nghị định số 67, tính đến ngày 30/9/2017, cả nước đóng mới được 761 tàu, trong đó có 301 tàu cá vỏ thép (chiếm 39,55%) và đi vào hoạt động sản xuất.

Tại tỉnh Bình Định, sau khi đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn, đã có 18 tàu cá bị hư hỏng, trong đó có 6 tàu rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin tàu. Trong đó:

  • Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng 1 tàu;
  • Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng 5 tàu;
  • 11 máy chính tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng hiệu Mitsubishi MPTA không đồng bộ và 1 tàu lắp máy thủy Dosan của Hàn Quốc bị gãy trục cơ.

Nguyên nhân dẫn đến hư hỏng tàu là do Công ty TNHH MTV Nam Triệu mua máy bộ cải hoán để lắp xuống tàu mà không đúng theo hợp đồng ký với chủ tàu là mua máy thủy.

Về rỉ sét phần vỏ tàu, nguyên nhân là do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không tuân thủ quy trình sơn, kỹ thuật sơn, kỹ thuật làm sạch bề mặt và sử dụng sơn không đảm bảo chất lượng. Trong quá trình giám sát thi công, cán bộ đăng kiểm chưa tuân thủ các quy trình, quy phạm theo quy định về đăng kiểm.

Bên cạnh đó, do trình độ năng lực kỹ thuật của cán bộ đăng kiểm còn hạn chế, chưa phát hiện được việc lắp máy bộ cải hoán xuống tàu. Việc làm giả giấy chứng nhận nguồn gốc máy (CO) khá tinh vi, cán bộ đăng kiểm không phát hiện được.

Trước hư hỏng trên, Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải chịu toàn bộ chi phí trong việc thay mới máy thủy và sơn lại 11 tàu cá theo đúng hợp đồng đã ký với ngư dân; thay mới trục cơ, sửa chữa các hư hỏng máy Dosan, sửa chữa, bảo dưỡng sơn lại 1 tàu và chi trả kinh phí cho chủ tàu những ngày tàu nằm bờ.

Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cũng phải chịu toàn bộ chi phí trong việc sửa chữa, sơn lại 5 tàu cho ngư dân và chi trả kinh phí cho chủ tàu những ngày tàu nằm bờ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện 13 tàu cá do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, có 11 tàu phải thay máy mới và 2 tàu phải sửa chữa. Hiện 7 tàu đã hoàn thiện, nghiệm thu bàn giao cho ngư dân đi khai thác, còn 6 tàu tiếp tục sửa chữa, lắp máy mới, dự kiến khoảng đầu tháng 11 sẽ hạ thủy đi đánh bắt.

5 tàu cá do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị hư hỏng, chủ yếu là gỉ sét, dùng thép Trung Quốc, hiện 1 tàu đã được sửa xong và vươn khơi, 4 tàu còn lại đang sửa tại Công ty đóng tàu Tam Quan (Bình Định). Các tàu nói trên đã sơn xong phần vỏ tàu (lớp thứ 2), tất cả tàu đều dùng sơn Sigma (của Mỹ), dự kiến cuối hết tháng 10 này đi vào hoạt động.

Theo đại diện Tổng cục Thủy sản, theo quy trình mới, tàu phải được sơn 5 lớp. Do thời gian tại khu vực Bình Định có mưa nhiều, nên ảnh hưởng tiến độ khâu bắn cát, phun sơn theo quy trình. Quá trình thực hiện được Tổ đăng kiểm của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và tổ giám sát của Bình Định theo dõi chặt chẽ, để đảm bảo đúng quy trình, quy phạm.

Trước đó vào tháng 4/2017, nhiều ngư dân ở Bình Định phản ánh việc tàu vỏ thép đóng theo chương trình của Nghị định 67 bị gỉ sét, hư hỏng và một số kết cấu, thiết bị không được thực hiện đúng theo hợp đồng.

Đến ngày 31/5, 18 chủ tàu có tàu thép bị hư hỏng đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng phản ánh tình trạng trên.

Ngày 2/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67.

Văn Duy

Xem thêm: