Nhằm hạn chế và xoá bỏ dần tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường trên các đoàn tàu khách, ngành đường sắt đã đầu tư hơn 168 tỷ đồng cho dự án thiết bị vệ sinh trên 821 toa xe tàu Thống Nhất. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều buồng vệ sinh bốc mùi hôi, được cho là vì không sử dụng đúng cách cũng như chưa tuân thủ quy trình bảo dưỡng thiết bị. 

Tình trạng thiết bị vệ sinh trên 821 toa xe tàu Thống Nhất lộ thiên gây phản cảm, bốc mùi hôi ngược trở lại nhà vệ sinh và toa tàu, một số phải đóng lại, không thể sử dụng đang tập trung sự chú ý của dư luận trong vài ngày qua.

Dự án có tổng trị giá hơn 188 tỷ đồng, với 821 thiết bị vệ sinh do hai hãng Chodai (Nhật Bản) và Petech (Việt Nam) cung cấp có đơn giá hơn 168 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm, gần 200 nhà vệ sinh phải đóng lại hoặc hạn chế sử dụng do thiết bị vệ sinh bốc mùi hôi thối, phản cảm.

Trả lời về việc này, Cục Đường sắt Việt Nam cho hay qua kiểm tra thực tế trên tàu cũng như phản ánh của nhân viên phục vụ trên tàu và hành khách đi tàu thì 1 trong 3 chủng loại thiết bị vệ sinh tự hoại đang được lắp đặt, sử dụng trên tàu là thiết bị của hãng Chodai (Nhật Bản) đang bộc lộ nhiều nhược điểm.

Cụ thể, thiết bị vệ sinh do Chodai cung cấp sử dụng công nghệ tự hoại, dùng giá thể (mùn cưa, vỏ trấu, một số chủng loại vi sinh) để xử lý chất thải phải được giữ khô trong quá trình sử dụng. Giá thể và bộ trộn của hệ thống để lộ thiên gây phản cảm với hành khách; theo yêu cầu công nghệ giá thể phải được giữ khô trong quá trình sử dụng nên không phù hợp với thói quen và điều kiện thực tế ở Việt Nam; lượng nước dư thừa làm cho giá thể nhanh bị hư hỏng, giảm hiệu quả xử lý.

Ngoài ra, nhiệt lượng cao để duy trì hoạt động của giá thể làm bốc mùi hôi ngược trở lại nhà vệ sinh và toa tàu; kích thước thiết bị lớn trong khi diện tích buồng vệ sinh trên toa xe quá chật hẹp nên rất khó sử dụng.

Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các buồng vệ sinh có lắp thiết bị vệ sinh của Chodai đều phải đóng lại hoặc hạn chế sử dụng.

Tổng công ty Đường sắt cho biết trong 821 bộ thiết bị vệ sinh trên tàu Thống Nhất, có 199 bộ thiết bị vệ sinh do Chodai cung cấp với giá trung bình 110 triệu đồng/bộ, tổng giá trị hợp đồng khoảng 22,5 tỷ đồng.

Phía Chodai VN cho rằng hiện tượng mùi hôi gây khó chịu là do thiết bị không được sử dụng đúng cách cũng như chưa tuân thủ quy trình bảo dưỡng thiết bị. Việc đổ nước, hoặc xịt rửa nước vào trong bể xử lý sẽ làm chết các vi sinh vật hiếu khí; không được vứt rác (trừ giấy vệ sinh) vào bể xử lý, vì dị vật sẽ khiến hệ thống đảo trộn, cấp nhiệt và không khí trong bể xử lý bị hư hỏng.

Thực tế sử dụng trong thời gian qua cho thấy thói quen sử dụng nước khiến có nước trong thiết bị (ví dụ, mang nước vào rửa cho con nhỏ), gây ngập úng; lượng giá thể trong bể vi sinh không được bổ sung; dị vật lạ (dạng túi ni lông) làm chết các vi sinh vật xử lý. Đặc biệt, thiết bị không được theo dõi và vệ sinh cẩn thận khi bề mặt thiết bị cáu bẩn, rác và chất thải, nước tiểu vương vãi trên bề mặt thiết bị, dẫn đến việc nhà vệ sinh bốc mùi.

Nhà vệ sinh sinh học (bio-toilet) có gì đáng chú ý?

Bio-toilet là công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường ứng dụng công nghệ vi sinh.

Thiết bị bio-toilet xử lý chất thải sinh hoạt theo nguyên lý dạng khô, không sử dụng nước. Chất thải và nước tiểu được trộn lẫn với mùn cưa cùng các chế phẩm sinh học sẽ được đảo trộn trong bể xử lý. Một lượng nhiệt được cung cấp cho buồng sấy làm hóa hơi toàn bộ phần nước, được hệ thống quạt hút đưa ra bên ngoài. Hỗn hợp chuyển sang trạng thái khô thành phân bón vi sinh.

Theo đó, cần tuân thủ theo quy trình hướng dẫn sử dụng, vận hành hoạt động, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị.

nha ve sinh tren tau
Thiết bị vệ sinh bio-toilet hoàn toàn không sử dụng nước. (Ảnh: seiwa-denko.co.jp)

Cấu tạo cơ bản của hệ thống gồm thùng chứa bằng inox có các cánh khuấy hoạt động nhờ một động cơ điện ở bên trong, thiết bị cung cấp nhiệt, than hoạt tính hoặc mùn cưa cùng vi sinh vật để tạo quá trình xử lý vi sinh và nhào trộn thành sản phẩm phân bón vi sinh. Thiết bị quạt hút gió tạo sự đối lưu không khí trong buồng chứa.

Thiết bị vệ sinh sinh học Bio-Lux (công nghệ bio-toilet) do Công ty Seiwa Denko Co, LTD (Hokkaido, Nhật Bản) sáng chế, tư vấn kỹ thuật, đào tạo nhân viên; Công ty Chodai Co., Ltd. trình diễn công nghệ, thử nghiệm, điều phối chung.

Khác với thiết bị vệ sinh sinh học thế hệ trước, Bio-Lux không yêu cầu phải có mùn cưa hoặc vi khuẩn chuyên biệt, mà chỉ sử dụng mùn cưa thông thường. Các vi khuẩn đường ruột trong phân cùng với các vi khuẩn tự nhiên trong mùn cưa sẽ tiêu hủy giấy thải và giấy vệ sinh.

nha ve sinh tren tau
Sơ đồ cơ bản của nhà vệ sinh công nghệ bio-toilet. (Nguồn: bio-toilet.org)

Trang Asia Pacific Adaptation Network (ngày 15/11/2013) đánh giá bio-toilet là công nghệ giúp bảo vệ môi trường nước, giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao năng lực xử lý nước thải, đặc biệt ở những vùng ô nhiễm nguồn nước khi dân số đô thị gia tăng do tăng trưởng kinh tế hoặc do tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng.

Trang Government of Japan (ngày 10/3/2015) cho biết thiết bị Bio-Lux đã được thử nghiệm vào năm 2000 trên núi Phú Sĩ. Bồn vệ sinh sinh học này sau đó được lắp đặt tại vườn thú Asahiyama ở Hokkaido, một điểm tham quan đón trung bình 3 triệu khách mỗi năm, và các di sản văn hoá thế giới như Shirakami-Sanchi và Shiretoko, cũng như các địa điểm du lịch khác.

Năm 2013, thiết bị được cải tiến, tạo ra nhà vệ sinh sinh học mới, “My Bio-Toilet”, để đối phó với hậu quả của trận động đất lớn ở Đông Nhật Bản.

nha ve sinh tren tau
Ưu điểm và quá trình chuyển hóa các chất theo công nghệ bio-toilet (Nguồn: Mô hình dự án cải thiện môi trường nước Châu Á, năm 2012 (Sử dụng bio-toilets để cải thiện môi trường nước)/dẫn qua asiapacificadapt.net)

Trước khi liên danh với Petech Corp tham gia dự án của Tổng công ty Đường sắt VN, từ tháng 10/2013 đến tháng 2/2014, Công ty Seiwa Denko và Công ty Chodai (Nhật Bản) hoàn thành lắp đặt thử nghiệm 7 hệ thống nhà vệ sinh sinh học (bio-toilet) và 7 hệ thống xử lý nước thải kiểu mới (New Jhoka system) tại khu vực Vịnh Hạ Long trong dự án hợp tác với tỉnh Quảng Ninh. Nguồn vốn thực hiện khoảng 500.000 USD, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ dưới hình thức vốn ODA không hoàn lại cho Công ty Seiwa Denko và Công ty Chodai để nghiên cứu tính khả thi và tiến hành thử nghiệm dự án.

Dự kiến đến tháng 4/2018, tỉnh Quảng Ninh và các công ty của Nhật Bản sẽ hoàn thành việc lắp đặt 20 nhà vệ sinh sinh học (bio-toilet) trên các tàu thuyền phục vụ tham quan và một số địa điểm công cộng tại thành phố Hạ Long, lắp đặt 11 thiết bị xử lý nước thải kiểu mới (New Jhoka system) tại khu vực dân cư huyện Vân Đồn.

Vĩnh Long

Xem thêm: