Trong tổng hơn 73.000 tỷ đồng để chống ngập cho TP.HCM trong 4 năm, ngân sách của TP chiếm khoảng 6.300 tỷ đồng, hơn 10.000 tỷ từ vốn ngân sách trung ương, còn lại là vốn xã hội hóa và vốn ODA.

chong ngap
Nước ngập, đường tắc, xe chết máy… là những cảnh thường thấy tại TP.HCM trong mùa mưa mỗi năm, gây nên nhiều khó khăn trong sinh hoạt và thiệt hại về kinh tế (Ảnh: Thiện Nhân)

Văn phòng UBND TP.HCM cho biết thành phố vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư sớm xem xét trình Thủ tướng Chính phủ thông qua đầu tư các dự án chống ngập trên khu vực TP.HCM giai đoạn 2016-2020.

Theo UBND TP, chương trình chống ngập giai đoạn 2016 – 2020 có tổng tổng vốn đầu tư là 73.057 tỷ đồng, trong đó: tổng vốn đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch số 752 là khoảng 52.000 tỷ đồng, quy hoạch số 1547 là khoảng 21.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư đến từ: ngân sách thành phố khoảng 6.338 tỷ đồng (bố trí mỗi năm 1.300 tỷ đồng); ngân sách Trung ương khoảng 10.284 tỷ đồng (từ nguồn từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC là 9.963 tỷ đồng và vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 321 tỷ đồng); vốn xã hội hóa (PPP) là 20.283 tỷ đồng và vốn ODA là 36.152 tỷ đồng. Cụ thể:

Vốn đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch số 752:

  • Xây dựng 3 hồ điều tiết là 950 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng thuộc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và 900 tỷ đồng thuộc vốn xã hội hóa (PPP);
  • Xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết ngập do mưa là 10.373 tỷ đồng, trong đó: 5.934 tỷ đồng thuộc ngân sách thành phố và 4.439 tỷ đồng thuộc ngân sách Trung ương;
  • Cải tạo rạch Xuyên Tâm là 5.100 tỷ đồng thuộc về vốn xã hội hóa (PPP) lấy từ nguồn PSIF và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA);
  • Xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao là 26.363 tỷ đồng thuộc vốn từ ODA, có thể kết hợp vốn xã hội hóa (PPP);
  • Quản lý rủi ro ngập khu vực thành phố là 9.789 tỷ đồng thuộc vốn ODA vay từ Ngân hàng Thế giới.

Vốn đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch số 1547:

  • Dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) là 9.926 tỷ đồng thuộc vốn xã hội hóa (PPP kết hợp BT);
  • Dự án bờ tả sông Sài Gòn là 1.169 tỷ đồng, trong đó 404 tỷ đồng thuộc Ngân sách thành phố; 444 tỷ đồng ngân sách Trung ương lấy từ nguồn SCIC và 321 tỷ đồng ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu;
  • Dự án cống kiểm soát triều sông Kinh 1.200 tỷ đồng vốn xã hội hóa (PPP);
  • Dự án nạo vét cải tạo 8 trục tiêu thoát nước chính là 8.187 tỷ đồng, trong đó, 5.030 tỷ đồng ngân sách Trung ương lấy từ nguồn SCIC và 3.157 tỷ đồng vốn xã hội hóa (PPP).

Nguyễn Sơn

Xem thêm: