Đây là một trong những nội dung được Bộ Quốc phòng đưa ra trong thông tư 37/2017/TT-BQP hướng dẫn quản lý thu, chi BHXH bắt buộc đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Bộ Quốc phòng.

bảo hiểm xã hội
Lực lượng lính thủy đánh bộ của Hải quân Việt Nam. (Ảnh minh họa/nld.com.vn)

Đối tượng áp dụng bao gồm người lao động trong Bộ Quốc phòng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên cơ yếu; công nhân, viên chức quốc phòng, công chức…; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn và không thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng (kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động), người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với hai chế độ hưu trí và tử tuất.

Người đã tham gia bảo hiểm xã hội từ trước ngày Luật BHXH có hiệu lực trong thời gian đi học tập, thực tập, công tác, nghiên cứu, đi điều dưỡng ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí ở trong nước và đóng BHXH theo quy định thì được hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Quốc phòng.

Mức đóng bắt buộc hàng tháng đối với người lao động hưởng tiền lương và của đơn vị (người) sử dụng lao động bằng 26% tiền lương tháng đóng BHXH (trong đó: đơn vị đóng 18%, người hưởng lương đóng 8%).

Đối với người lao động hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí, mức đóng bằng 23% mức lương cơ sở và do đơn vị (người) sử dụng lao động đóng.

Đối với người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trường hợp đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc sẽ đóng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước khi ra nước ngoài. Trường hợp chưa tham gia hoặc đã hưởng BHXH một lần, đóng 22% của 2 lần mức lương cơ sở.

Tiền lương tháng đóng BHXH được quy định như sau, với người lao động là quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, học viên… thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm đóng.

Với người lao động hợp đồng có thời hạn hoặc không thời hạn, hoặc có thời hạn từ đủ 1 tháng tới dưới 3 tháng, từ 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm lương và các khoản phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Từ 1/1/2018, tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm lương, phụ cấp, và các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc trong mỗi kỳ trả lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng, tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; trợ cấp cho người lao động khó khăn hoặc bị tai nạn lao động…

Thông tư cũng đề cập đến việc truy thu, truy đóng, thoái thu BHXH đối với các trường hợp: trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH cho người lao động; điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng BHXH cho người lao động; đóng bù thời gian chưa đóng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Đối với trường hợp đóng bù và truy thu khi điều chỉnh tăng tiền lương thì số tiền truy thu sẽ không bị tính lãi chậm đóng.

Tuy nhiên, trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động về nước mới thực hiện truy đóng BHXH, thì số tiền truy thu BHXH sẽ bao gồm số tiền phải đóng BHXH và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng. Lãi suất được lấy bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm liền trước năm tính truy thu.

Người sử dụng lao động phải đóng đủ BHXH bắt buộc, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp giải quyết chế độ BHXH cho người lao động.

Trong trường hợp người lao động và người sử dụng lao động đóng BHXH vượt quá số tiền phải thu theo quy định, BHXH Bộ Quốc phòng thực hiện thoái thu BHXH cho người lao động và người sử dụng lao động.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 2/4/2017.

Nguyễn Quân

Xem thêm: