Hơn 80% mẫu nước mắm đóng chai có ít nhất 1 trong 5 tiêu chí hóa học không đạt so với tiêu chuẩn hoặc công bố trên nhãn hàng. Đặc biệt, có hơn 67% mẫu nước mắm chứa thạch tín (asen) vượt quá quy định của Bộ Y tế.

nuoc-mam-chua-thach-tin
(Ảnh minh họa: ndh.vn)

Thông tin trên được Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố vào chiều ngày 17/10.

150 mẫu nước mắm đóng chai do Vinastas khảo sát được lấy từ 88 nhãn hiệu. Theo nội dung ghi trên nhãn, các mẫu này được sản xuất từ các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành là: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Long An, Phú Thọ, Nam Định, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, TP. HCM và một mẫu của Thái Lan.

Các mẫu này được xem xét việc ghi nhãn và các nhóm chỉ tiêu hóa học, an toàn thực phẩm của nước mắm như: nitơ toàn phần, nitơ axit amin, nitơ amoniac, asen (thạch tín) và hàm lượng muối.

Theo kết quả khảo sát, 125/150 mẫu nước mắm đóng chai (hơn 83%) có ít nhất 1 trong 5 tiêu chí của nhóm hóa học được khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc công bố trên nhãn hàng. Trong đó:

  • 51% mẫu có độ đạm thấp hơn nhãn hàng công bố;
  • 20% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ axit amin.
  • Đặc biệt, 67,3% mẫu chứa thạch tín (asen) vượt quá ngưỡng quy định của Bộ Y tế, tương đương 101/150 mẫu khảo sát với hàm lượng arsen dao động trên 1mg/l – 5mg/l.

Theo quy định, hàm lượng thạch tín cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1.0mg/l.

Báo cáo của Vinastas cho biết, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng thạch tín càng tăng, cụ thể 95,65% số mẫu có độ đạm từ 40 đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Theo đó, Vinastas kiến nghị các cơ quan chính phủ, các cơ quan quản lý cần sớm có quy định cụ thể về các loại nước mắm đang được sản xuất, lưu thông trên thị trường; mặt khác, cần tăng cường kiểm tra về chất lượng, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn nước mắm và công bố kết quả kiểm tra, xử lý để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, Vinastas cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng về các sản phẩm nước mắm như: phương pháp chế biến, nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, dung lượng,…

Asen (thạch tín) thuộc nhóm kim loại nặng, có màu xám. Trong công nghiệp, thạch tín được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu, thủy tinh, thuốc rụng lá, thuốc pháo,… Ở dạng hợp chất vô cơ, thạch tín rất độc nếu sử dụng với liều lượng cao. Chỉ 0,06g thạch tín vào cơ thể cũng đủ gây ngộ độc; với liều lượng gấp đôi, sẽ gây tử vong.

Khi nhiễm độc thạch tín, người bệnh thường có những biểu hiện:

  • Nhiễm độc cấp tính (liều cao, trực tiếp): nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, tiểu khó và tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Nhiễm độc mạn tính: xảy ra do tích lũy liều lượng nhỏ asen trong thời gian dài, có các biểu hiện như: xuất hiện mảng dày sừng (ở lòng bàn tay, bàn chân nổi lên các sẩn giống như mụn cơm,…), tăng hoặc giảm sắc tố da; tê buốt đầu ngón tay ngón chân, rụng tóc nhiều, tê tay chân, rối loạn tiêu hóa,…

Hải Linh

Xem thêm: