Tương lai của mỗi dân tộc có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của thế hệ nối dõi, vậy nên mới có câu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Nền giáo dục tại nhiều quốc gia mang đến cho trẻ môi trường thân thiện, hòa đồng và sự nhiệt tình với các hoạt động cộng đồng. Còn môi trường giáo dục ở Việt Nam thì thế nào?

giao duc viet nam

Gần đây, một đoạn video clip cho thấy 400 học sinh Nashville (tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ) đã đến trước nhà thầy giáo bị ung thư Ben Ellis hát cổ vũ tinh thần, không chỉ khiến thầy giáo mà cả cộng đồng mạng rất xúc động. Video gây sốt trên mạng xã hội và đạt được hơn 30 triệu lượt người xem. Một ngày sau đó (17/9), thầy Ben Ellis đã qua đời với cảm giác “không đơn độc”.

Không khỏi ngậm ngùi khi nhìn lại các video clip bạo lực của học sinh nước ta liên tục được đăng tải lên mạng xã hội nào là: Nam sinh đánh ngất nữ sinh; nữ sinh bị bạn bắt quỳ xin lỗi và tát vào mặt (THCS Nhất HòaLạng Sơn); nữ sinh bị ép ăn cát (Trường THCS Trung An, huyện Củ Chi); gần chục học sinh đánh hội đồng một nữ sinh lớp 7 (Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Vinh); 30 học sinh đánh nhau như phim hành động (Trường THCS Phúc Diễn, Hà Nội); nữ sinh bị 4 học sinh đánh đến nỗi không chỉ bị thương tổn về thân thể, mà còn ảnh hưởng tâm lý dẫn đến không thể nói chuyện được và phải nghỉ học 5 tháng (Trường THPT Tử Đà, Phú Thọ)… Những video clip kiểu này của học sinh Việt Nam nhiều đến nỗi không thể liệt kê hết…

Tại hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông”, do Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 24/12/2014, Thạc sĩ Đinh Anh Tuấn công bố kết quả cuộc nghiên cứu về bạo lực học đường với 496 học sinh tại 8 trường (khối THCS và THPT) TP.Quy Nhơn, Bình Định cho thấy:

  • Hơn 60% học sinh cho biết đã bị bạn học dùng điện thoại/internet đưa tin nói xấu, xúc phạm hoặc chửi mắng, đe dọa;
  • 2,2% bị bạn học dùng hung khí tấn công;
  • 27,1% cho biết có tình trạng giáo viên xúc phạm học sinh (vì mục đích giáo dục);
  • 7,1% học sinh bị thầy cô nói xấu, xúc phạm;
  • 18,3% bị thầy cô đánh.

Khi xảy ra vụ việc:

  • Khoảng 22,6% học sinh cho biết chỉ đứng xem;
  • 36,5% nói báo với giáo viên;
  • 5,4% quay phim chụp hình;
  • 7,3% hô hào, cổ vũ;
  • 30,9% bỏ đi nơi khác để an toàn.

Nguyên nhân của việc bùng phát bạo lực học đường ở Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây được nhận định chung chung rằng chủ yếu là do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực: phim ảnh, sách báo, đồ chơi, game…; sự quan tâm chưa tới của gia đình, nhà trường và việc đánh giá học sinh chỉ chú trọng nhiều ở thành tích học tập chứ không phải ở đạo đức ứng xử… 

Tại buổi hội thảo phòng chống bạo lực trong nhà trường do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 9/4/2010, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó trưởng Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Điểm xuất phát của tình trạng bạo lực học đường ngày càng lan tràn như hiện nay là sự cô đơn bế tắc của trẻ. Cha mẹ chạy theo kinh tế, thầy cô chạy theo giờ hành chính, người lớn thiếu lòng yêu trẻ khiến các em không gần gũi, chia sẻ”.

PGS.TS Trần Tuấn Lộ, Trưởng khoa Tâm lý ĐH Văn Hiến, khẳng định: “Cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, thế hệ trẻ đang bị đầu độc bởi ma lực của những trò chơi chém giết trong game, đồng thời cũng bị “nhiễm khuẩn” từ chính những cảnh bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội. Chính người lớn đã góp phần không nhỏ làm tăng thêm tính hung hãn, côn đồ ở trẻ”.

Ông Phạm Hữu Khương, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Ninh Thuận từng phát biểu: “Đến lúc chất lượng giáo dục phải làm lại cách đo. Phải đo chất lượng ở ngoài nhà trường, đo về nhân cách, đạo đức của học sinh chứ không chỉ đo về học lực và hạnh kiểm như trước đây. Đồng thời nhà trường cần chú trọng phần dạy làm người cho học sinh. Nếu cần phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thì chúng ta cần phải thay đổi tư duy đã trở thành cố hữu đó. Cần bỏ đi chuyện học gì thi nấy, thi gì học nấy, học để hoàn thiện bằng cấp, củng cố địa vị, làm đẹp chỉ tiêu nâng chuẩn công chức, viên chức…”.

Tuy nhiên, còn có một nguyên nhân ẩn sâu khác mà chúng ta cũng nên nghiêm túc nhìn nhận. Đó là sự cổ vũ tính tranh đấu thể hiện trong giáo trình và môi trường thi đua ‘khốc liệt’ của trường lớp: mỗi học sinh là một “dũng sĩ” măng non, “chiến sĩ” kế hoạch nhỏ, “mặt trận” thi đua, “em yêu chú bộ đội đánh Mỹ tài ghê”…

Tính tranh đấu, lòng thù hận ngấm dần qua các bài học lịch sử, văn học, bài hát và các khẩu hiệu “giết”, “tiêu diệt”, “chiến đấu đến cùng”, v.v…

Mặt khác, sự cạnh tranh thi đua, chạy theo thành tích trong trường lớp đã góp phần ‘bồi dưỡng’ thêm tính tranh đấu này khiến học sinh lúc nào cũng phải phấn đấu để học giỏi, phải đứng đầu, phải hơn người v.v… Mỗi khi có phong trào gì cũng vận động học sinh phải vượt lên đứng nhất, khiến cho các em có năng lực trở nên ích kỷ, hiếu thắng, nhìn nhau như đối thủ, chỉ muốn tìm cách vượt lên trên bạn bè, còn những em không có khả năng thì trở nên tự ti, đố kỵ… Cả hai nhóm học sinh này đều ít có tính cộng đồng.

Dĩ nhiên tính tranh đấu này không chỉ giới hạn trong phạm vi trường lớp, mà nó đã lan ra toàn xã hội. Những mâu thuẫn, đấu tranh, lục đục giữa con người với nhau đã trở nên cực kỳ căng thẳng.

Kinh tế dường như càng phát triển thì đạo đức con người, những “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” lại càng bị lãng quên, lòng người hướng về tiền bạc nhiều hơn hướng đến cái thiện kiểu như “người không vì mình trời tru đất diệt”. Trong một môi trường bị bao vây bởi tính bạo lực toàn diện như thế, trẻ em của Việt Nam, tương lai của Việt Nam rồi sẽ đi về đâu?

Bảo Minh

Xem thêm: