Lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn 2017 được đánh giá là có quy chế quản lý lỏng lẻo khi quy định chủ trâu là người chịu trách nhiệm về các vấn đề mất an toàn do trâu gây ra, không có nhiều trách nhiệm ràng buộc từ Ban quản lý.

le hoi choi trau do son 2017 6
Chủ trâu bất ngờ bị trâu chọi quay lại đâm và hất tung người. (Ảnh cắt từ clip)

Sáng ngày 2/7, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cùng đoàn chức năng đã có buổi làm việc với UBND quận Đồ Sơn (TP. Hải Phòng) khảo sát về an toàn tại khu vực lễ hội chọi trâu – nơi vừa xảy ra vụ tai nạn trâu chọi húc người tử vong vào ngày 1/7.

Theo ông Hoàng Xuân Minh – Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, đây là “sự cố hy hữu và đáng tiếc”, lễ hội chọi trâu của Đồ Sơn luôn diễn ra an toàn và trong lịch sử chưa bao giờ xảy ra tai nạn dẫn đến chết người như vậy.

Tuy nhiên, tiến hành khảo sát và đánh giá về việc đảm bảo an toàn của lễ hội, Bộ VH-TT&DL cho biết Ban tổ chức lễ hội đã không có phương án phòng ngừa những bất trắc, không có kịch bản nếu trâu bị kích động, mặc dù Ban tổ chức đã đưa ra một số nội dung đảm bảo an toàn.

Theo Thứ trưởng Thủy: “Ban tổ chức giải trình sự cố trâu húc người là hy hữu chưa từng có, song chúng tôi đánh giá công tác an toàn lễ hội là chưa đảm bảo”.

Cụ thể, hàng rào được Ban tổ chức lễ hội dùng để ngăn cách giữa khán đài và sân đấu không chắc chắn, hàng rào chỉ ngăn được người dân không vào sân đấu, còn khi trâu bị kích động có thể đâm sập hàng rào và vượt ra ngoài; Khu vực làm lễ tế trâu cũng không có biện pháp phòng ngừa, nếu đông người, con trâu bị ảnh hưởng tâm lý, kích động cũng sẽ có thể húc người.

Đặc biệt, quy chế của lễ hội còn lỏng lẻo trong việc đảm bảo an toàn về tính mạng con người khi quy định các chủ trâu phải có biện pháp quản lý trâu đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để trâu gây tai nạn cho nhân dân và du khách; chịu trách nhiệm đối với các tình huống mất an toàn do trâu mình gây ra… Theo Thứ trưởng, điều này cho thấy Ban tổ chức thiếu trách nhiệm, thiếu bao quát trong việc đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội.

Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay lễ hội chọi trâu được tổ chức vì yếu tố thương mại nhiều hơn yếu tố văn hóa truyền thống, vì vậy trong trường hợp ban tổ chức chưa đưa ra được các biện pháp để đảm bảo an toàn, chưa làm nổi bật được giá trị văn hóa truyền thống thì cần phải suy xét đến việc dừng lễ hội.

Đề cập đến việc có tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hay không, Thứ trưởng Thủy cho biết Bộ sẽ lấy ý kiến của cộng đồng, các nhà khoa học, nếu tổ chức thì sẽ phải đảm bảo các điều kiện an toàn, sau đó mới quyết định.

Cũng trong ngày 2/7, Công an quận Đồ Sơn đã phối hợp với phòng kỹ thuật hình sự (PC 54) Công an TP. Hải Phòng đưa ra phương án giết trâu chọi số 18 để lấy mẫu xét nghiệm xem cơ thể trâu có chất kích thích, chất tăng lực hay không.

Thành phố cũng yêu cầu UBND quận Đồ Sơn tổ chức kiểm tra chất kích thích, tăng lực (nếu có) trong các trâu khác tham gia vòng đấu loại, báo cáo kết quả và biện pháp khắc phục hậu quả trước ngày 4/7.

Trước đó, khoảng 11h45 ngày 1/7, tại trận đấu thứ 14 giữa trâu số 18 và trâu số 23 thuộc vòng loại Lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) 2017, khi các chủ trâu đang đưa trâu ra sân đấu thì trâu số 18 của ông Đinh Xuân Hướng bất ngờ lồng lên, lao vào tấn công chủ trâu số 23 làm người này bỏ chạy.

Trâu số 18 bỏ chạy rồi bất ngờ quay lại húc thẳng vào chủ của mình khiến ông Hướng bị hất tung lên cao, thủng chân trái và bất tỉnh.

Ông Hướng được lực lượng chức năng và người dân địa phương ngay lập tức đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Y học Hải quân, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp Hải Phòng. Do vết thương quá nặng, ông Hướng qua đời lúc 20h tối ngày 1/7.

Sau sự cố trâu chọi húc chết người xảy ra ở vòng đấu loại ngày 1/7, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND quận Đồ Sơn yêu cầu tạm dừng tổ chức Lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn 2017.

Hoàng Minh

Xem thêm: