Trung tâm chống ngập TP.HCM đã ký biên bản bàn giao hệ thống cống nước đường Nguyễn Hữu Cảnh cho Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung để vận hành “siêu máy bơm” sau nhiều ngày ngưng hoạt động.

ngap_nguyen_huu_canh
Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh là “rốn’ ngập của TP.HCM. (Ảnh: nld.com.vn)

Ngày 25/10, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM đã bàn giao hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) cho Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung để vận hành “siêu máy bơm”.

Hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh từ đoạn Điện Biên Phủ đến Võ Duy Ninh có tổng chiều dài cống các loại là 2.700 m, trong đó cống dưới đường dài 1.275 m và cống trên vỉa hè là 1.419 m. Cả hai bên đã kiểm tra hiện trường, vớt rác các hầm ga và lòng cống. Hiện đường cống đã thông thoáng. Do đó, hai bên cùng ký biên bản bàn giao và “siêu máy bơm” chính thức hoạt động trở lại.

Theo nội dung ký kết, Trung tâm chống ngập TP.HCM có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng và đảm bảo hệ thống cống hai bên con đường này luôn được thông thoáng, đảm bảo không ùn nước từ sông Sài Gòn lên miệng hầm ga, đoạn dưới hầm cầu Thủ Thiêm.

Còn Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, đơn vị này sẽ vận hành máy bơm để đường Nguyễn Hữu Cảnh không bị ngập như hợp đồng cam kết. Tập đoàn có trách nhiệm ứng chi phí không tính lãi và thuê đơn vị có chức năng, năng lực sửa chữa đoạn cống bị võng nước từ đường Điện Biên Phủ đến đường D1 nối dài, để bảo đảm thoát nước về trạm bơm và lắp đặt lưới chắn rác tại các miệng cống.

Sau thời điểm ký bàn giao, Tập đoàn Quang Trung sẽ tiếp tục vận hành máy bơm để chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh. Do đó, 4 máy bơm do Công ty Thoát nước đô thị thành phố vận hành 6 ngày qua sẽ được rút về phục vụ công tác chống ngập cho các khu vực khác.

Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh – được người dân gọi là “rốn” ngập của thành phố, có chiều dài 3,2 km, rộng khoảng 30 m, gồm 6 làn xe, được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2003.

Hệ thống “siêu máy bơm” dùng để chống ngập tuyến đường trên được Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đầu tư 88 tỷ đồng, công suất từ 27.000 – 96.000 m3/h. Nước hút vào sau khi được lọc rác sẽ đổ ra sông Sài Gòn.

Sau 3 lần thử nghiệm thành công chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh dưới sự giám sát của Trung tâm chống ngập TP, UBND TP.HCM và Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung ký kết hợp đồng nguyên tắc dự án chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh. Chi phí trọn gói dự kiến là 12 tỷ đồng/năm.

Tại buổi họp với các ban ngành của TP.HCM vào ngày 24/6 liên quan đến dự án siêu máy bơm, ông Nguyễn Tăng Cường – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn cơ khí Quang Trung cam kết với lãnh đạo thành phố “Không hết ngập không lấy tiền, bồi thường thêm 2 tỷ cho TP.HCM”.

Ông Cường cho biết nếu áp dụng giải pháp bơm thông minh sẽ mang lại một số hiệu quả như giảm giá thành đầu tư (chỉ bằng 10-15% so với công nghệ bơm cũ); chi phí nguyên liệu để vận hành thấp, không phải đầu tư hệ thống thoát nước, góp phần bảo vệ môi trường; vớt rác tự động và có khả năng thông cống vì tốc độ dòng chảy lớn 5 – 10 lần so với hiện tại.

Trước đó, cơn mưa chiều ngày 17/10 kéo dài khoảng 45 phút với vũ lượng nhỏ (chỉ 45 mm), nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn bị ngập mặc dù siêu máy bơm có hoạt động. 

Lý giải về vấn đề này, ông Cường cho rằng lượng rác lớn là một trong những nguyên nhân gây tắc cống khiến máy bơm không hút được nước, khiến tuyến đường bị ngập.

Đến ngày 20/10, ông Cường gửi văn bản tới các cơ quan chức năng đề nghị ngưng hoạt động máy bơm trong bốn ngày để chờ kết luận nguyên nhân dẫn đến ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh vào ngày 17/10, đồng thời bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện một số vấn đề hạng mục liên quan đến siêu máy bơm.

Sau 4 ngày (đến 24/10), việc ký bàn giao đã không diễn ra được do ông Nguyễn Tăng Cường không đồng ý việc ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM không có mặt và ủy quyền lại cho ông Đỗ Tấn Long – Trưởng phòng quản lý thoát nước đến thay.

Về tình trạng ngập tại TP.HCM như hiện nay, theo chuyên gia thủy lợi, KS cao cấp Phan Khánh thuộc Hội Khoa học Thủy lợi TP.HCM cho biết việc làm trước tiên và quyết định nhất không phải là lắp một trạm bơm “khủng” để chống úng cho toàn khu đô thị, mà phải khai thông dòng chảy, cống bị tắc, ngoài ra, cần lập lại bản đồ độ cao thành phố.

Sau khi có bản đồ độ cao thành phố mới, chia ra nhiều phân khu để thiết kế hệ thống thoát nước, nên sử dụng nhiều máy bơm nhỏ có thể đặt trong nhà dân. Việc này sẽ đảm bảo hiệu quả trong khi tiền bảo quản và vận hành sẽ rẻ.

Hoàng Minh

Xem thêm: