Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, UBND TP đã chấp thuận dự án. Sở Kế hoạch – đầu tư đã kiến nghị UBND TP chấp thuận cho thực hiện dự án bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Đan Mạch. 

Dự án Quản lý tích hợp ngập lụt đô thị thành phố (xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ) do Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước đề xuất. Tổng mức tài trợ của chương trình là 15 triệu USD.

Số tiền vay được dùng để hiện đại hóa, mở rộng hệ thống quan trắc khí tượng, mưa, thủy văn và các trạm rada dự báo mưa; xây hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu quan trắc và dự báo giữa Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ và Trung tâm chống ngập.

Nguồn tiền còn để xây dựng bản đồ nguy cơ rủi ro ngập lụt, quy trình vận hành các công trình chống ngập cũng như hệ thống cảnh báo rủi ro đến người dân…

tp hcm de xuat vay 15 trieu usd lam he thong canh bao ngap
Cảnh ngập lớn tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 1/4/2017. (Ảnh: FB Nguyễn Đình Cường)

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 – 2022. Theo Trung tâm chống ngập TP.HCM, hệ thống sẽ truyền tin cảnh báo lũ sớm cho khu vực hạ lưu sông ở TP.HCM, Đồng Nai và Long An.

Sở Tài chính TP.HCM cho rằng việc tìm kiếm nguồn vốn ngoài ngân sách là phù hợp trong điều kiện tỷ lệ phân chia nguồn thu bị cắt giảm còn 18%. Sở đề nghị làm rõ lãi suất, thời gian vay, thời gian ân hạn, làm cơ sở để thành phố cân đối ngân sách trả nợ ODA.

Năm 2015, theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 10 năm (từ 2005 – 2015), thành phố đã chi khoảng 24.300 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập (nạo vét, cải tạo kênh rạch, xây dựng hệ thống thoát nước…). Trong đó, vốn ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng, vốn ODA khoảng 15.000 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, theo UBND TP, các dự án trên chỉ thực hiện được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch chống ngập. Tính đến hết năm 2014, tổng dư nợ vay của TP là hơn 25.100 tỷ đồng. Dự kiến trong 5 năm tới (đến 2020), bình quân mỗi năm thành phố phải bố trí khoảng 4.250 tỷ đồng để chi trả nợ gốc và lãi vay.

Nguyễn Quân

Xem thêm: