Trong các đợt mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên từ giữa tháng 10/2016 đến nay, vào thời điểm cao nhất, có đến 49 hồ chứa đồng loạt xả lũ.

xa-lu
Thủy điện Hố Hô tăng lưu lượng xả lũ gấp 3,7 lần chỉ trong một ngày -14/10. (Ảnh: nld.com.vn)

Tại Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 10, tháng 11/2016 được tổ chức vào ngày 2/12, các cơ quan chức năng đã có báo cáo về tình hình mưa lũ và hoạt động điều tiết mưa lũ của các hồ chứa.

Ông Nguyễn Văn Bình – Cục phó Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết vào trung tuần tháng 10 và đầu tháng 11/2016, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, gió mùa Đông Bắc kết hợp với nhiễu động gió Đông nên các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Một số hồ thủy điện, thủy lợi đã đồng loạt xả tràn dẫn tới tình hình ngập lụt, cô lập, chia cắt giao thông nghiêm trọng tại khu vực hạ du các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk,…

xa lu
Người dân huyện Eakar (Đắk Lắk) di dời tránh lũ. (Ảnh chụp màn hình: FB Nguyễn Vân)

Theo số liệu thống kê, riêng trong hai đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11/2016, các địa phương đã có 65 người chết và mất tích, trên 191.000 ngôi nhà bị ngập nước, 22.000 ha lúa bị ngập, hư hại,… Tổng thiệt hại ước tính lên đến gần 7.200 tỷ đồng.

Các nơi bị thiệt hại nặng do mưa lũ là: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Phú Yên,… Trong đó, riêng đợt mưa lũ từ ngày 13 đến 18/10 tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đã khiến 38 người chết (Quảng Bình 21 người, Hà Tĩnh 9 người).

xa lu
Nhiều chủ phương tiện giao thông phải xuống dắt xe qua đoạn đường ngập nước tại Bình Định trong trận lũ đầu tháng 11/2016. (Ảnh: FB)
xa lu
Nhà của người dân nay chỉ còn là đống gạch đổ nát sau cơn mưa lũ. (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)

Ông Trần Quang Hoài – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau hai đợt mưa lũ vừa qua, các hồ chứa thủy lợi khu vực miền Trung cơ bản đã đầy nước, các hồ chứa ở Bắc Trung Bộ trung bình đạt từ 80-90% dung tích thiết kế, các hồ chứa tại Nam Trung Bộ trung bình đạt từ 75-95% dung tích thiết kế; các hồ tại Đà Nẵng và Bình Định đạt lần lượt 75% và 68% dung tích thiết kế.

Vào thời điểm cao nhất đã có đến 49 hồ chứa tại miền Trung đồng loạt xả lũ. Ông Hoài cho hay, tuy nhiên lưu lượng xả nhỏ hơn so với lưu lượng xả lũ thiết kế.

Đối với các hồ chứa thủy điện, sau hai đợt mưa lũ, hầu hết các hồ chứa thủy điện lớn khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã đạt 80-90% dung tích thiết kế. Vào thời điểm cao nhất, có 29 hồ đồng loạt xả lũ, một số hồ chứa xả lũ với lưu lượng lớn nhất – tới trên 11.000 m3/s (hồ sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên).

xa lu
Người dân Phú Yên lùa đàn gia súc đi tránh lũ trong đêm. (Ảnh FB)

>> Thủy điện Hố Hô đã tăng lưu lượng xả lũ gấp 3,7 lần trong một ngày

>> Thủy điện An Khê, Sông Ba Hạ xả lũ ‘đúng quy trình’

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn ở khu vực thượng lưu hồ, thiết bị thông tin cảnh báo, việc phối hợp với địa phương và thông tin xả lũ còn nhiều bất cập,…

Để ứng phó với tình huống bất thường xảy ra do mưa lũ, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành liên quan tăng cường giám sát xả lũ các hồ chứa, nâng cao công nghệ dự báo hệ thống quan trắc, rada, lưới trạm khí tượng thủy văn,… đồng thời cùng các địa phương sớm xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa.

Thủy Minh

Xem thêm: