Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiến nghị giảm 62,8 năm thời gian thu phí sau khi kiểm toán 24 dự án BOT giao thông. Kết luận kiểm toán được công bố sau khoảng một tháng nữa.

bot cai lay
Trong tháng 9/2017, Kiểm toán Nhà nước sẽ công bố kết luận kiểm toán 24 dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy. (Ảnh: Khánh Minh)

Trong 24 dự án này có cả những trạm BOT đang là điểm nóng tập trung sự chú ý của dư luận như trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), trạm BOT Hà Nội – Bắc Giang…

Ông Phớc cho hay trong 24 dự án kiểm toán lần này vẫn tồn tại những vi phạm giống với 27 dự án trước đây, như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, vị trí đặt trạm chưa hợp lý…

Hồi tháng 2/2017, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm trong 27 dự án được kiểm toán; kiến nghị chấm dứt việc thu phí đối với dự án tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT618 huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cho biết hầu hết các dự án BOT không thực hiện đấu thầu mà chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng xe thực tế qua trạm; một số trạm thu phí không đảm bảo quy định khoảng cách tối thiểu 70 km do có sự thỏa thuận giữa Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các địa phương; nhiều dự án “nâng cấp, cải tạo” tuyến cũ rồi tiến hành thu phí…

Tại Báo cáo về Năng lực tài chính của các nhà đầu tư BOT và cấp tín dụng dự án BOT được Kiểm toán Nhà nước đưa ra mới đây, Kiểm toán Nhà nước nhận định chất lượng các công trình BOT hiện nay không được kiểm soát chặt chẽ. Không ít các công trình vừa mới khánh thành đã nứt, lún… phải sửa chữa, doanh thu thực tế không đạt như dự kiến.

Nhiều chủ đầu tư là được chỉ định đầu tư chứ không thông qua đấu thầu hoặc đấu thầu thất bại. Nhiều chủ đầu tư BOT phải vay lượng vốn rất lớn để làm đường, điều  này khiến suất đầu tư tăng cao do dự án phải trả lãi lớn, làm tăng giá phí và thời gian thu phí, đẩy gánh nặng cho người dân.

Tính đến cuối tháng 4/2016, Bộ GTVT đang quản lý khoảng 80 dự án BOT, BT, với tổng mức đầu tư lên tới 223.670 tỷ đồng, trong đó đa phần là các dự án hạ tầng được khởi công xây dựng kể từ sau năm 2012, theo Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư PPP (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy.

Nguyễn Quân

Xem thêm: