Ngày 10/8/2017, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 2857 về việc phê duyệt “Đề án xây dựng Tượng đài và Vườn hoa Đại tướng Võ nguyên Giáp”.

tuong dai
Tuyến đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) – là nơi sẽ xây dựng tượng đài và vườn hoa. (Ảnh: pcquangbinh.cpc.vn)

Theo Quyết định số 2857, công trình xây dựng trên diện tích khoảng 2,3 ha tại khu vực gần nút giao thông ngã 5 của 2 tuyến đường 36 m và đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới).

Tổng vốn đầu tư dự kiến là 65 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện từ năm 2018-2020.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, ngoài là một công trình để tưởng niệm Đại tướng, đây cũng sẽ là công trình mang tính kích cầu du lịch cao, vì du khách có thể có một chương trình tham quan khép kín từ nhà lưu niệm Đại tướng ở quê nhà (thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) đến khu mộ ở Vũng Chùa – Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) và kết thúc ở tượng đài – vườn hoa ở TP Đồng Hới.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt quyết định đầu tư 45 tỷ đồng xây dựng khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giai đoạn một) ở quê nhà xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Khu lưu niệm có tổng diện tích 3,5 ha, gồm 2 phân khu với các hạng mục sẽ được thi công từ 2018-2020.

Khu lưu niệm sử dụng kiến trúc nhà truyền thống Việt Nam với mái ngói và kèo bê tông sơn giả gỗ, sảnh vào kết hợp với hành lang bao quanh nhà, hệ thống cửa gỗ thượng song hạ bản, nền lát gạch…

Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII diễn ra vào tháng 7/2017, HĐND tỉnh Quảng Bình đã thông qua dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh theo hình thức đối tác công tư (PPP) với mức đầu tư 128 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, Quần thể tượng đài Hồ Chí Minh có tổng vốn đầu tư 128 tỷ đồng. Khu quần thể được xây dựng trên diện tích gần 7 ha ở khu vực nội thành thuộc phường Hải Đình (TP. Đồng Hới). Khu quần thể có 4 phía giáp hào thành, tim tượng đài cách tim đường Hùng Vương 129,6 m.

Đáng lưu ý, Nghị quyết số 15/2016 về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2017 do HĐND tỉnh Quảng Bình ban hành ngày 8/12/2016 khẳng định trong năm qua (năm 2016 – PV), tỉnh Quảng Bình vừa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, có thể nói là năm gặp khó khăn nhất, đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình kinh tế – xã hội. Trong đó:

  • Sự môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm cho sản xuất, kinh doanh, khai thác thủy hải sản bị đình trệ; đời sống, việc làm, thu nhập của nhân dân sống dựa vào biển và ngư dân các xã vùng biển hết sức khó khăn, thậm chí bế tắc, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong người dân;
  • Du lịch rơi vào tình trạng điêu đứng, nhiều khách sạn, nhà hàng ngừng hoạt động, các ngành dịch vụ khác đi kèm bị ảnh hưởng rất nặng nề.
  • Tháng 10/2016, Quảng Bình xảy ra liên tiếp 2 trận lũ lụt lớn đạt đỉnh điểm lũ lụt năm 2007 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Cuối 2016, Sở Du lịch Quảng Bình cho biết tổng lượt khách du lịch trong năm ước đạt 1,99 triệu lượt, giảm 29,35% so với năm 2015 và giảm 43% so với kế hoạch trong năm, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 50 ngàn lượt, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2015; tổng doanh thu du lịch giảm 30% so với năm 2015 và giảm 46% so với kế hoạch trong năm.

Tính riêng tác động trực tiếp do sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải và 2 trận lũ lụt kép, HĐND tỉnh Quảng Bình cho biết tổng thiệt hại là hơn 4.975 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đặc biệt tác động trực tiếp đến các chỉ tiêu về giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ làm mức tăng trưởng thấp so cùng kỳ, kéo theo tổng sản phẩm trên toàn tỉnh (GRDP) cả năm 2016 không đạt kế hoạch và thấp nhất trong nhiều năm qua; sản xuất và đời sống của người, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải mất nhiều thời gian mới có thể khắc phục được.

Trần Tâm

Xem thêm: