Lũ lên nhanh ở Phú Yên cùng với việc các thủy điện và hồ chứa nước dồn dập xả lũ khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập nặng, hàng chục xã và thị trấn bị cô lập; đã có 7 người chết và mất tích.

phu-yen-ngap-nang-6
Nước dâng ngập trường học tại Tuy An. (Ảnh FB)

Hai ngày qua, mưa lớn xảy ra tại khu vực tỉnh Phú Yên cùng với việc các hồ thủy điện, hồ chứa nước xả lũ khiến các huyện bị ngập nặng.

Các thủy điện và hồ chứa nước đồng loạt xả lũ

Là thủy điện nằm ở cuối bậc thang thủy điện trên sông Ba, từ ngày 1/11, lưu lượng nước về hồ thủy điện Sông Ba Hạ lên cao do các thủy điện trên thượng  nguồn như An Khê – Ka Nak, Krông H’Năng đồng loạt xả lũ.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, lúc 9h10 ngày 3/11, thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ với lưu lượng 9.000 m3/s; cộng với lượng nước chạy máy phát điện thì tổng lưu lượng nước xả là 9.400 m3/s.

Đến 13h15 cùng ngày, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ lên 10.400 m3/s (tính cả 400 m3 nước chạy máy phát điện). Đây là lưu lượng xả lũ lớn nhất của nhà máy thủy điện này trong 7 năm qua (năm 2009, nhà máy xả lũ với lưu lượng trên 14.000 m3/s gây ngập nặng toàn tỉnh Phú Yên).

phu-yen-ngap-nang-4
Nước dâng cao gần ngập cả chiếc xe khách. (Ảnh FB)

Trong khi đó, từ đầu giờ chiều ngày 3/11, Nhà máy thủy điện Krông H’Năng (giáp ranh giữa Phú Yên và Đắk Lắk) đã tăng lưu lượng xả lũ về hạ lưu Phú Yên lên 1.800 m3/s.

Trước đó, ngày 1/11, thủy điện An Khê – Ka Nak bất ngờ xả lũ với mức xả 200 m3/s và đến 11h ngày 2/11 thì nâng mức xả lũ lên 600 m3/s nhưng không thông báo cho Trưởng ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Gia Lai khiến vùng hạ du không kịp trở tay. Đến tối ngày 2/11, thủy điện An Khê – Ka Nak đã xả lũ với lưu lượng 1.000 m3/s.

Cùng với các thủy điện, hồ chứa nước Phú Xuân đã vận hành điều tiết xả lũ 2 cửa tràn với lưu lượng xả 514 m3/s và hồ chứa nước Đồng Tròn điều tiết xả lũ một cửa tràn với lưu lượng 271 m3/s…

Nhiều khu vực tại Phú Yên ngập sâu, hàng trăm gia đình phải sơ tán khẩn cấp

Tại huyện Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu, tình trạng ngập nặng được ghi nhận từ đêm ngày 2/11.

Tại huyện Tuy An, các khu vực thôn Định Trung 2, Định Trung 3 và thôn Phong Niên thuộc xã An Định có nhiều ngôi nhà nước ngập đến mái. Cầu gỗ Bình Thạnh đã bị nước cuốn trôi.  

phu-yen-ngap-nang-7
Nước dâng ngập trường học tại Tuy An. (Ảnh FB)

Tại huyện Đồng Xuân, nước lũ dồn về vào đêm ngày 2/11 khiến 11 xã, thị trấn bị cô lập hoàn toàn. Tới sáng ngày 3/11, tuyến đường ĐT 641, đoạn từ thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) đi thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) bị ngập sâu trong nước.

phu-yen-ngap-nang
Nước lũ dâng cao tại huyện Đồng Xuân. (Ảnh FB)

Đặc biệt, vào chiều tối ngày 2/11, chiếc ca nô cứu hộ của huyện trong lúc chạy qua sông Kỳ Lộ đã bị lật, 4/5 người được cứu ngay sau đó, một người đàn ông bị mất tích là ông Nguyễn Thanh Tân (ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân). Đến sáng ngày 3/11, người dân phát hiện ông Tân đang đu bám trên một cây tre tại khu vực thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân). Lực lượng cứu hộ đã tới khu vực trên và tiến hành cứu nạn. Sau 11 giờ đu bám trên cây tre và kiệt sức, ông Tân được đưa vào điều trị tại Bệnh viện huyện Đồng Xuân.

phu-yen-ngap-nang-5
Nước ngập gần tới mái nhà.

Đến chiều ngày 3/11, lũ trên sông Ba tiếp tục lên nhanh, dâng cao, gây ngập hàng loạt khu dân cư. Tại TP. Tuy Hòa, nhiều con đường ngập từ 0,5 – 0,7 m, giao thông tê liệt. Hàng trăm gia đình có nhà bị ngập tại các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa phải sơ tán khẩn cấp.

phu-yen-ngap-nang-3
Người dân lùa đàn gia súc đi tránh lũ trong đêm. (Ảnh FB)

Tính đến chiều ngày 3/11, tỉnh Phú Yên đã có 7 người chết và mất tích do mưa lũ, trong đó có 4 ngư dân trên tàu cá PY 90151 TS bị lũ nhấn chìm tại cửa biển Đà Rằng. Khi chiếc tàu gặp nạn, nhiều người dân đứng trên bờ nhìn thấy nhưng không thể ra cứu vì lũ từ thượng nguồn đổ xuống quá mạnh, mưa to, gió lớn.

Hải Linh

Xem thêm: