Sân bay Tân Sơn Nhất vừa thực hiện thành công việc chuyển đổi tổ chức vùng trời khu vực kiểm soát tiếp cận nhằm tăng hiệu quả sử dụng phương thức hạ cánh, giảm tình trạng quá tải cục bộ trong vùng trời kiểm soát tiếp cận sân bay.

Theo đó, vùng trời kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất được phân chia thành 02 phân khu gồm: Phân khu kiểm soát tàu bay đếnPhân khu kiểm soát tiếp cận.

Ông Phạm Việt Dũng – Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết Tổng công ty vừa chính thức áp dụng phương thức điều hành bay 2 phân khu kiểm soát trong vùng kiểm soát tiếp cận tại sân bay Tân Sơn Nhất theo Quyết định số 426 ngày 14/03/2017 của Cục Hàng không Việt Nam.

Theo đó, chuyến bay mang số hiệu VJ121 là chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội đến TP.HCM chính thức được điều hành theo phương thức 2 phân khu trong khu vực kiểm soát tiếp cận tại sân bay.

san bay tan son nhat 3
Ngày 27/4/2017, VATM thực hiện điều hành thành công chuyến bay VJ121 theo phương thức chuyển đổi mới tổ chức vùng trời khu vực kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất. (Ảnh minh họa: Khánh Minh/TTVN)

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất thực hiện chế độ trực với chỉ 1 vị trí.

Với mật độ bay ngày càng tăng và nhiều khoảng thời gian dài trong ngày số lượng tàu bay đi, tàu bay đến sân bay trong một giờ duy trì ở mức cao, việc chỉ có 1 vị trí trực tiếp điều hành bay đã dẫn đến tình trạng quá tải khối lượng công việc cũng như quá tải tần số điều hành bay tại một số khung giờ cao điểm, đặc biệt khi tình hình hoạt động bay trở nên phức tạp, gây ảnh hưởng đến năng lực và an toàn điều hành bay.

Theo VATM, việc chuyển đổi mới phân chia thành 2 khu vùng trời kiểm soát tiếp cận sẽ giúp cho các tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu, chủ động biết trước thứ tự tiếp cận hạ cánh, tăng năng lực điều hành bay, góp phần giải quyết tắc nghẽn và tăng cường đảm bảo an toàn trên bầu trời Tân Sơn Nhất.

san bay tan son nhat 4
Sơ đồ phân chia khu vực kiểm soát tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất với đường cất hạ cánh 07L/R. (Ảnh: vatm.vn)

Bên cạnh đó, việc phân chia theo phương thức mới này còn góp phần giảm cường độ làm việc của các kiểm soát viên không lưu, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, mặc dù VATM đã áp dụng phương thức bay tiên tiến SID/STAR RNAV 1 (đã được đánh giá là một thành công) nhưng việc chỉ có một tần số duy nhất để điều hành bay trong vùng trời kiểm soát tiếp cận thường xuyên đông đúc tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ làm giảm hiệu quả của phương thức bay tiên tiến này.

Theo VATM, vùng trời khu vực kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất được phân chia thành 2 phân khu gồm: Phân khu kiểm soát tàu bay đến và Phân khu kiểm soát tiếp cận. Trong đó:

Phân khu kiểm soát tàu bay đến: có chức năng hợp nhất các tàu bay đến trong giai đoạn cuối của quá trình tiếp cận vào hạ cánh, đảm bảo thứ tự và độ giãn cách tối ưu, tăng cường hệ số an toàn và hiệu quả hơn trước khi chuyển giao tàu bay cho Đài Kiểm soát tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Phân khu kiểm soát tiếp cận: có chức năng điều hành giai đoạn đầu của các tàu bay đến, các tàu bay đi và các tàu bay khác hoạt động trong khu vực trách nhiệm:

  • Đảm bảo phân cách an toàn giữa tàu bay đến (giai đoạn đến đầu tiên) và tàu bay đi;
  • Hỗ trợ thiết lập sơ bộ thứ tự hạ cánh cho các tàu bay đến;
  • Xác định giờ dự kiến hạ cánh của các tàu bay theo thứ tự;
  • Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh hoạch định cho các tàu bay đến, bay chờ một cách hợp lý;
  • Tăng hiệu quả sử dụng phương thức hạ cánh theo công nghệ tiên tiến, giảm tình trạng quá tải cục bộ trong vùng trời kiểm soát Trung tâm Tân Sơn Nhất.

Hoàng Minh

Xem thêm: