Việc nhân-nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại Cáo)

Sự biến Thái Bình 1997, “trận càn” Tiên Lãng 2012, tiếng súng của Đặng Viết Ngọc 2013… cùng những Long An, Bắc Ninh đang nóng trong những ngày đầu hè 2017 cho thấy vụ việc tại Đồng Tâm không phải là sự việc đầu tiên và có thể không phải là cuối cùng trong những bất cập về quyền sở hữu và quản lý đất đai.

Cho tới khi những vấn đề về quyền lực, quyền lợi, và sở hữu đất đai được giải quyết, thì việc cân đối giữa lợi ích của người dân và lợi ích của các nhóm quyền lực có lẽ sẽ còn là một vấn đề mà chính quyền phải đối diện thường xuyên.

vu xa dong tam
Ông Lê Đình Kình (82 tuổi, ngụ thôn Hoành, xã Đồng Tâm), người đứng đơn khiếu kiện, nói về phần đất của người dân xã Đồng Tâm trong diện tích đất gây tranh chấp. (Ảnh chụp video/Youtube)

Sơ lược diễn biến sự việc Đồng Tâm

Năm 1980, Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định số 113/TTG thu hồi 208 ha đất giao cho Bộ quốc phòng làm sân bay Miếu Môn, trong đó có 47,36 hecta đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm.

Tháng 10/2014, Bộ quốc phòng giao Quân chủng phòng không – không quân sử dụng diện tích đất trên làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28 và đồng thời trực tiếp quản lý. Ngày 27/3/2015, Bộ quốc phòng ra quyết định 555/QĐTM thu hồi từ Quân chủng phòng không – không quân 50,03 ha đất giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel).

Người dân trên địa bàn xã Đồng Tâm đã gửi 48 đơn khiếu tố các cá nhân và chính quyền các cấp đã chiếm dụng đất, trong đó, theo công bố của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, 25 nội dung có cơ sở, 23 nội dung không có cơ sở.

Từ tháng 6/2015 tới tháng 11/2016, người dân nhiều lần phản đối, không đồng thuận với các quyết định xử lý các cá nhân vi phạm.

Đến tháng 2/2017, Viettel triển khai thi công dự án, người dân Đồng Tâm tổ chức phản đối trong nhiều ngày liên tiếp vì cho rằng một phần trong dự án Viettel đang triển khai là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm.

Ngày 30/3, Công an thành phố ra quyết định khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng”; Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng ra quyết định khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ” và vụ án “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”; ngày 15/4, cưỡng chế bắt tạm giam 4 người dân xã Đồng Tâm.

Đất bị bỏ không 37 năm, phần lớn chưa từng được làm thủ tục hợp lệ theo Luật Đất Đai năm 1993 và Bộ Quốc phòng cũng không sử dụng đúng mục đích mà Quyết định 113/TTg giao.

Do không có chủ quyền pháp lý theo luật nên xảy ra hiện tượng chiếm đoạt và tranh chấp chủ quyền với căng thẳng lên tới đỉnh điểm là việc người dân bắt giữ 38 người thuộc bên cơ quan hành chính và cảnh sát để phản đối lệnh bắt người và giữ đất của chính quyền.

Khi lợi ích của người dân được lấy làm trọng

Vụ việc tại Đồng Tâm được giải quyết theo cách “nhượng bộ”, khi sau buổi đối thoại không thành tại huyện, Chủ tịch TP Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung đồng ý về xã để đối thoại, lắng nghe kiến nghị, và sau hơn 2 tiếng, đồng ý ký vào một bản cam kết viết tay – dưới sự bảo chứng của đại biểu Quốc Hội – với 3 nội dung: thanh tra, làm rõ khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp; không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm; và chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, 19 người còn bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành được người dân bàn giao cho chính quyền trong sự ôn hòa của cả người bị giữ và tất cả những người chứng kiến. 19 người khác đã trở về từ trước trong các ngày 17 và 21/4.

Về phía người dân, 4 người dân xã bị bắt (không đọc lệnh bắt giữ, không lập biên bản bắt người, không có người chứng kiến) vào ngày 15/4 để điều tra vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” cũng đã được tạm thả, trong đó hủy quyết định tạm giữ đối với ông Lê Đình Kình (82 tuổi), chăm sóc vết thương gây ra khi bị cưỡng chế bắt cho tới khi hồi phục.

Đây được cho là ứng xử chính trị khôn ngoan khi đảm bảo an toàn cho toàn bộ 38 người bị người dân giữ, không truy tra hành vi giữ người trái luật của người dân, và đảm bảo công khai, minh bạch đối với dự án đất đai gây tranh chấp. Cách giải quyết được dư luận đồng tình, không phải theo cách nói “thua dân – thắng dân”, mà bởi lợi ích của người dân đã được lấy làm trọng, thứ nhất đảm bảo an toàn (đối với cả người giữ và bị giữ) và thứ hai, sẽ minh bạch vấn đề đất đai.

Nhưng, việc này có thể tạo nên tiền đề để đạt tới sự ổn-định thực sự giữa chính quyền và người dân, ở đây là trong vấn đề sở hữu đất đai?

Bản cam kết và thẩm quyền gây tranh cãi

Bản cam kết với 3 nội dung được xem là bước quyết định khiến sự việc Đồng Tâm kết thúc trong ôn hòa. Tuy nhiên, bản cam kết cũng trở thành điểm gây tranh cãi.

Các quan điểm phản đối cho rằng bản cam kết không có giá trị pháp lý khi nội dung thứ 2 “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm” không đúng thẩm quyền của Chủ tịch TP mà thuộc về ngành tư pháp. Vì quyết định một điều không thuộc thẩm quyền nên cam kết của ông Chung có thể bị cơ quan tư pháp bác bỏ.

Một số ý kiến khác cho rằng ông Nguyễn Đức Chung đã ứng xử trên tư cách người làm chính trị, khi trong trường hợp khẩn cấp, người thương thuyết có thể đưa ra tuyên bố/cam kết có thể giúp chấm dứt hành vi gây nguy hiểm của một đối tượng hoặc một nhóm cộng đồng.

Theo luật định, Chủ tịch UBND tỉnh thực thi các nhiệm vụ thuộc về hành pháp, và không có quyền về tư pháp như điều tra, truy tố, xét xử… Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, Nhà nước vẫn mang tính tập quyền cao (trong việc giám sát, kiềm chế các mặt lập pháp, tư pháp và hành pháp); Nhà nước do Đảng lãnh đạo.

Ở cấp thành phố trực thuộc trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, ngoài UBND TP – cơ quan hành pháp còn có Thành uỷ – cơ quan thuộc tổ chức Đảng.

Chủ tịch TP cũng đồng thời là Phó bí thư Thành uỷ. Trong khi đó, Viện trưởng viện kiểm sát và Giám đốc Công an TP chỉ là Uỷ viên ban Thường vụ Thành uỷ, tức chức nhỏ hơn Phó bí thư. Do đó, về mặt đảng, ông Nguyễn Đức Chung có toàn quyền chỉ đạo công an, viện kiểm sát, tòa án không điều tra truy tố các hành vi xảy ra tại Đồng Tâm.

Một mặt ủng hộ cách giải quyết trong hòa bình, mặt khác nghi vấn về giá trị của lời thương thuyết – điều này cho thấy việc đi từ chính sách đến thực tiễn của nhà nước bị đặt dấu nghi ngờ. Nhà nước công bố sở hữu toàn dân, nhưng thực tế dùng quyền lực tập trung gây nên những bất cập về chính sách đất đai, do đó việc dùng quyền lực này để giải quyết căng thẳng do tranh chấp đất đai bị nghi ngờ về độ khả tín. Trong buổi đối thoại, người dân Đồng Tâm thừa nhận giữ người là sai, nhưng cái sai đó xuất phát từ cái sai của chính quyền, tức người dân khẳng định vì chính sách chưa đúng nên mới đẩy sự việc đến chỗ cả làng phải đứng lên đối kháng.

Thực tế, việc thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp – một trong những hạn chế lớn nhất của chế độ tập quyền – dẫn tới tình trạng lạm quyền, lợi ích nhóm thao túng… mà những vụ cưỡng chế đất ở Ninh Hiệp, Dương Nội, Văn Giang, Long An, Sầm Sơn, Đồng Tâm là những ví dụ.

‘Lỗ hổng’ trong cơ chế

Luật Đất đai 1987 quy định về cơ chế nhà nước thu hồi đất nhưng không có cơ chế bồi thường tái định cư (Điều 14).

Luật Đất đai 1993 bổ sung thêm quy định nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; đối với đất thu hồi vì mục đích này, người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại (Điều 27). Tuy nhiên, định nghĩa về mục đích quốc phòng, an ninh là do nhà nước quyết định (theo Điều 60).

Luật Đất đai 2003 bổ sung thêm nội dung “phát triển kinh tế” bên cạnh các nội dung nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (Điều 38); đối với loại đất thu hồi này, người bị thu hồi được đền bù, tái định cư (Điều 42).

Tuy nhiên, quy định không nêu rõ ràng về nội dung “phát triển kinh tế” và phân biệt giữa phát triển kinh tế với mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 89). Điều này dẫn tới việc dự án của Viettel (tập đoàn kinh tế) bị nghi ngờ khoác lớp áo “quốc phòng” để hợp lý hóa việc chuyển giao dự án đất đai trong vụ Đồng Tâm.

Luật Đất đai 2013 nói rõ hơn về nội dung “nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế”, nhưng xác định chung đó là các dự án do Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định (Điều 62).

Điều 4 Luật Đất đai 2013 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là người đại diện và thống nhất quản lý, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng.

Cho đến nay, Nhà nước vẫn không thừa nhận “quyền sở hữu tư nhân” hay “tư hữu” về đất đai. Quyền quản lý đất đai thuộc về Nhà nước, mà nói khác đi là Nhà nước có trách nhiệm quản lý việc sử dụng, giao dịch, chuyển đổi và thu hồi quyền sử dụng đất.

Bất cập trong quyền quản lý, sở hữu và sử dụng đất đai dẫn tới nhiều sai phạm trong vấn đề đất đai (nhất là đất nông nghiệp), khiến người dân nghèo đi, mất niềm tin xã hội, phản kháng kèm bạo lực.

Cái giá của sự ổn-định, theo đó, không chỉ đơn thuần ở một cuộc thương thuyết thành công như trong vụ Đồng Tâm vừa qua, hay trong vụ xét xử, hoàn trả đất cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Cho tới khi những vấn đề về quyền lực, quyền lợi, và sở hữu đất đai được giải quyết, thì sẽ còn rất nhiều các cá nhân cô độc như Đặng Viết Ngọc, Đặng Văn Hiến với những phát súng tuyệt vọng, hay hàng trăm, hàng ngàn người dân tại Thái Bình, Văn Giang, Đồng Tâm sẽ còn kiên quyết đứng dậy. Mất mát của dân không bao giờ nên được xem như cái giá của sự ổn-định. Ngăn chặn sự việc xảy ra mới là đi tìm giải pháp thực sự.

Xuân Tường

Xem thêm: