Trong bối cảnh tỷ lệ điều tiết ngân sách nhiều khả năng bị giảm từ 23% xuống còn 18%, đồng thời nguồn vốn ODA ngày càng khó khăn, TP. HCM đang tìm kiếm nhiều giải pháp để sử dụng nguồn vốn đầu tư cho các chương trình phát triển của mình.

ket-xe-tai-tphcm-tim-kiem-cac-nguon-von-xa-hoi-3
TP. HCM đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề “nóng” như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường,… (Ảnh: vnexpress.net)

Tại cuộc họp ngày 26/10, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM cho biết, nguồn vốn đầu tư của thành phố cho 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016 – 2020 là 217.259 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào khả năng cân đối vốn ngân sách của thành phố trong giai đoạn trên, thành phố chỉ cân đối được khoảng 130.000 tỷ đồng (bằng 60% nhu cầu).

Trong khi đó, việc vay từ nguồn vốn ODA ngày càng khó khăn vì thành phố không còn được nhận viện trợ mà chỉ được vay trong thời gian ngắn với lãi suất cao hơn trước, đồng thời phải dành tiền trả nợ và giải quyết các vấn đề “nóng” như ngập nước, kẹt xe,… Thành phố đang phải tìm các giải pháp để huy động và triển khai linh hoạt các nguồn vốn này.

Huy động đầu tư xã hội hóa

Bên cạnh các giải pháp như: thông qua các chương trình, dự án đầu tư công với nguyên tắc huy động vốn đến đâu thực hiện đến đó; linh hoạt chuyển đổi dự án nếu có các thành phần kinh tế ngoài nhà nước quan tâm bằng hình thức chuyển từ nguồn vốn ngân sách sang các hình thức đầu tư khác, TP. HCM cũng cần đến nguồn vốn xã hội hóa, kích cầu và từ các tổ chức tài chính.

Theo đó, các lĩnh vực y tế, giáo dục cần huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa, trước tiên có thể thực hiện thí điểm ở một vài bệnh viện, trường học.

Đối với đầu tư xã hội hóa trong phát triển hạ tầng, ông Võ Văn Hoan – Chánh Văn phòng UBND TP. HCM cho rằng, thành phố nên đánh giá lại hình thức BT xem doanh nghiệp lợi bao nhiêu so với đồng vốn bỏ ra, qua đó tính toán lại để giảm bớt thiệt hại cho ngân sách nhà nước; Tiến hành rà soát lại đối với đất, mặt bằng bị chiếm dụng hoặc cho thuê để có lộ trình xây dựng quỹ đất sạch khi thực hiện các dự án BT.

Ông Hoan cũng cho rằng, đối với việc thực hiện 7 chương trình của thành phố, cần rà soát, cân nhắc lại các danh mục, xem dự án nào ưu tiên thực hiện trước.

>> Đề xuất xây hầm chui tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Kiến nghị giữ tỷ lệ điều tiết 21% (xin giảm 2% – tương đương 7.200 tỷ đồng)

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trước khả năng bị giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách của thành phố (từ 23% xuống 18%), thành phố đã có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Chính trị,… giữ tỷ lệ điều tiết 21% (xin giảm 2%).

Ông Tuyến cho hay, năm 2017, thành phố được giao chỉ tiêu ngân sách là 360.000 tỷ đồng, nếu giảm 2% thì thành phố cũng mất đến 7.200 tỷ đồng; cùng với đó là việc sắp tới, Quốc hội, Chính phủ đều thắt chặt nguồn vay.

Đưa ra giải pháp tiết kiệm nguồn vốn, theo ông Tuyến, sắp tới, TP. HCM có thể không đầu tư xe công mà chuyển sang thuê xe. Ông Tuyến cho rằng, không mua xe sẽ không phải tốn chi phí bảo trì; thay vì mua sắm, đầu tư công thì nên thuê; đồng thời, trong các dự án của thành phố cần đưa ra các giải pháp công nghệ mới, tránh đưa công nghệ cũ vào vừa lãng phí, thất thoát, vừa có thể xảy ra những hành vi trục lợi.

7 chương trình đột phá của TP. HCM giai đoạn 2016 – 2020:

  1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
  2. Cải cách hành chính
  3. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố
  4. Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông
  5. Giảm ngập nước
  6. Giảm ô nhiễm môi trường
  7. Chỉnh trang và phát triển đô thị

Hải Linh

Xem thêm: