Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến chiều ngày 8/12, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi và sông Lại Giang sẽ đạt đỉnh, rủi ro thiên tai cấp 3. Dự báo miền Trung sẽ lại bị ngập sâu trong nước.

Bản tin cũng dự báo tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt tại vùng trũng, ven sông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.

Tại Bình Định

Theo thông tin từ Báo Bình định cho biết nhiều vùng ở các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn, An Lão ngập sâu trong nước do lũ về dồn dập, hàng nghìn ngôi nhà chìm trong nước, người dân bì bõm sơ tán tài sản.

Mưa lũ khiến nhiều vùng ở Bình Định bị cô lập. Ảnh Báo Bình Định
Mưa lũ khiến nhiều vùng ở Bình Định bị cô lập. (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)

Thông tin cho biết đợt lũ mới từ ngày 5 đến sáng 7/12, đã có tiếp tục mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa đo được tại nhiều nơi vượt quá 300 mm, như An Hòa 308mm, hồ Kim Sơn 393mm, hồ Trong Thượng 544mm, hồ Núi Một 382mm, hồ Quang Hiển 307mm.

Vì vậy các hồ chứa, đập thủy điện nước cũng dâng cao, nhiều hồ đang phải xả tràn, ví dụ tại hồ Định Bình lúc 10 giờ ngày 7/12 ở cao trình 91,46; lưu lượng đến 900m3/giây, lưu lượng nước qua cửa tràn 890m3/giây, tức là hồ không còn có khả năng tích nước, phải xả tràn.

mua-lu-binh-dinh
Lũ tiếp tục xuất hiện, làm ngập sâu trở lại nhiều địa phương ở Bình Định. )(Ảnh: DT/plo.vn)

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, sáng 7/12, mưa lũ đã làm nhiều nơi ngập sâu  từ 1-1,5m; giao thông liên xã chia cắt, cầu cống bị sạt lở nặng.

Cụ thể, thị xã An Nhơn, các tuyến đường từ cầu Trường Thi – Quốc lộ 19; Hòa Nghi – Long Quang, Phụ Quang, Huỳnh Kim, Kim Châu, Mai Xuân Thưởng, Liêm Trực bị ngập lũ .

Tại An Lão, tuyến đường từ thị trấn An Lão đi An Trung, An Toàn bị ngập tại cầu tràn Bến Nhơn gây chia cắt không đi lại được. Tại huyện Hoài Ân, cầu Mỹ Thành, cầu Vạn Trung ngập 1m, chia cắt giao thông xã Ân Mỹ, xã Ân Hảo.

Còn tại huyện Vân Canh,  cầu Bình Long xã Canh Vinh sập một nhịp gây chia cắt.

Tại Tuy Phước, các xã: Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa bị ngập sâu;  hệ thống đê Đông đoạn từ  thôn Tân Giản đến tràn Đập Mới nước tràn qua đê 0,5m. Tuyến đường ĐT 640 nước ngập các đường tràn, giao thông liên xã bị chia cắt.

Tại huyện Phù Cát, các xã Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Nhơn ngập từ 1,5m – 2m, giao thông chia cắt.

Tại huyện Phù Mỹ, vùng ngập sâu là Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Tài, Mỹ An, còn xuất hiện lốc xoáy, nước lũ đổ về mạnh đã làm cô lập nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện, nước lũ chảy xiết đã làm xói lở các nhà dân sống dọc các đoạn tràn ở thôn Lương Trung, Lương Thái và An Xuyên 3.

Tại Quảng Ngãi

Đài khí tượng thuỷ văn Quảng Ngãi cho biết vào sáng ngày 8/12, vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Mực nước lũ trên các sông trong tỉnh đang lên cao, lũ trên sông Vệ sẽ lên trên mức BĐ3: 1.20m, chỉ thấp hơn lũ lịch sử năm 2013 có  0.33m.

Do mưa lớn kéo dài, nên lũ ở sông tăng nhanh, trưa 8/12, lũ trên các sông trong tỉnh tiếp tục lên cao đe dọa đến hầu hết các huyện Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Sơn Hà, Sơn Tây, Tư Nghĩa, Bình Sơn đang ngập lụt sâu.

Quảng Ngãi ngập lớn trong đêm 7/12. (Ảnh: Thư Ngọc Huỳnh/FB Tôi yêu Quảng Ngãi)
Quảng Ngãi ngập lớn trong đêm 7/12. (Ảnh: Thư Ngọc Huỳnh/FB Tôi yêu Quảng Ngãi)

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Quảng Ngãi cho biết, đến cuối giờ chiều ngày 7/12, số người chết, mất tích và bị thương được ghi nhận trong 2 đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 30/11 đến nay, đã lên đến 12 người.

Về tài sản có 1.840 ngôi nhà bị ngập lụt (80 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn); 1.500 ha hoa màu, 500 ha các cây trồng khác và  500.000 chậu hoa và số lượng giống nông dân đã ngâm ủ để chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân đã bị hư hại hoàn toàn do mưa lũ.

Đồng thời, mưa lũ liên tiếp trong những ngày qua làm cho rất nhiều công trình giao thông, 11 đập thủy lợi và 18 tuyến kênh bị hư hỏng và cơ sở hạ tầng khác của tỉnh bị thiệt hại nghiêm trọng cùng với vấn đề sạt lở bờ sông, suối và nguy cơ về ô nhiễm môi trường sau lũ đang làm cho đời sống và sản xuất nhân dân có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lũ chồng lũ

Lũ gây ngập nhà cửa, đường sá khiến tất cả mọi hoạt động thường nhật của người dân bị ngưng trệ hoàn toàn, nhiều trường học phải đóng cửa, cuộc sống của người dân đảo lộn rất khó khăn.

Đến nay các tỉnh miền Trung này đã trải qua 3 đợt lũ lớn. Cứ khi lũ rút thì người dân dọn dẹp, cào bùn non ra khỏi nhà, nhưng họ chưa kịp ổn định thì lại phải tiếp tục tháo chạy tránh lũ. Dọn dẹp hậu quả của trận lũ trước chưa xong, rồi lũ lại đến, đồ đạc tài sản không kịp di dời bị cuốn trôi theo dòng nước. Gia cầm vật nuôi, trâu bò lợn gà, cây trồng, hoa kiểng … chuẩn bị cho đợt Tết cũng bị cuốn trôi.

Tâm Sáng

Xem thêm: