Cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn và cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn sẽ được khởi công vào ngày 8/2 nhằm giảm ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn được xây dựng theo hình chữ Y (cầu bê tông), trong đó một nhánh dẫn vào nhà ga quốc tế dài 303,8m, một nhánh dẫn vào nhà ga quốc nội dài 153,8m. Dự án có tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng.

cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất
Phối cảnh cầu vượt tại nút giao thông Trường Sơn – nhánh đường Bình Lợi – Tân Sơn Nhất – vành đai ngoài (Q.Tân Bình). (Nguồn: Sở GTVT TP.HCM)

Hiện các đơn vị thuộc Sở GTVT đang bàn các phương án phân luồng giao thông trong thời gian xây dựng công trình. Việc phân luồng giao thông sẽ được công bố trước ngày khởi công.

Sau khi hoàn thành, dòng xe đi vào sân bay và dòng xe đi từ đường Trường Sơn ra đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi sẽ được phân luồng đi trên cầu vượt và phía dưới nên không còn gặp nhau tại nút giao Trường Sơn. Vì thế, sẽ giảm được tình trạng ùn tắc tại nút giao này.

Cầu có tĩnh không 4,75m, mặt đường dưới cầu rộng 40 m được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu kết hợp với các đảo phân làn. Tổng mức đầu tư hơn 242 tỷ đồng.

Cùng ngày 8/2, Sở GTVT TP.HCM cũng sẽ khởi công cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn.

Theo thiết kế, cầu vượt bằng thép có dạng hình chữ N, gồm một cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn (dài 367,7m), một cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm – Hoàng Minh Giám (dài 367,7m) và một cầu vượt từ đường Hoàng Minh Giám – Nguyễn Thái Sơn (dài 362,8m).

cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất
Phối cảnh cầu vượt hình chữ N ở vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp, Phú Nhuận). (Nguồn: Sở GTVT TP.HCM)

Ngoài việc xây dựng cầu vượt, Sở GTVT sẽ mở rộng đường ra vào các nút giao để đảm bảo cho xe thoát nhanh qua giao lộ; xây dựng hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn led, trồng cây xanh…

Do công trình thi công trên phần đất mở rộng công viên Gia Định và một phần ở khu đất bệnh viên 175 nên không tổ chức phân luồng giao thông tại đây. Theo đó, các xe vẫn lưu thông bình thường ở khu vực vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn.

Tổng mức đầu tư của dự án là 504 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT TP.HCM, sau khi đưa vào sử dụng, 2 dự án cầu vượt trên sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, Sở này cho biết sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ có một lối ra vào duy nhất, cơ sở hạ tầng phục vụ cảng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch nên thường xảy ra ùn tắc. Vì vậy, trong năm 2017, Sở sẽ triển khai 6 dự án kéo giảm tình trạng này tại các tuyến đường vào sân bay với tổng vốn đầu tư 1.380 tỷ đồng.

Trong đó, 2 dự án cầu vượt trên được làm theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng, sẽ hoàn thành trong năm 2017.

Bốn dự án còn lại gồm:

  • Dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám – đoạn gần đường Phổ Quang (quận Phú Nhuận)
  • Mở rộng đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) – đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả
  • Đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) – đoạn từ Cộng Hòa vào sân bay
  • Mở rộng đoạn đường Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình)

Sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải khi công suất đến năm 2020 là 25 triệu hành khách/năm, nhưng hiện đã đón 32 triệu lượt người, vượt 30% so với thiết kế.

Các điểm thường xuyên ùn ứ quanh sân bay Tân Sơn Nhất. (Đồ họa: LH/plo.vn)
Các điểm thường xuyên ùn ứ quanh sân bay Tân Sơn Nhất. (Đồ họa: LH/plo.vn)

Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng PC67 TP.HCM, trung bình mỗi ngày có khoảng 85.000 lượt người ra vào sân bay và khoảng 10.000 người làm việc tại đây, chưa kể người dân ở khu vực, cùng với những người dân khác có nhu cầu qua lại khu vực này.

Điều này khiến các tuyến đường bên ngoài sân bay thường xuyên bị ùn tắc nghiêm trọng cả ngoài khung giờ cao điểm.

Nguyễn Quân

Xem thêm: