Với hơn 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ, mỗi năm tiêu tốn 3.000 tỷ đồng nghiên cứu phát triển, nhưng nhiều đề tài nghiên cứu hầu như không thể đưa vào ứng dụng. Điều này dẫn đến việc cấp bách phải có biện pháp để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

nang-cao-chat-luong-dao-tao-tien-si
(Ảnh minh họa: qua topuniversities.com)

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2016 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) vào ngày 27/12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay: “Nền khoa học Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thành quả và các tác động thực tiễn”.

Trước đó, tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 21/6/2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết hàng năm chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là khoảng 3.000 tỷ đồng, nhiều đề tài nghiên cứu xong rồi xếp vào ngăn kéo, trong khi các lĩnh vực kinh tế lại rất cần ứng dụng công nghệ.

Số lượng các nhà nghiên cứu của Việt Nam rất nhiều, theo thống kê Viện thông tin khoa học (ISI) cả nước có 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ.

Dù số lượng nhiều nhưng số lượng ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt kém xa ngay cả khi so với các nước trong cùng khu vực. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales, Australia đã mô tả số lượng và năng suất công bố khoa học của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực qua biểu đồ được đăng trên website của tạp chí Quốc tế thuộc danh mục ISI.

bieu-do-an-pham-khoa-hoc

Trước thực tiễn chất lượng nghiên cứu hiện nay, vào tháng 11 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức buổi tọa đàm “Nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ”, nhận định những bất cập của việc đào tạo tiến sĩ để từ đó tìm giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

Các giải pháp xoay quanh vấn đề đào tạo tiến sĩ là đào tạo nghiên cứu phát triển, sản sinh tri thức mới, chứ không phải là đào tạo kỹ năng để hành nghề.

PGS.TS Vũ Lan Anh, hiệu phó trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng hiện nay đa số tiến sĩ được đào tạo từ trong nước, nên cần phải đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo ngang với các nước trên thế giới, người hướng dẫn phải đạt chuẩn để nâng cao đào tạo tiến sĩ đạt chuẩn quốc tế.

GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước đưa vấn đề các nước trên thế giới có định nghĩa rất rõ ràng về tiến sĩ, ở Việt Nam cũng cần đưa ra khái niệm đầy đủ thế nào là tiến sĩ.

GS Nhung cũng đề nghị phải có tiêu chuẩn tiến sĩ cụ thể. Ví dụ với khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, phải có phát minh, yêu cầu không dưới 2 bài báo quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI; ngành khoa học xã hội nhân văn không cần phải có công bố quốc tế ngay, nhưng cũng cần có các tiêu chuẩn định lượng rành mạch.

Các tiêu chỉ cần theo chuẩn mực thế giới nhằm đạt được chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Các tiến sĩ khi bảo vệ luận án phải có nghiên cứu và bằng phát minh mới.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng đồng ý việc cần phải có tiêu chí rõ ràng thế nào là tiến sĩ để tạo cơ sở cho các tổ chức đào tạo thực hiện đúng theo tiêu chí này.

GS Đức cho rằng: “Tiến sĩ giỏi, giáo sư giỏi, thực tài, được sử dụng đúng, trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng sẽ tạo được động lực cạnh tranh lành mạnh trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, trong đó có việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Nhưng tiến sĩ rởm và hư danh sẽ không còn đất để nảy nở và xã hội đào thải. Còn hòa cả làng, nếu đánh đồng bằng cấp năng lực, “vàng thau lẫn lộn” trong sử dụng và đãi ngộ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng chất lượng và quy mô lớn đào tạo tiến sĩ hiện nay”.

GS Nhung cũng cho rằng Bộ Giáo dục cần có yêu cầu đầu vào tiến sĩ phải có ngoại ngữ tốt, vì ngoại ngữ là công cụ cần thiết để thỏa mãn nghiên cứu.

Bên cạnh đó GS Nhung cũng đề nghị rằng cần có hội đồng tư vấn chất lượng khoa học tầm quốc gia để tham gia đánh giá chất lượng các luận án, cơ quan này cần hoạt động độc lập chứ không thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo.

Trước các ý kiến về nạn “sao chép” luận án hiện nay, GS Nhung cho rằng không có phần mềm nào thay thế con người trong việc phát hiện đạo văn. Tuy nhiên, ông lưu ý việc “đạo” có khi lại không nguy hiểm bằng việc sao chép ý tưởng bằng cách diễn đạt lại bằng giọng văn của mình.

Theo GS Nhung, để chống nạn “ăn cắp” ý tưởng, cách tốt nhất là tận dụng cách làm của thế giới, là yêu cầu về bài báo công bố quốc tế. Vì bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín sẽ phải trải qua những vòng phản biện rất chặt chẽ.

PGS Vũ Lan Anh đề xuất Bộ Giáo dục nên bổ sung điều kiện đầu vào nghiên cứu sinh là phải có nghiên cứu, cụ thể là bài báo hay bài tham dự hội thảo khoa học thì mới nhận.

Trần Hưng

Xem thêm: