Dự thảo luật an ninh mạng của Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc áp dụng những quy định này tại Việt Nam chưa phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

Ngày 1/6/2017, Luật an ninh mạng tại Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Việt Nam cũng đã đưa ra dự thảo Luật an ninh mạng, sẽ được Quốc hội thảo luận vào ngày 13/11 tới đây. Qua nghiên cứu, có thể thấy dự thảo Luật của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, trong đó nổi bật là quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt máy chủ trên lãnh thổ nước sở tại; yêu cầu người dùng cung cấp thông tin xác thực; và yêu cầu doanh nghiệp cũng như người dùng Internet phải làm theo hướng dẫn về an ninh mạng của chính quyền.

Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có nên áp dụng giống Trung Quốc?

IllegalFlowerTribute1 1
Người dân “tưởng nhớ” Google khi công ty này đóng cửa tại Trung Quốc năm 2010 (Ảnh: Wikipedia)

Luật an ninh mạng Trung Quốc vấp phải nhiều chỉ trích quốc tế

Luật an ninh mạng đã được Trung Quốc thông qua vào tháng 11 năm 2016 và có hiệu lực từ tháng 6 năm 2017, bất chấp nhiều lời phản đối và kêu gọi hoãn thực thi từ các chính phủ và các tập đoàn lớn.

Cuối tháng 9 năm 2017, Hoa Kỳ đã đệ trình văn bản lên Hội đồng Dịch vụ WTO (Tổ chức thương mại thế giới) yêu cầu Trung Quốc không áp dụng các đạo luật mới về an ninh không gian mạng và cáo buộc rằng các quy tắc này có thể ảnh hưởng đến các dịch vụ xuyên biên giới thông qua sự hiện diện thương mại ở nước ngoài.

“Các biện pháp của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn, ngăn chặn và trong nhiều trường hợp cấm việc chuyển giao thông tin xuyên quốc gia trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.

“Tác động của các biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể tới các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, vì các nhà cung cấp này phải thường xuyên chuyển dữ liệu về trụ sở chính và các chi nhánh khác”.

Trước đó, một liên minh toàn cầu bao gồm Liên minh Kinh doanh Phần mềm (Business Software Alliance), Phòng Thương mại Hoa Kỳ và các nhóm thương mại đại diện cho các công ty bảo hiểm, CNTT và các nhà sản xuất từ Anh, Nhật, Úc, Mexico và Hàn Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng việc thực thi Luật an ninh mạng mới vì luật này vi phạm các cam kết về tự do thương mại của Bắc Kinh.

Nhiều doanh nghiệp cho biết rằng họ sẽ phải đấu tranh để hoạt động dưới chế độ mới và những từ ngữ mơ hồ của các quy định này sẽ khiến các công ty nước ngoài gặp khó khăn.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền Bắc Kinh không có hồi đáp về những cáo buộc này, và các doanh nghiệp trong phạm vi đề cập của luật này sẽ có 19 tháng kể từ tháng 6/2017 để tuân thủ theo các quy định đó.

Như vậy, nếu Việt Nam cũng dự định áp dụng những quy định nói trên, Việt Nam rất có khả năng sẽ chịu những chỉ trích tương tự từ quốc tế, bởi Việt Nam hiện cũng đang là thành viên của WTO và trước đó đã cam kết tại nội dung về thương mại điện tử trong Hiệp định TPP là “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó” (Khoản 2 điều 14.13).

Điều này rất bất lợi với Việt Nam khi đang cố gắng thúc đẩy hợp tác quốc tế, tự do thương mại cũng như trong nỗ lực dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa, là một nước nhỏ, Việt Nam cần có nền tảng công nghệ và sự đầu tư quốc tế để phát triển hơn là ở vị thế ra điều kiện làm khó cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Hạ tầng công nghệ của Việt Nam còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu người sử dụng

Với sự kiểm duyệt thông tin gắt gao, các ông lớn công nghệ trên thế giới như Google, Facebook, Twitter, YouTube, Instagram, Yahoo v.v.. đều bị “cấm cửa” ở Trung Quốc. Tuy thế, từ lâu ở Trung Quốc đã có những “bản sao” nội địa tương tự để phục vụ thị trường hơn 700 triệu người sử dụng internet này.

Baidu là Google của Trung Quốc, WeChat là một “phiên bản” của WhatsApp, Weibo thay thế Twitter, Youku thay cho YouTube, Ren Ren thay Facebook, QQ Mail thay Gmail. Về thương mại điện tử thì Amazon hay eBay không có cửa để vượt qua gã khổng lồ Alibaba của tỷ phú Jack Ma.

Sự thống trị của các công ty quốc nội ở thị trường Internet tại Trung Quốc không chỉ được hậu thuẫn bởi cơ sở hạ tầng lớn mạnh sẵn có, nguồn tài chính dồi dào, mà còn ở sự bảo hộ rất lớn từ chính phủ với những quy định hết sức khắt khe với doanh nghiệp nước ngoài. Đó cũng là cách để chính phủ Trung Quốc kiểm soát người sử dụng mạng và kiểm soát an ninh mạng triệt để.

Trở lại với Việt Nam, dự thảo luật an ninh mạng nếu được thông qua có thể sẽ khiến những công ty như Google, Facebook, YouTube v.v.. không thể đáp ứng được các quy định, và không còn hoạt động tại Việt Nam nữa. Trong khi đó, hạ tầng của Việt Nam với những hạn chế về mặt công nghệ, tiện ích, tính năng chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi và kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Nếu Việt Nam gián tiếp hạn chế người dùng với hệ thống hạ tầng của riêng mình như vậy, thì với trình độ, nguồn lực và quản lý đều còn yếu kém sẽ tự đưa mình vào thế cô lập, kìm hãm giao thương và tự do thông tin.

Trong bối cảnh hiện nay, phần lớn người dùng tại Việt Nam đã quen thuộc và sử dụng các kênh thông tin trên trong cuộc sống và công việc hàng ngày, việc ngừng cung cấp dịch vụ sẽ không chỉ gây ra sự tê liệt về thông tin liên lạc, mà còn gây nên tâm lý bất mãn, tiêu cực của người dân cũng như sự xáo trộn mạnh mẽ trong hoạt động của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, gây thiệt hại to lớn đến nền kinh tế.

Đảm bảo an ninh mạng không có nghĩa là hạn chế sự phát triển và đi ngược với xu thế chung của thế giới

Có thể thấy một nội dung chính quan trọng mà hai luật an ninh mạng của Trung Quốc và Việt Nam đều nhấn mạnh vào, đó là việc bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ nhà nước, chống phá rối an ninh mạng…

Không thể phủ nhận không gian mạng tiềm tàng nhiều nguy cơ và ảnh hưởng tiêu cực như việc vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền, nguy cơ gián điệp; hay kẻ xấu lợi dụng môi trường Internet để phát tán thông tin độc hại, tung tin giả, vu khống bôi nhọ cá nhân tổ chức…

Tuy nhiên, giải pháp khắc phục không nên là kiểm duyệt kiểm soát một cách cực đoan, không phù hợp với điều kiện của quốc gia và xu thế phát triển chung của thế giới. Mạng Internet chỉ đóng vai trò như một nền tảng công nghệ trung gian nơi người sử dụng chia sẻ thông tin, vì vậy, việc xử lý những tiêu cực do mạng Internet mang lại không thể chỉ nhắm vào “công cụ” là có thể giải quyết.

Việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ đặt máy chủ tại nước sở tại cũng không thực tế và thiếu tính khả thi, bởi việc xây dựng những trung tâm dữ liệu (Cloud Campus) có kinh phí lên tới hàng tỷ đô, đồng thời liên quan đến nhiều yếu tố về vị trí, nhân lực, bảo mật thông tin và chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để góp ý về dự thảo luật An ninh mạng cũng đã nêu quan điểm rằng việc đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng quy trình đảm bảo an ninh mạng đối với dữ liệu trên đó. Máy chủ đặt ở đâu cũng sẽ không có ý nghĩa về an ninh thông tin nếu quy trình, kỹ thuật, công nghệ không đáp ứng yêu cầu chuẩn mực.

Mặt khác, VCCI chỉ ra quy định phải đặt máy chủ tại Việt Nam trong dự luật là trái với các cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), quy định về Thương mại điện tử tại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đã tham gia.

Đối với quy định phải xác thực danh tính người dùng, với hơn 50 triệu người sử dụng Internet và hơn 46 triệu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam như hiện nay, việc có đủ thiết bị lưu trữ, hạ tầng, kinh nghiệm, con người để quản lý được khối dữ liệu nói trên không đơn giản, chưa kể nguy cơ rò rỉ thông tin và doanh nghiệp hay cá nhân lợi dụng thông tin vào những mục đích trái phép.

Do đó, việc liệu Việt Nam có nên áp dụng những quy định gây tranh cãi, mang tính áp chế như ở Trung Quốc hay không cần cơ quan quản lý xem xét một cách thiết thực dựa theo điều kiện thực tế ở Việt Nam và theo hướng đặt lợi ích chung của quốc gia, của người dân lên trên. Pháp luật được đặt ra không nên chỉ vì một vấn đề riêng lẻ mà ảnh hưởng tới lợi ích chung của người dân, của quốc gia, của sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập với thế giới.

Tuệ Minh

Xem thêm: