Trong khi cả ba dòng sông Krông Knô, sông Đa Nhim và sông Đồng Nai từ nhiều năm qua đều bị báo động bởi tình trạng thiếu hụt cát sỏi do thủy điện chặn dòng và việc khai thác cát, thì chỉ trong tháng 4/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp 1 giấy phép thăm dò khoáng sản, 2 giấy phép khai thác kháng sản (khai thác cát) thời hạn lần lượt 7 năm và 13 năm tại các nhánh sông, suối thượng nguồn các con sông này. 

Cụ thể, ngày 21/4, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép số 24/GP-UBND cho phép Công ty TNHH Tỉnh Giang khai thác cát xây dựng tại lòng suối Đắk Heur (xã Lát, huyện Lạc Dương).

Phương pháp khai thác lộ thiên. Trữ lượng khai thác là 51.448m3, công suất 4.000m3 nguyên khối/năm. Thời hạn 13 năm khai thác kể từ ngày ký giấy phép.

Ngày 14/4, UBND tỉnh cấp giấy phép số 726/GP-UBND chấp thuận cho Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Đơn Dương khai thác cát xây dựng tại bãi bồi sông Đa Nhim (đoạn qua xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương).

Công suất khai thác 20.000m3/năm trong thời hạn 7 năm; trữ lượng khai thác 140.000m3.

Bản đồ sông Đồng Nai. (Nguồn: vncold.vn)
Bản đồ dòng chảy sông Đa Nhim, sông Đa Dâng, sông Đồng Nai. (Nguồn: vncold.vn)

Về việc thăm dò khoáng sản, ngày 24/4, Chủ tịch UNBD tỉnh cấp giấy phép số 25/GP-UBND cho Công ty CP Đầu tư Hải Hưng Thịnh được thăm dò cát làm vật liệu xây dựng tại lòng sông Đa M’Bri (xã Phước Lộc, huyện Đạ Hoai).

Khu vực thăm dò rộng 31,6 ha (tương đương 11km chiều dài lòng sông), độ sâu từ 1-2m. Thời hạn thăm dò trong 4 tháng.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng vừa ký quyết định chủ trương đầu tư (văn bản số 744/QĐ-UBND ngày 18/4/2017) đối với dự án khai thác cát xây dựng tại bãi bồi sông Đa Dâng (đoạn thuộc thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) do Công ty TNHH Vĩnh Phát làm chủ đầu tư.

Dự án có công suất 3.000m3/năm, thời gian khai thác trong 6,5 năm, dự kiến quý 2/2017 thực hiện các bước chuẩn bị, quý 3/2017 đi vào vận hành khai thác.

Điều đáng bàn là các khu vực cấp phép hoặc dự kiến cấp phép cho khai thác cát trên đều thuộc dòng chảy phía thượng nguồn của các con sông lớn của tỉnh Lâm Đồng.

Suối Đak Heur là phụ lưu nhỏ của sông Krông Knô. Công trình thủy điện Yan Tann Sien với công suất lắp máy 19,5 MW nằm trên nhánh suối này.

Sông Đa Nhim bắt nguồn từ huyện Lạc Dương (núi Gia Rích), chảy gần như dọc hết huyện Đơn Dương, rẽ ngang sang huyện Đức Trọng đổ vào sông Đa Dâng. Sông Đa Dâng chảy hết tỉnh Lâm Đồng tới huyện Cát Tiên, từ đây xuôi về phía nam, sông Đa Dâng được gọi là sông Đồng Nai.

Trong khi đó, sông Đa M’Bri là một trong hai nhánh chính của sông Đa Huoai, một phụ lưu trái của sông Đồng Nai.

Từ nhiều năm qua, cả ba dòng sông Krông Knô, sông Đa Nhim và sông Đồng Nai đều bị lên tiếng báo động trước tình trạng thiếu hụt cát sỏi do thủy điện chặn dòng và việc khai thác cát. Các dòng chảy bị thay đổi, hai bờ bị sụt lún, nhiều diện tích đất canh tác bị sạt lở… Việc cho phép khai thác cát nhiều năm tại các dòng thượng nguồn sẽ khiến lượng cát về hạ nguồn vốn đã bị hạn chế do các đập thủy điện và nạn khai thác cát tràn lan, nay càng cạn kiệt.

Trả lời Báo Tiền Phong (ngày 22/3/2017) về việc cấp phép, quản lý khai thác cát sỏi nên là do Bộ GTVT cấp phép chứ không phải UBND cấp tỉnh, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN-MT cho biết hiện Bộ TN-MT đang dự thảo thông tư riêng về quản lý cát sỏi lòng sông.

Thông tư sẽ làm rõ mối liên quan giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý khai thác cát sỏi, từ đó ra quy định về việc quy hoạch, cấp phép, thăm dò khai thác đến thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát, sỏi, tránh tình trạng địa phương này cấp phép, địa phương kia không cấp phép nhưng địa phương không cấp phép vẫn có thể bị ảnh hưởng (do dòng chảy đi qua nhiều tỉnh, dòng chảy là đường phân thủy giữa hai tỉnh, do khai thác trộm vào ban đêm…)

Nguyễn Quân

Xem thêm: