Những người yêu bóng đá Việt Nam đã có một đêm thứ Bảy không ngủ với chiến tích của các cầu thủ U23 tại trận tứ kết giải bóng đá U23 Châu Á. Chiến thắng đầy cảm xúc của các chàng trai trẻ Việt trước các đồng nghiệp cùng trang lứa đến từ Iraq khiến cho người dân nức lòng, cảm thấy hạnh phúc hơn, lạc quan hơn…. và giúp họ xua đi những nhọc nhằn cơm áo, những hằn học sớm hôm với thời thế – thế thời.

Một chiến thắng hay rộng hơn là thành công ở một giải đấu chưa thể đưa đẳng cấp của bóng đá Việt Nam đứng ngang tầm với các đội mạnh hàng đầu Châu Á, nhưng thắng lợi này cho thấy người Việt hoàn toàn có thể thành công trong môn “thể thao Vua” và bất kỳ lĩnh vực nào khác nếu phát huy được đúng năng lực và điểm mạnh nhất của mình: Tinh thần Việt.

Tap the doi tuyen U23 Viet Nam
Tập thể đội tuyển U23. Việt Nam tại giải vô địch U23 Châu Á 2018

Rất nhiều các thành công trước đây của bóng đá Việt Nam như thắng Thái Lan 3-0 ở bán kết Tiger Cup 1998, vô địch AFF Cup 2008 và thắng Olympic Iran ở Asiad 2014…, giới chuyên môn, báo giới và người hâm mộ đều có chung đánh giá rằng tinh thần thi đấu chính là yếu tố quyết định giúp các cầu thủ Việt Nam vượt qua đối thủ, cho dù đẳng cấp chơi bóng của chúng ta có thể thua kém hơn. Nhưng phải tới khi HLV người Hàn Quốc Park Hang-seo dẫn dắt các cầu thủ U23, chúng ta mới thấy rõ hơn giá trị và sức mạnh của tinh thần Việt Nam. Ông Park có chuyên môn giỏi là điều không phải bàn cãi, nhưng cái giỏi hơn cả của vị cựu trợ lý của HLV Guus Hiddink là giúp các chàng trai trẻ Việt Nam phát huy được tối đa khả năng bản thân và khơi gợi được tinh thần dân Việt.

Vậy tinh thần Việt Nam là gì? Qua đội bóng U23 Việt Nam, chúng ta có thể thấy đó là ý thức tập thể, đoàn kết; khả năng thích nghi và hòa nhập văn hóa; đức tính kiên cường, không chịu khuất phục trước khó khăn, thử thách. Đoàn quân của HLV Park Hang-seo có sự đoàn kết, đồng lòng từ trên xuống dưới, tuyệt đối tuân thủ chiến thuật của ban huấn luyện đề ra. Các cầu thủ trẻ thích nghi nhanh với sơ đồ chiến thuật mới 3-4-3 và các biến thể, cho dù trước đây ở CLB hay các cấp độ đội tuyển họ đều chỉ quen đá sơ đồ 4-4-2 hoặc 5-3-2. Và khả năng kiên nhẫn, chịu trận, không bị nghợp trước đối phương mạnh mẽ của các cầu thủ U23 Việt Nam là quá tốt với cả 4 trận đấu vừa qua phải chơi ở thế cửa dưới, thường xuyên bị ép về phòng thủ ở nửa phần sân nhà.

Tinh thần Việt Nam ấy không đơn giản là ý chí “quyết chiến, quyết thắng” gượng ép mà chúng ta đã được nghe quen tai sau mỗi thắng lợi của bóng đá Việt Nam hoặc các chiến tích của người Việt trên các lĩnh vực khác.

Tinh thần Việt Nam hay nói rộng hơn là tâm lý chung của dân tộc Việt Nam là sự tổng hòa của truyền thống người Việt qua nhiều thời kỳ lịch sử dựa trên tập tục văn hóa, điều kiện địa lý và môi trường xã hội, tạo nên một cách hành xử chung, lâu ngày cách hành xử này tạo thành thói quen và những thế hệ sau cứ vô thức hành động mà không biết tại sao. Với điều kiện tự nhiên và xã hội Việt Nam từ xa xưa tới nay, người Việt được cho là có một số tâm lý chung điển hình như: ý thức tập thể do phải đoàn kết để đánh giặc; tâm lý biến đổi do phải liên tục đối phó với thiên tai; đức tính nhẫn nhịn do một quá trình dài phải đương đầu với phương Bắc hùng mạnh; khả năng hòa nhập văn hóa do nằm trên tuyến giao thương nối liền miền Nam Ấn Độ và miền Nam Trung Hoa.

Tinh thần Việt Nam ấy được phát huy mạnh mẽ nhất trong thời kỳ nào? Đây là câu hỏi còn nhiều tranh cãi, nhưng đa phần các trí giả khách quan đều chung nhận định trong hai triều đại Lý – Trần, người Việt phát huy được tốt nhất tinh thần Việt Nam và khi đó nước Việt cũng ở vào giai đoạn thịnh vượng nhất.

vua toi nha Tran deu trong dao
Thời Lý – Trần là xã hội trọng đạo tu hành (Tranh minh họa: Trí Thức VN)

Tinh thần Việt Nam được phát triển từ thời nhà Lý và thăng hoa trong triều đại nhà Trần với “Hào khí Đông A” – hào khí nhà Trần. Chúng ta thường chỉ biết đến nhà Trần nổi bật với chiến công hiển hách ba lần chiến thắng giặc Nguyên hùng mạnh. Nhưng vượt xa hơn thế, giới học giả cho rằng nhà Trần là triều đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có thể tạo được sự đồng tâm, đồng lòng tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ. Quân dân thời Trần phát huy được tốt nhất tinh thần dân tộc Việt để tạo nên một xã hội cường thịnh, hài hòa Vua – tôi, quan – dân.

>>Điều gì giúp nhà Trần ba lần đánh bại đội quân hiếu chiến và hùng mạnh nhất thế giới?

Nhà Trần thắng được giặc Nguyên và xây dựng được đất nước Đại Việt cường thịnh không phải bằng ý chí “quyết chiến, quyết thắng”, mà là nhờ vào khả năng hòa nhập văn hóa và tinh thần đoàn kết. Đặt nền móng từ thời nhà Lý, sang triều Trần tiếp tục duy trì được xã hội hòa hợp với đạo. Có học giả nhận định rằng xã hội dưới triều Trần tạo được thế chân kiềng vững chắc: Vua dùng Đạo trị (Đạo ở đây có nghĩa là quy luật tự nhiên chứ không phải Đạo giáo), Quan dùng Pháp trị, Dân dùng Nhân trị. Tức là vua thì phải biết nắm bắt các quy luật tự nhiên để đưa ra quyết sách, quan phải biết tuân thủ pháp luật và đạo vua tôi, dân phải biết lấy nhân nghĩa để đối đãi với nhau không phân biệt.

Sau thời kỳ quân chủ (nhà Nguyễn), tinh thần Việt Nam đã bị đứt gãy phần nào qua thời cận đại, cho tới đương đại. Người ta bây giờ chỉ biết nhiều đến tinh thần “đấu tranh” của người Việt mà mất dần đi phần gốc rễ, nơi khởi nguồn cho một xã hội Việt Nam hài hòa và bao dung.

Nhiều người đã, đang và sẽ tiếp tục tự hỏi, không biết đến bao giờ Việt Nam mới đạt được sự phát triển đồng đều trong tất cả lĩnh vực đời sống, hay nói ngắn gọn hơn là vươn tới sự thịnh vượng xã hội tương tự như dưới triều đại Lý – Trần. Sau kỳ tích của U23 Việt Nam tại giải Châu Á lần này, chắc hẳn nhiều người sẽ thêm tự tin hơn vào khả năng của người Việt. Nếu mỗi chúng ta hiểu được giá trị tốt đẹp của tinh thần Việt Nam và phát huy được đúng nguyên nghĩa của tinh thần ấy, không điều gì có thể cản trở dân tộc Việt vươn tới xã hội thịnh vượng và hài hòa.

Tân Bình

Xem thêm: