Trong cuộc họp báo cáo các phương án rà soát, nghiên cứu quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra vào chiều 27/2, đơn vị tư vấn của Pháp đã đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam, chỉ sử dụng khu vực phía bắc (đất sân golf) làm hậu cần khu bay.

san bay tan son nhat
Đơn vị tư vấn đề xuất phương án không xây đường băng thứ ba, mở rộng nhà ga hành khách về phía nam, và giải phóng phần sân golf ở phía bắc làm khu đỗ máy bay, ga hàng hóa, khu bảo dưỡng, sửa chữa máy bay (giai đoạn sau 2025).  (Ảnh: vietnamairport.vn)

Báo cáo của đơn vị tư vấn ADPi Engineering (Pháp) gửi Bộ GTVT cho biết theo tính toán, dự báo đến năm 2025, số lượt cất hạ cánh qua Tân Sơn Nhất là 301 nghìn lượt, tương đương 51 triệu khách và 960 nghìn tấn hàng.

Theo phân tích, sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều hạn chế về hệ thống đường cất hạ cánh, vùng trời, sân đỗ, nhà ga hành khách và giao thông tiếp cận. Hiện khu bay Tân Sơn Nhất có 2 đường băng song song với khoảng cách chỉ 365 m nên không thuận lợi cho khai thác; hệ thống đường lăn tạo nút thắt giữa đường cất hạ cánh, công cụ khai thác vùng trời chưa tối ưu. Các hệ thống này chỉ đảm bảo khai thác 36 triệu hành khách mỗi năm như hiện tại; do đó, muốn tăng lượng hành khách thì cần phải mở rộng hạ tầng.

Theo ADPi, nếu nâng công suất Tân Sơn Nhất lên 60 – 70 triệu khách/năm (mục tiêu Chính phủ đặt ra là 50 triệu khách/năm), bắt buộc phải xây dựng thêm đường băng mới, lấy đất khu vực sân golf ở phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất để xây dựng nhà ga. Tuy nhiên, đại diện ADPi cho rằng không nên triển khai phương án này vì giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn, ô nhiễm tiếng ồn, chi phí vận hành cao.

Đơn vị tư vấn kiến nghị cần hạn chế công suất sân bay là 50 triệu hành khách vào năm 2025 để không phải xây thêm đường băng số 3. Thay vào đó, cần cải thiện hệ thống đường cất cánh, bổ sung đường lăn, phương thức khai thác bầu trời, vị trí đỗ và mở rộng nhà ga.

ADPi cũng đưa ra 2 phương án mở rộng nhà ga. Phương án thứ nhất là xây dựng nhà ga hành khách về phía bắc. Nhưng theo ADPi, phương án này dẫn đến khu vực nhà ga bị chia cắt, chi phí vận hành tăng do ở phía bắc (khu vực có nhiều đất quốc phòng) sẽ có nhiều bất lợi là khai thác thiết bị không tối ưu, đi lại của hành khách giữa hai khu sẽ khó khăn, ảnh hưởng đường cất hạ cánh, gây tốn nhiều chi phí.

Phương án mở rộng ra phía nam được cho là sẽ giúp liên hoàn với khu vực nhà ga hiện có, khoảng cách các nhà ga gần hơn và giảm diện tích đất thu hồi.

Ngoài ra, đơn vị tư vấn đề nghị bổ sung nhiều vị trí đỗ, mở rộng nhà ga, sân đỗ về phía nam để tăng khả năng đỗ phương tiện; xây nhà nhà ga hàng hóa để đảm bảo vận chuyển một triệu tấn hàng hóa mỗi năm và khu bảo dưỡng máy bay ở phía bắc.

Theo đó, phần sân golf ở phía bắc sẽ được giải phóng làm khu đỗ máy bay, ga hàng hóa, khu bảo dưỡng, sửa chữa máy bay (giai đoạn sau 2025).

san bay tan son nhat
Sơ đồ sân bay Tân Sơn Nhất, năm 1967.

Đưa ra ý kiến phản biện, TS Dương Như Hùng (Đại học Bách khoa TP HCM), cho rằng dự báo của tư vấn chưa có cơ sở khoa học nên kết quả chưa tin cậy. Ông Hùng cho hay một số nghiên cứu đã dự báo đến 2025 lưu lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất có thể tới 80 triệu lượt hành khách, phù hợp với các dự báo của Boeing, Hiệp hội hàng không quốc tế.

Ông Hùng cho hay nếu sân bay Tân Sơn Nhất phải hạn chế công suất “sẽ gây ảnh hưởng việc đi lại của người dân, tốn kém hàng tỷ USD cho xã hội vì kẹt sân bay…

Trong khi đó, ông Nguyễn Bách Tùng, GĐ Công ty TNHH MTV thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC (thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân) – đơn vị tư vấn mở rộng Tân Sơn Nhất trước đó, đồng tình với số liệu dự đoán về công suất sân bay của đơn vị tư vấn, và chung quan điểm chỉ nên phát triển quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam, vì phát triển lên phía bắc “cực kỳ phức tạp“. Nhưng theo ông Tùng, mục tiêu “giải cứu” Tân Sơn Nhất là sao cho nhanh nhất, rẻ nhất, nếu xây dựng nhà ga mới tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi diện tích rất lớn, không thể chỉ lấy 40 ha mà phải lấy hơn 70 ha của đất quốc phòng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng giới hạn công suất sân bay Tân Sơn Nhất đến 50 triệu khách/năm là hợp lý. Theo ông Đông, vấn đề đặt ra là rà soát quy hoạch, do đó, đầu ra phải đặt việc khai thác của Tân Sơn Nhất trong bối cảnh có sân bay Long Thành.

Đại diện Bộ Quốc phòng, thiếu tướng Trần Hữu Nam – phó cục trưởng Cục Tác chiến – cho biết Quân chủng phòng không không quân đã di chuyển hoạt động huấn luyện của hai đơn vị không quân khỏi vùng trời Tân Sơn Nhất để hàng không dân dụng phát triển. Hiện vẫn còn một số đơn vị ở khu vực để bảo vệ vùng trời Tân Sơn Nhất, TP.HCM và khu vực lân cận nhưng vẫn sẵn sàng đưa lực lượng không quân về làm nhiệm vụ khi cần thiết. Do đó, theo ông Nam, mở rộng Tân Sơn Nhất theo phương án nào cũng phải dùng chung dân sự và quân sự – quốc phòng.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM – tổ trưởng tổ tư vấn của TP do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu lập cho biết với phương án không mở đường băng thứ 3 và khai thác tối đa đường băng hiện hữu, có thể đón được tối đa 50 triệu khách/năm. Còn nếu muốn đón được 70 triệu khách (theo mức dự tính đến năm 2025) thì phải mở đường băng thứ 3. Ông Tống cho biết việc mở rộng sân bay về phía Bắc không chỉ đơn thuần giúp tăng năng suất sân bay, mà còn là việc kết nối giao thông xung quanh sân bay và phát triển vùng đô thị sân bay với vai trò của sân bay với thành phố, giao thông xung quanh.

Chốt cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu tư vấn ADPi tiếp nhận và trả lời các đơn vị liên quan, đồng thời phải đưa ra các dẫn chứng thuyết phục hơn cho các phương án đã đề xuất, đưa ra các nghiên cứu về ảnh hưởng tiếng ồn, ô nhiễm môi trường; đối với việc xây dựng nhà ga phía bắc hay phía nam, tư vấn cần chứng minh ảnh hưởng đến đi lại của hành khách và vị trí chỗ đỗ máy bay…

Ông Thể cho biết các nghiên cứu của công ty tư vấn Pháp là ý kiến độc lập, không phụ thuộc tổ chức nào của Việt Nam mà dựa trên cơ sở khoa học, và đề xuất của ADPi chỉ là phương án, trong tuần tới phải hoàn chỉnh báo cáo cuối kỳ để trình Thủ tướng xem xét với sự tham dự của các bộ ngành và những người đứng đầu chính quyền TP.HCM.

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: